Ai sẽ trở thành Thủ tướng Thái Lan trong nhiệm kỳ tới ?

Thứ năm, 18/05/2023 10:00
Theo kết quả do Ủy ban Bầu cử Thái Lan (EC) công bố hôm 15-5, đảng Tiến bước (MFP) giành được 152 ghế, nhiều ghế nhất trong cuộc tổng tuyển cử ngày 14-5.  Liên minh 6 đảng do đảng Tiến bước thành lập đã có được 310 ghế trong 500 ghế tại Hạ viện, nhưng điều đó chưa đủ để đảm bảo chắc chắn cho việc liên minh này giành được ghế Thủ tướng. Vậy ứng cử viên nào sẽ trở thành Thủ tướng Thái Lan trong 4 năm tới?
Lãnh đạo đảng Tiến bước (MFP) Pita Limjaroenrat trong chiến dịch vận động bầu cử ở Bangkok, ngày 12-5. Ảnh: AFP
Lãnh đạo đảng Tiến bước (MFP) Pita Limjaroenrat trong chiến dịch vận động bầu cử ở Bangkok, ngày 12-5. Ảnh: AFP

Các kịch bản

Theo Hiến pháp Thái Lan, người đứng đầu chính phủ phải nhận được sự ủng hộ của tối thiểu 376 nghị sỹ tại hai viện Quốc hội gồm 750 thành viên. Với kết quả do Ủy ban bầu cử Thái Lan công bố ngày hôm qua, các chuyên gia cho rằng người đứng đầu chính phủ mới của nước này chủ yếu là cuộc chạy đua giữa ứng cử viên của liên minh do MFP thành lập và ứng cử viên của đảng Quốc gia Thái Thống nhất (UTN) của đương kim Thủ tướng Prayut Chan-o-cha.

Trong kịch bản lãnh đạo đảng MFP Pita Limjaroenrat được bổ nhiệm làm Thủ tướng Thái Lan, MFP phải thuyết phục được ít nhất 66 thượng nghị sĩ tham gia liên minh để bỏ phiếu bầu ông Pita làm thủ tướng. Khi đó, liên minh cầm quyền sẽ thành lập được một chính phủ đa số do ông Pita lãnh đạo. Và nếu không nhận được sự ủng hộ của các hạ nghị sỹ, ứng cử viên của liên minh này sẽ cần sự ủng hộ của các nghị sỹ tại Thượng viện.

Một kịch bản khác là các thượng nghị sỹ có thể chọn ủng hộ Thủ tướng đương nhiệm Prayut Chan-o-cha của UTN. Theo kết quả bầu cử, UTN giành được 36 ghế, trong đó có 23 ghế khu vực bầu cử. UTN chỉ cần thêm sự ủng hộ của ít nhất 90 hạ nghị sỹ tại Hạ viện. Bởi nhiều khả năng đảng này sẽ giành được sự ủng hộ của 250 nghị sỹ tại Thượng viện, gồm các nhân vật cho chính quyền cũ chỉ định.

Trong tình thế này, mọi chú ý đổ dồn vào Đảng Tự hào Thái Lan (Bhumjaithai) với 70 ghế giành được tại Hạ viện. Đảng này có vai trò rất lớn trong việc xác định ứng cử viên nào sẽ trở thành Thủ tướng mới của Thái Lan. Bởi nếu bên nào nhận được sự ủng hộ của đảng này thì sẽ chắc chắn có đủ số phiếu cần thiết để thành lập chính phủ mới.

Theo các chuyên gia, nếu ứng cử viên của liên minh do MFP thành lập được bầu làm thủ tướng thì liên minh cầm quyền sẽ tiếp tục thành lập một chính phủ đa số. Còn ngược lại liên minh của UTN sẽ lãnh đạo một chính phủ thiểu số dẫn đến một số khó khăn khi thông qua các luật.

Thế khó của MFP

MFP đang tìm cách vận động Thượng viện ủng hộ ứng viên Pita Limjaroenrat của đảng này làm thủ tướng Thái Lan. Ngày 17-5, Tổng thư ký MFP, ông Chaithawat Tulathon, nói rằng đảng này sẵn sàng gặp để trao đổi với các thượng nghị sĩ Thái Lan vào bất cứ lúc nào. "Mối quan ngại của các thượng nghị sĩ có thể không có cơ sở. Nếu có thể nói chuyện, chúng tôi sẽ giải tỏa các lo ngại đó. Tôi tin rằng có một số thượng nghị sĩ đủ chín chắn và không muốn thấy chính trị bế tắc", báo Bangkok Post dẫn lời ông Chaithawat cho biết. Tuy nhiên nhiều thượng nghị sĩ lo ngại về những chính sách của MFP như sửa đổi hoặc bỏ điều 112 trong Bộ luật Hình sự (quy định mức phạt với những trường hợp xúc phạm Hoàng gia Thái Lan). Trước đó, MFP cũng muốn loại Thượng viện khỏi quá trình bầu thủ tướng.

Ngoài ra, ứng cử viên Pita bị cáo buộc không đủ tư cách là thành viên của quốc hội. Một chính trị gia bảo thủ - ông Ruangkrai Leekitwattana từ đảng Palang Pracharath - cáo buộc ông Pita sở hữu bất hợp pháp cổ phần của một công ty truyền thông hiện đã không còn tồn tại. Ông Pita giải thích, ông sở hữu cổ phần với tư cách là người thi hành di chúc của người cha quá cố. Tuy nhiên, ủy ban bầu cử có nghĩa vụ điều tra khiếu nại này cùng với những khiếu nại khác đã nhận được trước cuộc bầu cử ngày 14-5. Dự kiến cần đến 2 tháng để kết luận điều tra. Nếu cuộc điều tra kết luận ông Pita thực sự có sai phạm, ông có thể bị truất quyền làm nghị sĩ.

AN BÌNH