Ý nghĩa từ việc đem lan về rừng

Thứ ba, 16/07/2024 11:51

Sau thời gian phong trào chơi lan rừng nổi lên, nhiều người tỏ ra nhàm chán với “thú vui” này nên bỏ lan khắp nơi, không còn thiết tha chăm sóc nữa. Trước thực tế đó, với ý tưởng đem hoa lan về rừng, hơn 1 năm qua, Ban quản lý Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi (huyện Nông Sơn, Quảng Nam) đã phát động chương trình “Đem lan về tự nhiên – hành động nhỏ, ý nghĩa lớn”.

Nhiều người dân trong và ngoài tỉnh tham gia "Trồng cây gây rừng" tại Ban quản lý Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi.
Ý nghĩa lớn từ việc đem lan trở về trồng tại rừng tự nhiên.

Ngày 16-7, ông Mai Văn Dưỡng – Giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi cho biết, qua một năm phát động, đến nay đơn vị đã nhận được rất nhiều lan rừng từ sự ủng hộ của người dân. “Sau phong trào chơi lan rừng rầm rộ, giờ nhiều người không chăm sóc, bỏ khắp nơi, nên đơn vị xin lại và ghép vào rừng tự nhiên; đồng thời đơn vị cũng phát động chương trình Đem lan về tự nhiên – hành động nhỏ, ý nghĩa lớn” để mọi người ý thức hơn việc bảo tồn loài lan rừng. Qua một năm phát động, đến nay đơn vị đã tiếp nhận được hơn 300kg lan rừng các loại do nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh đóng góp. Số lan rừng trên đã được đơn vị trồng trên những cây rừng tự nhiên nằm trong lâm phận quản lý”- ông Mai Văn Dưỡng thông tin.

Nhiều người dân trong và ngoài tỉnh tham gia "Trồng cây gây rừng" tại Ban quản lý Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi.

Được biết, ngoài việc phát động chương trình Đem lan về tự nhiên, nhiều năm qua, Ban quản lý Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi cũng đã phát động phong trào “Trồng cây gây rừng” đến với đông đảo người dân. Theo đó, người dân góp kinh phí, chọn loài cây, sau đó đơn vị sẽ trồng, chăm sóc và hằng năm chụp ảnh gửi lại cho người đã tham gia trồng các loại cây đó.

TRẦN TÂN