Xót xa rừng già “chảy máu”
(Cadn.com.vn) - Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Nghệ An liên tiếp những vụ lâm tặc tổ chức phá rừng quy mô lớn, trở thành thách thức đối với các cơ quan chức năng.
Lâm tặc lộng hành
Liên tiếp trong tháng 5-2015, tỉnh Nghệ An rúng động bởi hàng loạt vụ chặt phá rừng nghiêm trọng. Các đối tượng không chỉ “tấn công” vào các khu rừng sản xuất mà những khu rừng gần biên giới, nơi được canh gác nghiêm ngặt cũng bị tàn phá. Tại xã Thanh Sơn, H. Thanh Chương, “lâm tặc” đã chặt hạ 20m3 gỗ nhóm II-IV. Tiếp đó trên địa bàn xã biên giới Thanh Thủy, H. Thanh Chương, lâm tặc tiếp tục chặt hạ 27m3 gỗ táu. Tại khu vực rừng phòng hộ Cao Vều, H. Anh Sơn “lâm tặc” chặt hạ 20m3 thì tại H. Tương Dương lâm tặc cũng triệt hạ 25m3 gỗ pơmu ở rừng biên giới xã Tam Hợp.
Đầu tháng 6-2015, Phòng CSĐTTPVMT CA tỉnh Nghệ An lại tiếp tục bắt giữ 6 đối tượng, thu giữ 35,4 m3 gỗ khi các đối tượng này đang khai thác gỗ trái phép tại khu vực vành đai biên giới Việt – Lào thuộc rừng phòng hộ xã Thanh Thủy, H. Thanh Chương. Ngày 28-6, Phòng CSĐTTPVMT CA Nghệ An tiếp tục phá thành công Chuyên án 615R, bắt quả tang 2 đối tượng Nguyễn Mộng Thạch và Lô Hồng Thiện (đều trú xã Mậu Đức, H. Con Cuông, Nghệ An) thu khoảng 40 m3. Kết quả điều tra, xác minh ban đầu cho thấy, đối tượng chính trong vụ phá rừng là một đầu nậu chuyên mua bán gỗ lậu trên địa bàn xã Mậu Đức.
Gỗ lậu được lực lượng chức năng thu giữ vào đầu tháng 7-2015. |
Ngày 3-7, tỉnh Nghệ An một lần nữa xôn xao trước vụ lâm tặc tấn công rừng đặc dụng trong khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt. Bởi khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt là một trong ba vùng lõi thuộc Khu dự trữ sinh quyển miền tây Nghệ An lưu giữ nhiều nguồn gen quý về động, thực vật, lại được Ban chỉ huy Quân sự H. Quế Phong, Ban quản lý khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt chịu trách nhiệm bảo vệ. Cụ thể, vào thời điểm trên tổ công tác liên ngành H. Quế Phong đã phát hiện 5 người đàn ông đang dùng cưa xăng cắt hạ 3 cây sa mu (thuộc nhóm 2A quý hiếm) tại vùng lõi rừng đặc dụng trong khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt, xã Hạnh Dịch cách biên giới Việt - Lào khoảng 1 km. Tại hiện trường, 2 cây sa mu hàng trăm năm tuổi, đường kính khoảng 2,5-2,8 m, cao 35- 40 m bị các đối tượng cắt hạ và đang tiếp tục chặt hạ cây thứ ba. Tổng số gỗ của cả ba cây sa mu bị khai thác trái phép khoảng 240 m3.
Theo thống kê của Phòng CSĐTTPVMT CA tỉnh Nghệ An, từ đầu năm đến nay, riêng đơn vị này đã phát hiện, bắt giữ và xử lý khoảng 29 vụ, bắt 37 đối tượng, thu giữ hơn 270m3 gỗ cùng nhiều phương tiện và tang vật phục vụ cho việc vận chuyển và khai thác lâm sản trái phép.
Phương tiện cơ giới lâm tặc sử dụng để kéo gỗ ra khỏi rừng. |
Ai chịu trách nhiệm?
