Xung quanh vụ "Ngân hàng cho vay 36 tháng, gần 20 năm sau mới đi đòi nợ": "Chỉ là sơ suất nghiệp vụ!"
(Cadn.com.vn) - Để sáng tỏ hơn về lộ trình thu hồi "nợ xấu" không được tường minh của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam- Chi nhánh Bắc Đà Nẵng (viết tắt: NH CTBĐN) gây bức xúc cho hơn 700 hộ dân ở P. Hòa Hiệp Nam và P. Hòa Hiệp Bắc (Q. Liên Chiểu, Đà Nẵng), phóng viên Báo Công an TP Đà Nẵng đã có cuộc trao đổi với ông Võ Minh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước, chi nhánh Đà Nẵng (viết tắt: NHNN ĐN). Trong cuộc trao đổi này, ông Minh nhiều lần khẳng định:
Ông Võ Minh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước, chi nhánh Đà Nẵng. Ảnh: P.T |
P.V: Thưa ông! Với tư cách là Giám đốc NHNN ĐN, quan điểm của ông về vụ việc này như thế nào?
Ông Võ Minh: Trước hết, cần xác định quan điểm rõ ràng rằng: "Có vay thì phải có trả". Không thể viện bất kỳ lý do gì để chối từ nghĩa vụ của người đi vay đối với các tổ chức tín dụng được. Câu chuyện ở đây là, NH CTBĐN trong thời gian dài đã không tổ chức thu nợ kịp thời. Tuy nhiên, theo như trình bày của NH CTBĐN, sở dĩ có vấn đề này cũng có những nguyên nhân khách quan của nó.
Cụ thể, năm 1998, một cơn bão lớn đổ bộ vào Đà Nẵng và người dân ở khu vực nói trên bị thiệt hại nặng nề. Xét thấy nếu thu ngay vào thời điểm đó cũng khó cho dân nên NH CTBĐN cũng có dần dà trong chuyện thu hồi nợ. Cũng theo trình bày của NH CTBĐN, năm 2001, Chính phủ có chủ trương xóa nợ cho những tổ chức kinh tế thiệt hại trong cơn bão năm 1998 nên NH CTBĐN đã làm hồ sơ đề nghị xóa nợ cho các HTX Nông nghiệp, HTX mua bán và cho cả các hộ vay chuyển đổi ngành nghề ở làng pháo xã Hòa Hiệp cũ (P. Hòa Hiệp Nam và P. Hòa Hiệp Bắc ngày nay). Tuy nhiên, Chính phủ chỉ duyệt cho loại hình HTX Nông nghiệp và HTX mua bán, còn người dân thì không. Được biết, trong khoảng thời gian chờ đợi sự phê duyệt của Chính phủ, vẫn có người tiếp tục trả nợ chứ không phải không. Đến năm 2006 và tháng 3-2015, NH CTBĐN tiếp tục làm tờ trình xin xóa nợ cho dân nhưng Chính phủ không đồng ý...
Vì những lẽ trên, theo tôi, trong vấn đề này, NH CTBĐN cũng có trách nhiệm đối với dân chứ không phải không. Tuy nhiên, sơ suất của NH là chậm trễ trong quá trình thu hồi nợ. Đáng lý ra phải có thông báo cho dân biết về số nợ này theo định kỳ từng năm. Đứng về góc độ quản lý về mặt Nhà nước, theo tôi, đó chỉ là sơ suất trong nghiệp vụ mà thôi...
P.V: Người dân cũng xác định "có vay, có trả" nhưng họ bất bình là lộ trình thu hồi nợ của NH CTBĐN. Nếu như NH đòi nợ theo đúng lộ trình thì họ đã trả xong nợ từ lâu. Vì không thấy thu hồi nữa, họ tưởng Nhà nước thông cảm với hoàn cảnh khó khăn của họ sau khi chuyển đổi nghề pháo nên xóa nợ? Tại sao NH CTBĐN không có thông báo hoặc gia hạn nợ cho dân?
