Ám ảnh ngộ độc rượu

Thứ bảy, 08/09/2018 22:30

Chỉ trong thời gian ngắn, liên tiếp các vụ ngộ độc rượu xảy ra trên địa bàn tỉnh Quảng Nam khiến hàng chục người thương vong. Nguyên nhân dẫn đến những cái chết thương tâm xuất phát từ sự chủ quan của người dân trong việc sử dụng rượu không rõ nguồn gốc, rượu chứa Methanol, thậm chí rượu tự ngâm theo công thức... truyền miệng.

Nhiều người nhập viện sau khi uống rượu do bà Nga nấu.

Những cái chết thương tâm

Những ngày này, trở lại ngôi làng ở xã Cà Dy (H. Nam Giang, Quảng Nam), người dân nơi đây vẫn chưa hết bàng hoàng, khi nhắc lại vụ ngộ độc rượu khiến 4 người tử vong, hơn 20 người khác phải nhập viện điều trị với triệu chứng buồn nôn, chóng mặt. Các nạn nhân tử vong gồm ALăng Minh (1975), BNướch Chơm (1961), AViết Giang (1982) và Hối Nhân (1970). Trước đó, ALăng Minh, BNướch Cheo, BNướch Chơm và AViết Giang cùng một số thanh niên khác đến quán của bà Ka Phu Thị Nga (thôn Pà Băng, xã Cà Dy) uống rượu. Sau khi tàn cuộc vui thì nhà ai nấy về. Đến sáng sôm sau, ông BNướch Chơm có triệu chứng buồn nôn, hoa mắt, chóng mặt nên gia đình cấp tốc đưa đến Trung tâm Y tế H. Nam Giang cấp cứu. Tuy nhiên, nhận thấy triệu chứng của bệnh nhân ngày càng nặng nên các bác sĩ tại đây chuyển ông Chơm xuống Bệnh viện Đa khoa Bắc Quảng Nam (Đại Lộc) cứu chữa nhưng ông Chơm không qua khỏi.

Trong lúc “bạn nhậu” của mình là ông Chơm phải chuyển xuống bệnh viện cấp cứu nghi do ngộ độc rượu, nhưng cũng hôm đó, A Lăng Minh vẫn tiếp tục tổ chức cuộc nhậu tại nhà ông A Rất Chế. Tham dự buổi nhậu hôm đó còn có ông Hối Nhân. Tại đây, 2 ông A Lăng Minh và Hối Nhân tiếp tục mua rượu của quán bà Nga uống. Riêng ông A Rất Chế uống bia do không uống được rượu. Đến khuya, ông Minh bị nôn mửa, hoa mắt nên được người nhà đưa đến bệnh viện cấp cứu. Tuy nhiên, ông Minh chết trên đường đi cấp cứu. Các nạn nhân còn lại gồm BNướch Cheo, AViết Giang và Hối Nhân sau đó cũng có những triệu chứng hôn mê sâu, tím tái, khó thở... nên được đưa xuống Bệnh viện Đa khoa Bắc Quảng Nam, riêng Hối Nhân được chuyển thẳng ra Bệnh viện Đà Nẵng. Sau nhiều ngày điều trị, do ngộ độc nặng nên AViết Giang và Hối Nhân cũng tử vong. Ngay sau khi sự việc xảy ra, cơ quan chức năng đã niêm phong toàn bộ các thùng men rượu cũng như các dụng cụ, tang vật liên quan để phục vụ cho quá trình điều tra. Số rượu mà các nạn nhân trên uống đều do bà Nga tự nấu. Cũng thời điểm này, hơn 20 người uống rượu của bà Nga cũng có nhiều triệu chứng ngộ độc nên đến các cơ sở y tế điều trị. Quá trình điều tra, cơ quan chức năng xác định nguyên nhân dẫn đến việc 4 người tử vong, hàng chục người nhập viện là do trong rượu có chứa Methanol.

Mới đây, anh Vũ Quang Vinh (23 tuổi) cùng cậu ruột mình là ông Nguyễn Văn Meng (41 tuổi, cùng trú thôn 1, xã Trà Don, H. Nam Trà My) vào rừng tìm rễ cây ngâm rượu. Đến chiều cùng ngày, 2 người mang về một số rễ cây lạ, dùng ngâm rượu. Ngâm xong, cả hai mang số rượu này ra uống. Tuy nhiên, khi uống hết khoảng nửa lít thì ông Meng và anh Vinh bắt đầu lên cơn co giật rồi tử vong. Theo CAH Nam Trà My, tại hiện trường, cơ quan chức năng thu được một chai nhựa loại 1,5 lít chứa rượu và rễ cây. Dù chỉ mới ngâm được ít giờ nhưng rễ cây cho ra thứ nước rượu màu đỏ óng. Hiện, nguyên nhân vụ việc vẫn đang được các cơ quan chức năng điều tra, làm rõ.

Bình rượu tự ngâm cậu cháu anh Vinh uống dang dở và lán trại nơi xảy ra vụ việc.

Chủ quan là mất mạng

Hai “nguồn” rượu dẫn đến ngộ độc gây tử vong chủ yếu là rượu thủ công tự nấu và rượu do người dân tự ngâm. Nhiều cơ sở thậm chí chưa được cấp giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh theo Nghị định 94/2012/NĐ-CP nhưng vẫn bất chấp, tự nấu và bán cho người dân. Không khó để thấy tại các cửa hàng tạp hóa, rượu được mua bán như một nhu yếu phẩm mà không có giấy phép kinh doanh, không nhãn mác. Hiện tại, việc kiểm soát, quản lý các cơ sở này là một bài toán đang được các ngành chức năng quan tâm.

Về rượu có chứa Methanol, theo cơ quan chức năng, đó là do người nấu cố tình “bơm” vào. Thực tế, khi chưng cất rượu, chất lỏng đầu tiên ngưng tụ là Methanol và một số chất độc khác, vì các chất này bốc hơi ở nhiệt độ thấp nên bốc ra ngay ở giai đoạn chưng cất đầu tiên. Vì lợi nhuận, cơ sở sản xuất rượu dùng Methanol để pha lẫn vào các đợt rượu chưng cất tiếp theo làm tăng thêm nồng độ Methanol trong rượu.

Riêng với rượu tự ngâm theo phương thức... truyền miệng, lương y Huỳnh Văn Ngọc (trú Quảng Nam) cho rằng, trường hợp sử dụng rượu ngâm từ các cây thuốc cũng phải tham khảo thêm ý kiến, tư vấn của chuyên gia. Bởi bản thân nhiều cây cỏ (thậm chí là vị thuốc) cũng chứa một số loại độc (độc dược) nhất định. Không phải những loại cây bản tính “hiền” thì có thể ngâm rượu được. Ví như những loài dược liệu quý nhưng chỉ có thể ngâm và sử dụng ngoài da, điều trị các bệnh thấp khớp nhưng khi uống có thể dẫn đến ngộ độc. Hơn thế, đa phần việc người dân tự ngâm rượu đều không có chuyên môn nghiệp vụ, không nắm rõ các công thức mà chỉ ngâm theo... cảm tính. Chính việc chủ quan đó đã dẫn đến những hệ lụy khôn lường, đánh đổi bằng cả tính mạng.

Vì thế, theo khuyến cáo của các cơ quan chức năng, để tự bảo vệ bản thân, người dân không được chủ quan, uống rượu tự ngâm từ những loại cây, lá, cành... hái được trong rừng mà dẫn đến những hậu quá đáng tiếc.

THÀNH DANH