Xuất ngoại và học hỏi

Thứ tư, 01/03/2017 10:34

(Cadn.com.vn) - Hiện nay, nhiều cán bộ công chức nước ta được đi học tập nghiên cứu, tham quan du lịch ở nước ngoài dễ dàng hơn nhiều so với những năm 80 của thế kỷ trước. Bên cạnh việc được mở mang tầm nhìn, nâng cao hiểu biết, bổ sung kiến thức cũng là dịp để người ta nhìn lại vị trí của địa phương, đất nước mình đang ở đâu so với đất nước họ, từ đó rút tỉa ra những gì mình có thể làm được như họ, những gì chưa thể làm được và nhất là những trường hợp mà điều kiện, môi trường, con người ở đất nước họ tương tự như ta mà ta lại chưa làm được…Không đề cập đến những chuyến tham quan, du lịch, thăm người thân, những chuyến đi do nước ngoài hoặc tổ chức quốc tế nào đó tài trợ kinh phí, vì những chuyến đi đó, không “đụng chạm” đến ngân sách của Nhà nước. Chỉ nói về những chuyến đi mang tính “công cán” thì có lẽ chưa ai có trách nhiệm của trung ương hay địa phương hàng năm thống kê, đánh giá kết quả thu được từ những chuyên công tác, nghiên cứu, học tập kinh nghiệm ở nước ngoài đã thu hoạch được những gì. Có chăng chỉ thống kê được số kinh phí phải chi là bao nhiêu, thời gian bao lâu và mục đích của chuyến đi…Đành rằng, trong các quyết định của cấp có thẩm quyền về việc xuất ngoại theo hình thức này, đếu có ghi là sau khi kết thúc chuyến đi phải có báo cáo kết quả bằng văn bản cho cấp trên. Đó là trách nhiệm đương nhiên của các trưởng đoàn hoặc cá nhân phải làm theo quy định chung, nhưng thực ra không phải đoàn đi, cá nhân nào cũng có báo cáo đầy đủ, chi tiết, mà chỉ nêu chung chung, không đề xuất hoặc cho biết đã tíếp thu được gì. Thiết nghĩ, điều quan trọng là từ những chuyến đi đó đã thu được lợi gì cho bản thân ngành, đơn vị mình, từ đó góp phần cho sự phát triển chung của địa phương, của đất nước.

Người viết có người bạn đi học tập về cải cách thủ tục hành chính ở một nước Châu Á đang phát triển, khi về mới vỡ ra bao điều hay, điều lạ mà đáng ra trong điều kiện của chúng ta hiện nay có thể làm được. Chẳng hạn chuyện cải cách hành chính đối với họ bây giờ đã là chuyện đơn giản, việc tinh giản biên chế thực hiện theo phương châm "muốn thoát nước phải đào mương", hay cụ thể hơn là chuyện thu tiền điện, tiền nước không cần người đi thu mà chỉ mua một cái card như card điện thoại trả trước ở ta, gắn vào đồng hồ đo, khi nào hết card thì mua card khác gắn vào, chẳng phải hóa đơn hay biên nhận gì cả. Hay như chuyện trạm thu phí giao thông của họ, số lượng nhân viên thu phí so với ta chỉ bằng chưa tới 1/5. Việc qua trạm nhanh gọn, đoạn đường qua trạm được mở ra thành nhiều làn xe, do đó gần như không phải dừng xe…Một người quen khác đi Hàn Quốc về nói rằng, bên họ diện tích đồi núi chiếm hơn 50%, phải xẻ núi, san đồi để làm đường, đào đất để có ruộng, có vườn. Đường phố họ, vỉa hè cũng không rộng rãi cho lắm nhưng thoáng đãng, ngăn nắp, cây xanh đều tăm tắp, thân cây không quá to và chiều cao cũng không quá cao, nhưng lại có tán rộng cho bóng mát, được tỉa tót thường xuyên mặc dù họ cũng không được như các nước châu Âu, đường dây điện hầu hết chạy ngầm dưới đất, mà còn những hàng cột điện lộ thiên, đường dây nằm trên những hàng cây. Ngẫm lại ở ta, trong nhiều đô thị, vẫn còn tình trạng đường phố cây to cây nhỏ, cây cao cây thấp, chủng loại lộn xộn, hè đường thì khỏi phải nói vì sự bề bộn và thiếu đồng bộ của nó, ruộng vườn thì nhanh chóng được lấp đi để làm đường, xây phố v.v... Phải chăng vì chúng ta quá “giàu” về tiềm năng đất đai mà cho mình cái quyền “tự do phung phí” trong khi mỏi mắt mới tìm ra một cái hồ xanh trong, một cái công viên xinh xắn... Hay như chuyện làm du lịch. Một bạn trẻ đi du lịch Đài Loan (Trung Quốc) về, phát biểu rằng, ở bên họ làm du lịch tốt lắm, mặc dù phong cảnh không được thiên nhiên ưu đãi như ở ta. Đơn giản như chuyện họ đưa mình đến nơi làm bánh, hướng dẫn mình làm bánh, sau đó ghi mã số đối với sản phẩm của từng người, đến khi về họ gói bánh trong túi rất đẹp cho mình đem theo. Chính vì vậy mà sau đó mọi người thử bánh ở cửa hàng và ai cũng mua. Và bạn trẻ này kết luận: Đơn giản vậy thôi Đà Nẵng mình vẫn chưa làm được

Những chuyện “cỏn con” nêu ở trên, chúng ta học tập và áp dụng được lắm chứ? Vậy mà không biết bao nhiêu đoàn đi - về rồi mà chẳng biết đã tiếp thu được gì mà không thấy chuyển biến bao nhiêu, hay phải chăng là chưa có sự động não, một sức ì quá lớn. Cần xác định, không phải ra nước ngoài là đòi hỏi phải học tập ở họ những điều cao xa, thiếu thực tế. Cũng không làm theo kiểu “học đòi”, mà điều quan trọng là làm thế nào để kích thích, khuyến khích phát huy được “cái tâm” thật sự vì quê hương, đất nước vốn có sẵn trong mỗi con người. Từ chỗ thấy ở nước họ có những gì hay, thiết thực cho đất nước, quê hương mình thì chủ động tìm hiểu, tiếp thu, đề xuất, bắt tay vào thực hiện một cách sáng tạo. Cuối cùng, để những đồng tiền ngân sách bỏ ra không uổng phí, nhà nước cần có những quy định cụ thể, thậm chí là bắt buộc, đặt ra cho mỗi chuyến đi để thu được hiệu quả trong chuyện học tập, tìm hiểu ở nước ngoài, góp phần xây dựng quê hương, đất nước tiến nhanh trên con đường văn minh hiện đại.

Dân Hùng