Ông Võ Minh: Tôi được biết, NH CTBĐN dần dà trong chuyện thu hồi nợ cũng chỉ để tạo điều kiện cho dân mà thôi. Cần hiểu rõ thêm rằng, đây là một khoản vay hết sức đặc biệt: cho vay để chuyển đổi ngành nghề đối với những người làm pháo. Không phải là khoản vay thương mại thông thường. Bởi vì đây là diện vay chính sách, cũng có lúc Chính phủ có chủ trương đưa vốn về để NH cho vay, cũng có lúc chỉ đạo các NH huy động vốn để cho vay... Việc chỉ đạo của Nhà nước chưa thật sự nhất quán, sâu sát, kết hợp thêm thiên tai lũ lụt nên NH CTBĐN có những động thái "cố tình" tạo điều kiện cho dân trong việc làm tờ trình xin xóa nợ cho dân. Nhưng Chính phủ không đồng tình, đành chịu chứ biết sao được... Vì thế, tôi khẳng định lại một lần nữa, đây chỉ là sơ suất về mặt nghiệp vụ, làm chưa kỹ, chưa thấu đáo, chứ không có gì khác!...
P.V: Thưa ông! Ông nghĩ sao khi người dân cho rằng, NH CTBĐN đã đưa họ vào thế ngặt, "ép" họ khi đưa ra lộ trình thu hồi nợ xấu: Ai nộp trong tháng 12 thì xóa lãi, còn sau tháng 12-2015 trở đi phải trả cả gốc lẫn lãi? Trong khi đó thời gian thông báo thu nợ diễn ra ngay trong tháng 12-2015?
Ông Võ Minh: Điều bạn đặt vấn đề là đúng rồi! Đúng là chưa hợp lý thật. Phải tùy theo hoàn cảnh của từng người để thu. NH CTBĐN phải làm việc cụ thể với từng người, không thể đánh đồng ai cũng như ai được. Tuy nhiên, theo như tôi được biết, cũng tại buổi tiếp xúc với người dân trong diện nợ vay tại P. Hòa Hiệp Bắc, trước phản ứng của người dân, bản thân NH CTBĐ cũng đã có những sự điều chỉnh về phương án thu hồi nợ đó thôi. Thật ra, tôi được biết, NH CTBĐN cũng không muốn tính lãi suất đâu. Chỉ muốn thu gốc để tất toán sổ nợ mà thôi...
P.V: Vậy, ông có tham mưu gì cho TP đối với khoản "nợ xấu" đặc biệt này không?
Ông Võ Minh: Tôi chỉ yêu cầu NH CTBĐN phải xác định lại rõ ràng từng trường hợp cho vay cụ thể, phân loại hoàn cảnh của từng đối tượng cho vay để có chính sách thu hồi nợ hợp lý. Theo đó, đối với người có khả năng trả nợ thì động viên cho người ta trả nợ. Có thể, về mặt bằng chung sẽ miễn giảm toàn bộ tiền lãi, chỉ thu hồi nợ gốc. Tinh thần chung là đảm bảo quyền lợi cho Nhà nước, cho NH nhưng không phải vì thế mà gây khó cho dân... Nếu có tham mưu cho TP, tôi cũng tham mưu theo cách đó thôi.
P.V: Trong trường hợp có hộ thực sự mất khả năng trả nợ vì tuổi quá cao, hoàn cảnh gia đình khó khăn thực sự, cách xử lý của NH như thế nào?
Ông Võ Minh: Trong trường hợp đó thì cũng đành phải xóa nợ thôi... Nếu các cụ có thiện chí trả nợ, NH vẫn nhận, nhưng sau đó sẽ có chính sách trợ cấp khác theo hình thức an sinh xã hội chẳng hạn...!
P.V: Xin cảm ơn ông!
P.Thủy
(thực hiện)