Rõ ràng tình trạng rừng bị chặt phá ngày càng nghiêm trọng, đáng báo động. Nguyên nhân một phần do nhận thức của người dân còn thấp, việc xử lý đối với các đối tượng “lâm tặc” vẫn chưa có tác dụng răn đe. Ngoài ra nhiều vụ vi phạm còn liên quan đến công tác quản lý nhưng việc xử lý chưa nghiêm, còn bị xem nhẹ cũng là một yếu tố khiến lâm tặc vẫn lộng hành.
Trở lại vụ đốn hạ gần 1 ha rừng phòng hộ Cao Vều vào tháng 8-2014 tại xã Phúc Sơn, H. Anh Sơn, dư luận chưa hết bức xúc bởi lẽ cơ quan chức năng đã có kết luận xác định ông Nguyễn Trọng Độ, Trạm trưởng Trạm Quản lý rừng phòng hộ Cao Vều, 7 người đốn hạ khoảng 1ha cây rừng với khối lượng 29,35m3 gỗ từ nhóm 5 – 8 tại tiểu khu 946 thuộc Rừng phòng hộ H. Anh Sơn do đơn vị này trực tiếp bảo vệ, quản lý thế nhưng không hiểu vì lý do gì mà đến nay ông Độ chưa hề bị xử lý?! Dư luận chưa lắng xuống thì lại xảy ra vụ phá rừng tại tiểu khu 748 và 752 thuộc địa bàn xã Đôn Phục và xã Mậu Đức (H. Con Cuông). Đây được cho là vụ án phá rừng có quy mô lớn và trắng trợn nhất từ trước tới nay. Bởi lẽ địa điểm khai thác gỗ trái phép chỉ cách trung tâm xã Mậu Đức khoảng 10 km, các đối tượng ngang nhiên khai thác, vận chuyển gỗ ra khỏi rừng bằng máy kéo, các phương tiện cơ giới.
Để ra khỏi rừng các đối tượng này phải đi qua con đường duy nhất nơi có lực lượng của Ban quản lý rừng phòng hộ, chính quyền địa phương và đặc biệt là Trạm kiểm lâm địa bàn của Hạt kiểm lâm H. Con Cuông chốt giữ. Thế nhưng tại sao vụ việc lại không được phát hiện? Đây có phải đơn thuần là buông lỏng công tác quản lý, thiếu tinh thần trách nhiệm hay là bao che, tiếp tay cho lâm tặc?
Ông Ngân Văn Dương, Phó chủ tịch UBND xã Mậu Đức, H. Con Cuông khẳng định: Trong các cuộc tiếp xúc cử tri, họp hội đồng ở huyện, xã đã phản ánh tình trạng lâm tặc phá rừng, đề nghị phối hợp để ngăn chặn thế nhưng vụ việc vẫn xảy ra. Ông Lê Minh Thông, chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Nghệ An, cho biết: “Hiện chúng tôi đang phối hợp với cơ quan công an, kiểm lâm để làm rõ những sai phạm của tập thể, cá nhân trong vụ tàn phá rừng này. Khi có kết luận, sẽ tổ chức kiểm tra quá trình chỉ đạo, điều hành của các tổ chức Đảng. Nếu phát hiện sai phạm sẽ xử lý nghiêm minh”.
Có thể thấy rằng, nhiều vụ việc khai thác rừng trái phép đã bị phát hiện, bắt giữ và chuyển giao cho các cơ quan chức năng xử lý theo thẩm quyền nhưng việc xử lý còn bị xem nhẹ. Nhiều vụ việc kéo dài hàng năm nhưng cán bộ sai phạm vẫn chưa bị xử lý kỷ luật. Trong khi đó sự tồn tại của rừng đang đòi hỏi lực lượng bảo vệ rừng, những cơ quan quản lý cần phải siết chặt trách nhiệm của mình hơn nữa, để làm rõ sai phạm của tập thể, cá nhân, đặc biệt là người đứng đầu.
D.H