50 năm vụ thảm sát Hà My: Còn đó nỗi đau!

Thứ bảy, 24/02/2018 11:01

Vậy là đã 50 năm từ cái ngày khủng khiếp 24-2-1968 (ngày 26 tháng giêng âm lịch), quân đội Đại Hàn (Nam Triều Tiên) tàn sát 135 người dân vô tội làng Hà My, Điện Dương, Điện Bàn, Quảng Nam. Đã thành lệ, sau tết, cả xóm Tây, Hà My lại giỗ chung một ngày. Nửa thế kỷ dần trôi qua, vậy mà suối máu trên cát và tiếng kêu khóc của trẻ con, phụ nữ hôm ấy như còn ám ảnh mãi với người còn sống.

Năm nào cũng vậy, ngày này, các tổ chức về tìm hiểu vụ thảm sát luôn chọn nhà bà Phạm Thị Hoa (còn gọi là bà Lập) là điểm đến đầu tiên. Mỗi lần như thế, ký ức tưởng nằm yên lại bị lục tung. Nhưng năm nay bà không còn có mặt để tiếp các đoàn về thăm... Cụt một mỏm bàn chân phải, buộc phải xỏ nửa chiếc dép đặc biệt là bà Trương Thị Thú (Tấn). Bà cũng đã yếu nhiều so với trước. Chị Trình, chị Bôn, anh Định, anh Nam... cũng hằn lớp thời gian trên gương mặt... Họ ít nói dần về nỗi đau ngày xưa. Phần vì không muốn nhắc nhiều về quá khứ, phần khi ấy còn quá nhỏ để có cái nhìn bao khắp. Vậy là như thường lệ, ông Nguyễn Cọi, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Điện Dương (nay là phường), Phó ban liên lạc xóm Tây, Hà My, người trực tiếp chôn các nạn nhân vụ thảm sát luôn là một nhân chứng minh mẫn nhất. Có mẹ là bà Lê Thị Thoại và các em trai chết, bị thương nặng trong vụ Hà My, người cựu du kích này như không quên bất cứ chi tiết nào trong ngày giông bão ấy...

Người dân Điện Dương thắp hương tại Đài tưởng niệm nạn nhân vụ thảm sát.

Mới tờ mờ sáng ngày 24-2-1968, nhằm bứng người dân vùng bám trụ vào ấp chiến lược, hai đại đội lính của Lữ đoàn Rồng Xanh (Đại Hàn) kéo đến bao vây làng Hà My. Chúng gom người già, phụ nữ, trẻ em về xóm Tây ở 3 điểm chính: trước nhà ông Nguyễn Biểu (Điểu) 42 người; hầm nhà bà Lê Thị Thoại 12 người và nhà ông Nguyễn Bính 70 người. Một điểm nữa là nhà bà Cao Thị Đương, 15 người. Tổng cộng hơn 150 người đã bị chúng lùa vào tập trung. Sau đó, chúng dùng súng tiểu liên AR15, cối M79, lựu đạn M26, bắn và ném xối xả về phía người dân. Man rợ hơn, sau khi tàn sát, khi nghe không còn tiếng kêu la nào, chúng phóng hỏa đốt thiêu, thịt cháy khét, chỉ còn xương chất thành đống, chẳng ai còn gương mặt để nhận dạng. Nguyễn Thanh Nam, cháu ông Nguyễn Bính mới 12 tuổi, đã chứng kiến cảnh mẹ ngồi dựa cây cột gỗ và hai đứa em kế cùng ngã xuống, rồi những người khác trở thành bia ngắm của chúng. Bé Nguyễn Thị Sàn vẫn ôm bầu vú người mẹ đã chết là Phùng Thị Bán. Nguyễn Thị Bông (nay đã mất) mới 2 tuổi bị chúng bắn vỡ quai hàm. Mẹ của bé gục tại chỗ từ loạt đạn đầu tiên ở hầm ông Nguyễn Điểu. Khát quá, Bông lấy tay múc nước uống, nhưng không thể nào uống được. Sau khi quân Nam Triều Tiên rút, có toán lính Mỹ đến đã đưa em ra tàu y tế của Đức trên biển cứu chữa và được một gia đình Đức nhận nuôi. Hơn 20 năm sau, em mới tìm được về thăm chị gái là Nguyễn Thị Bôn, cũng là người sống sót hôm đó.

Bà Trương Thị Thú tìm tên con mình trên bia tưởng niệm.

Ông Nguyễn Cọi, giọng như lạc đi khi nhớ lại cảnh tượng hãi hùng: "Khoảng 18 giờ, ngớt tiếng súng, từ dưới hầm bí mật, 8 cán bộ du kích chúng tôi đi lên men theo các bụi rậm, tìm đến các hầm. Tất cả như muốn xỉu khi đập vào mắt là xác người. Mẹ tôi, bà Lê Thị Thoại đã chết. Các em của tôi gồm Nguyễn Thị Thanh, Nguyễn Định, Nguyễn Tâm bị thương nặng. Tâm sau đó không qua khỏi. Bà Nguyễn Thị Giỏi bị cắt đứt nửa dưới thân. Bà Phạm Thị Sự chết trong tư thế chống nạnh, mắt mở to trừng trừng. Hai anh em Nguyễn Mãn, Nguyễn Lương tối đó về ôm mẹ là bà Kiều, chị gái Nguyễn Thị Điểu và hai cháu mà khóc ngất. Chúng tôi khiêng chừng 15 người  bị thương nặng ra ngoài rồi chuyển cho dân đưa đi lên Điện Ngọc. Không có gì làm cáng, mọi người tháo các giường tre hay cột các vỏ bao xi măng lại để khiêng. Những người thân được chôn cất thì ngày hôm sau địch tàn ác cho xe cày ủi nát, trong đó có mộ của mẹ tôi. Vậy là trăm người chết nhưng không ai có mộ đàng hoàng. Bây giờ chỉ biết thờ chung...".

"Máu kêu trả máu, đầu kêu trả đầu", sau vụ thảm sát, người dân Điện Dương càng thêm căm thù giặc xâm lược, cùng cả nước chiến đấu giải phóng quê hương. Sự hy sinh đó thật khốc liệt. Cứ 6 người dân lúc bấy giờ thì có 1 liệt sĩ. Gần 70 gia đình có từ 3-7 liệt sĩ. Đặc biệt gia đình ông Nguyễn Biểu có đến 11 liệt sĩ gồm cha mẹ, tất cả 6 người con cùng 2 con  rể, 1 cháu ngoại. Hai anh em Nguyễn Mãn, Nguyễn Lương con ông bà Biểu từng chôn cất mẹ mình trong vụ thảm sát xóm Tây, sau này cũng đã nằm lại ở quê hương. Theo lời ông Cọi, vụ thảm sát kinh hoàng này tuy khá muộn nhưng sau đó đã được công bố trên báo chí Hàn Quốc, tạo nên dư chấn trong đời sống chính trị xứ Hàn. Năm 1993, Moon-Koo-Kim, viên chỉ huy Lữ đoàn Rồng Xanh ngày nào, sau này là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Hàn Quốc tỏ rõ ăn năn, xin chính quyền và bà con hãy rộng lòng tha thứ khi qua thăm lại Việt Nam. Về nước, Moon-Koo-Kim đã tổ chức quyên góp trong cựu chiến binh được hơn 35.000USD, chuyển cho xã để xây Đài tưởng niệm nạn nhân vụ thảm sát Hà My ngay trên nền nhà ông Nguyễn Bính. Công trình đã được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh. Năm 2000, đoàn Cựu chiến binh Hàn Quốc hơn 40 người, trong đó có cả tu sĩ, Phật giáo đã qua Điện Dương làm lễ cầu siêu cho nạn nhân. Kỷ niệm 45 năm, nhằm ngày 26 tháng giêng tức ngày 5-3-2013, Điện Dương đã tổ chức lễ tưởng niệm vụ thảm sát xóm Tây, Hà My. Lần đầu tiên có đến 27 thành viên thuộc các tổ chức Hàn Quốc và những người bạn Nhật Bản đã về dự. Vòng hoa của các đoàn đều mang dòng chữ "Thành thật xin lỗi Việt Nam". Giáo sư Han Hong Koo, Giám đốc Bảo tàng Hoà bình Hàn Quốc thay mặt các tổ chức Hàn Quốc gửi lời xin lỗi nạn nhân và gia đình bị thảm sát, tặng quà cho 18 người còn sống sót.

Vùng xóm Tây, Hà My với những ruộng lúa, hoa màu xanh tươi ngày trước bây giờ được san phẳng làm khu dân cư. Vị trí đắc địa, khách tứ phương đổ về nhộn nhịp bán mua. Đài tưởng niệm trở nên nhỏ bé giữa không gian sắp thành đô thị. Dẫu nhân chứng cuối cùng sẽ rơi rụng dần thì với những người dân địa phương, dư âm vụ thảm sát Hà My không thể nào quên, nhắc người còn sống luôn nhớ về giá trị của hòa bình và độc lập có được hôm nay.

                                  HỒNG VÂN