Xoa dịu nỗi đau da cam

Thứ năm, 12/07/2018 19:30

Sau 57 năm, từ khi quân đội Mỹ phun rải hơn 80 triệu lít chất độc da cam (CĐDC) xuống 1/4 diện tích chiến trường Việt Nam (1961-1971), đến nay thảm họa CĐDC vẫn đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống, cuộc sống những người trực tiếp tham gia chiến tranh và con, cháu họ. Đã có 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, hơn 3 triệu người là nạn nhân CĐDC. Hàng trăm nghìn nạn nhân đã chết, hàng trăm nghìn người khác đang hàng ngày vật lộn với bệnh tật hiểm nghèo. Kết quả nghiên cứu của Trung tâm nhiệt đới Việt-Nga cho biết, CĐDC gây hậu quả Y học và Sinh học lâu dài không chỉ với các CCB Việt Nam tham gia chiến tranh mà còn sang cả thế hệ thứ 2, thứ 3 là con em của những người đã bị phơi nhiễm.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí trao quà cho trẻ em nạn nhân CĐDC tại Trung tâm bảo trợ của Hội.

Trung tướng  Nguyễn Thế Lực - Phó Chủ tịch Hội nạn nhân CĐDC/dioxin Việt Nam cho biết: “Thực tế  tại Việt Nam, di chứng da cam đã truyền sang thế hệ thứ 4 và tác động lâu dài của CĐDC lên con người và môi trường không chỉ trong 20 năm, mà có thể lên tới trên 100 năm. Số người bị ảnh hưởng của CĐDC sẽ không dừng ở 4,8 triệu người mà có thể lên đến hàng chục triệu người... Nhiều năm qua, việc xoa dịu nỗi đau da cam không còn là trách nhiệm của riêng cá nhân, tổ chức nào, mà đó là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Những sự tương trợ, những tấm lòng cảm thông, chia sẻ của toàn cộng đồng, trong và ngoài nước là những vòng tay nhân ái giúp xoa dịu "Nỗi đau da cam".  Cùng các chế độ, chính sách đặc biệt chăm lo cho nạn nhân CĐDC, nhiều năm qua, Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin Việt Nam (VAVA) và Hội nạn nhân CĐDC /dioxin tại các tỉnh, thành trong cả nước đã không ngừng vận động các nguồn lực xã hội cùng chung tay, góp sức để giúp đỡ nạn nhân da cam như: sửa nhà, hỗ trợ vốn sản xuất, trợ cấp học bổng cho con cháu nạn nhân, giúp khám chữa bệnh và tặng quà các ngày lễ, tết.  Trong 10 năm trở lại đây, VAVA đã vận động được hơn 1.000 tỷ đồng để hỗ trợ cho NNCĐDC và có hơn 60.000 người hưởng lợi từ đó. Hội cũng đã xây dựng được 26 Trung tâm nuôi dưỡng bán trú tại các địa phương và đang triển khai xây dựng Trung tâm tại xã Yên Bình, huyện Thạch Thất, Hà Nội để nuôi dưỡng nạn nhân là những người già và các con cháu người bị nhiễm CĐDC khi họ không nơi  nương tựa...”. 

Tại TP Đà Nẵng hiện đang có hơn 5.000 nạn nhân CĐDC, trong đó hơn 1.400 trẻ em bị di chứng CĐDC và đang phải mang trên mình những căn bệnh nan y vô phương cứu chữa. Đa số gia đình nạn nhân CĐDCcó hoàn cảnh kinh tế rất khó khăn, sức khỏe yếu, mức sống thấp so với mặt bằng chung của xã hội... Đại tá Tô Năm, Chủ tịch Hội nạn nhân CĐDC/dioxin TP Đà Nẵng cho biết: “Trải qua 13 năm từ ngày thành lập đến nay, Hội đã vận động trên 87 tỷ đồng để chăm sóc, giúp đỡ cho hơn  5.000 nạn nhân CĐDC, trong đó có 1.400 trẻ em bị di chứng nặng. Hiện Trung tâm bảo trợ của Hội đang nuôi dưỡng, chăm sóc 150 em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Trung tâm tạo cho các em học nghề như thêu, may, nghề làm nhang, làm hoa, đan cườm...  Ngoài chế độ của Nhà nước, Hội đã vận động được hơn 100 suất phụng dưỡng thường xuyên và suốt đời cho các nạn nhân từ 100 - 200.000 đồng/tháng".  Hội Nạn nhân CĐDC /dioxin TP Đà Nẵng là một trong 3 đơn vị dẫn đầu cả nước, được Trung ương Hội tặng cờ thi đua xuất sắc trong công tác chăm sóc, hỗ trợ nạn nhân CĐDC.  

Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam, tối nay (12-7), Hội Nạn nhân CĐDC /dioxin TP Đà Nẵng phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự TP, Hội CCB, Sở GD-ĐT, Đài PT-TH, Báo Công an TP Đà Nẵng, Báo Đà Nẵng tổ chức chương trình truyền hình trực tiếp “Đồng hành chia sẻ nỗi đau da cam năm 2018”. Đây là chương trình hoạt động thường niên của Hội nhằm kêu gọi vận động quỹ để chăm sóc, giúp đỡ cho nạn nhân CĐDC trên địa bàn Đà Nẵng. Chương trình đã nhận được sự hỗ trợ của Thành ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam TP Đà Nẵng số tiền 200 triệu đồng; ngoài ra có hơn 100 tổ chức, cá nhân đăng ký hỗ trợ, lên trao bảng tượng trưng tại chương trình.

HIỀN MINH