Âm vang mãi "Cô du kích Đà Nẵng"

Thứ ba, 29/03/2022 15:57
Lấy cột mốc từ 29-3-1975, ngày Đà Nẵng giải phóng, đến nay đã có nhiều ca khúc hay viết về quê hương Quảng Nam - Đà Nẵng, tiêu biểu là Sông Hàn vang tiếng hát (Huy Du), Đà Nẵng quê ta giải phóng rồi (Nguyễn Đức Toàn), Đà Nẵng ơi! Chúng con đã về, Quảng Nam yêu thương (Phan Huỳnh Điểu), Thương em chín đợi mười chờ (Minh Đức), Quảng Nam - Đà Nẵng đất nặng nghĩa tình (Nguyễn Văn Tý)...
Nhạc sĩ Thanh Anh- tác giả ca khúc "Cô du kích Đà Nẵng".
Người dân Đà Nẵng đón chào đoàn quân Giải phóng ngày 29-3-1975.

Ngược thời gian từ 1975 về trước, khi Đà Nẵng chưa giải phóng, đã có các ca khúc viết về Đà Nẵng, trong đó ca khúc "Cô du kích Đà Nẵng" có chỗ đứng đáng trân trọng, có dấu ấn khá sâu sắc trong ký ức tinh thần người dân Đà Nẵng và người dân cả nước, được đồng bào trong vùng địch tạm chiếm "bí mật" nghe đi nghe lại qua radio.

Sau này, Đại tá, nhạc sĩ, Nghệ sĩ ưu tú Thanh Anh kể lại, ông viết ca khúc "Cô du kích Đà Nẵng" vào một đêm mưa lạnh cuối đông năm 1968. Đêm ấy, giữa rừng rậm chiến khu nơi miền tây huyện Đại Lộc (Quảng Nam), khi mọi người đã yên giấc, nhạc sĩ Thanh Anh lúc ấy là Trưởng đoàn Văn công quân Giải phóng Trung Trung Bộ, vẫn miệt mài ngồi viết nhạc bên chiếc đàn guitar, chiến lợi phẩm mà ông cùng đồng đội thu được trong trận đánh hạ đồn Đắk Hà (Kon Tum). Đàn thủng nhiều chỗ, nhưng vẫn còn đủ dây để tạo cảm xúc đến người nhạc sĩ trẻ cho ra đời ca khúc "Cô du kích Đà Nẵng", một tác phẩm đã nhanh chóng đưa tên tuổi ông vào hàng ngũ những nhạc sĩ nổi tiếng trong sáng tác dòng ca khúc cách mạng thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Vào bộ đội ở tuổi 16, chàng trai đất Phù Cát (Bình Định) chưa một lần được đặt chân đến đô thành Đà Nẵng, nhưng qua lời kể của đồng đội về sự gan dạ, dũng cảm và mưu trí "xuất quỷ nhập thần" của các nữ chiến sĩ biệt động thành Đà Nẵng đã thôi thúc ông viết "Cô du kích Đà Nẵng". Bài hát khi mới ra đời được phổ biến, tập luyện trong đoàn văn công và được ca sĩ Trà My của đoàn văn công Quân giải phóng miền Nam Trung Trung Bộ biểu diễn phục vụ đồng bào chiến sĩ ở khắp chiến trường Quảng Nam - Đà Nẵng. Sau đó, "Cô du kích Đà Nẵng" được ca sĩ Kim Oanh lần đầu tiên hát trên sóng phát thanh Đài Tiếng nói Việt Nam và được đón nhận nồng nhiệt, nhanh chóng lan rộng ra cả nước, trở thành bài hát nằm lòng của nhiều người, trong đó đặc biệt là các nữ biệt động thành đang ngày đêm chiến đấu trong lòng địch. Người dân Đà Nẵng cũng vậy, nói "bí mật" nghe radio ca khúc này là vì hầu hết Đà Nẵng lúc ấy chưa giải phóng.

Trong "Cô du kích Đà Nẵng", nhạc sĩ Thanh Anh đã lấy chất liệu lịch sử người thật, việc thật, sự kiện lịch sử thật từ hình ảnh các nữ chiến sĩ biệt động thành Đà Nẵng là cô Tám Tuyết, cô Lê Thị Hải Châu để tạo dựng hình tượng âm nhạc rộng lớn về mảnh đất và con người Đà Nẵng anh hùng. Nhạc sