Xóm của những Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng

Thứ bảy, 12/07/2014 10:45

(Cadn.com.vn) - Tháng 5-2014, người dân xóm Thổ Trại thuộc thôn Quan Nam 5 (xã Hòa Liên, H.Hòa Vang, TP Đà Nẵng) thêm một lần nữa được tự hào về mảnh đất mình sinh ra và lớn lên khi nơi đây có thêm 5 người mẹ được Nhà nước truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng (MVNAH). Đây là xóm truyền thống cách mạng, nơi tuyến đầu của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, chịu nhiều đau thương mất mát nhất của H. Hòa Vang.

Theo chân anh Phạm Dũng, một trong những người con của xóm Thổ Trại, chúng tôi về Hòa Liên trong những ngày cả nước có nhiều hoạt động đền ơn đáp nghĩa và tri ân đối với những gia đình có công cách mạng. Con đường bê-tông dẫn vào xóm ngổn ngang giá hạ từ những ngôi nhà xây đã được người dân tự nguyện tháo dỡ  bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công một dự án. Anh Dũng cho biết, xóm Thổ Trại nằm trong diện quy hoạch giải tỏa, bà con hầu hết chấp hành chủ trương của Nhà nước, bước đầu có một số hộ nhận đất tái định cư, bàn giao mặt bằng, lên khu mới xây dựng nhà ổn định cuộc sống.

Bà Phạm Thị Chiến bên nhà thờ gia tộc họ Phạm ở xóm Thổ Trại.

Trong ngôi nhà cổ của gia đình ông Phạm Kiện, một trong 14 hộ đầu tiên đến khai khẩn, lập nghiệp ở xóm Thổ Trại, chúng tôi được người dân địa phương kể rất nhiều chuyện về xóm của mình với niềm tự hào sâu sắc. Chuyện là, trong những năm kháng chiến chống Mỹ, xóm Thổ Trại là cơ sở cách mạng của tỉnh Quảng - Đà (Quảng Nam - Đà Nẵng). Năm 1964, vùng này tạm thời được giải phóng, tuy nhiên sau đó không lâu, quân đội Sài Gòn cùng lính Mỹ quay lại tấn công xóm Thổ Trại thuộc thôn Vân Dương, xã Hòa Vinh (H.Hòa Vang) cũ.

Từ đó trở đi, nơi đây thành vùng giáp ranh, tranh chấp ác liệt. Không chịu khuất phục, tất cả dân xóm Thổ Trại đứng lên cầm vũ khí, thanh niên trai tráng thì theo du kích, bộ đội chính quy thoát ly đánh giặc. Còn người già, trẻ em, phụ nữ thì đấu tranh chính trị bám trụ tại xóm, ban ngày vừa lao động sản xuất vừa bám địch, tối đến làm giao liên để cách mạng về hoạt động.

Ngày ấy hầu như nhà nào cũng có hầm bí mật nuôi giấu cán bộ, hằng đêm các mẹ, các chị sử dụng đèn dầu làm tín hiệu báo tín cho cách mạng từ cánh Bắc Hòa Vang về tổ chức  các  cơ sở hoạt động ở Thanh Vinh, Đa Phước, Hòa Khánh. Khi thấy đèn sáng là quân giải phóng biết Thổ Trại an toàn, còn không thì chắc chắn có địch mai phục. Đây còn là nơi tiếp tế lương thực, nhu yếu phẩm, thuốc men từ Đà Nẵng vận chuyển lên vùng hoạt động tự do.

"Đánh hơi" thấy mối hiểm nguy từ Thổ Trại, bọn Mỹ - ngụy thường xuyên tổ chức truy quét xóm Thổ Trại. Chúng nhiều lần đốt nhà, dồn dân vào các khu tập trung nhưng trước sự đấu tranh chính trị kiên quyết, người dân lại về quê làm ăn sinh sống, che chở cho cách mạng. Hầu như nhà nào cũng từng bị đốt cháy, bị cày ủi, cũng có người bị bắt, giam cầm, tra tấn vì nuôi giấu cán bộ hoạt động. Bà Phạm Thị Chiến (73 tuổi), một trong những nhân chứng sống của xóm bị địch bắt, tra tấn kể: "Có một lần, quân Mỹ - ngụy đi càn qua xóm Thổ Trại và bị quân ta từ trong xóm nổ súng tiêu diệt.

Ngay lập tức, bọn chúng huy động lực lượng bao vây xóm, lần lượt xăm từng mét đất để tìm hầm bí mật và phát hiện căn hầm thông giữa nhà tôi với nhà 2 chị em Phạm Thị Kỷ và Phạm Thi Tăng. Khi bị lộ hầm, chị Tăng tìm cách trốn thoát và bị chúng nổ súng sát hại, còn tôi và chị Kỷ thì chúng bắt, tra tấn hết sức dã man. Chúng tôi động viên nhau nghiến răng chịu đựng, một mực nói là chỉ biết làm ăn qua ngày, không biết gì hết. Không khai thác được gì, chúng đưa chúng tôi về Hội An nhốt vào nhà lao, đến 3 năm sau mới thả tự do".

Di chứng từ đòn roi tàn ác của kẻ thù khiến bà Chiến thần kinh bị tổn thương nghiêm trọng, hằng tháng phải uống thuốc an thần mới tỉnh táo. Mà nào có vậy, chồng của bà Chiến mới cưới được 1 năm đã thoát ly theo cách mạng và anh dũng hy sinh, để bà vò võ cô đơn một mình cho đến tận những ngày cuối đời.

Công an TP Đà Nẵng tặng quà cho đại diện gia đình MVNAH Nguyễn Thị Lẫn (1913)
ở thôn Quan Nam 5 (xã Hòa Liên).

Anh Phạm Dũng tự hào khẳng định với chúng tôi, xóm Thổ Trại là nơi đóng góp nhiều nhất cho sự nghiệp giải phóng dân tộc ở xã Hòa Liên. Anh dẫn chứng, đến tháng 5-2014, toàn xã Hòa Liên có 161 bà mẹ được Nhà nước phong và truy tặng  danh hiệu MVNAH, 767 liệt sĩ (LS) thì xóm Thổ Trại  có 15 MVNAH và 47 LS. Trong số 14 ngôi nhà đầu tiên của xóm thuộc 2 dòng họ Phạm và Đặng, gia đình ông Phạm Kiện có số lượng MVNAH và LS nhiều nhất.

Cụ thể, ông Phạm Kiện và bà Nguyễn Thị Quảng có 9 người con (5 trai và 4 gái) cùng tham gia kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cứu nước. Con cái, dâu rể và cháu của 9 người con này theo truyền thống đình hầu hết tham gia chống Mỹ và có 7 người (4 dâu và 3 con gái) được công nhận danh hiệu MVNAH,  22 LS hy sinh trong sự nghiệp bảo vệ dân tộc gồm 20 người con, 1 con rể và 1 cháu nội.

Không chỉ anh dũng trong thời chiến, hòa bình lập lại, xóm Thổ Trại tiếp tục có nhiều đóng góp cho sự nghiệp phát triển của địa phương. Nhiều người con của xóm học hành đỗ đạt, thành danh, được bố trí vào những chức vụ quan trọng của bộ máy Nhà nước. Đặc biệt, trong quy hoạch giải tỏa, xóm Thổ Trại là nơi chấp hành tốt chủ trương của thành phố, sẵn sàng bàn giao nhà cửa, đất đai đã từng gắn bó qua nhiều thế hệ để Nhà nước mở rộng, phát triển bộ mặt địa phương.

Nguyên Thảo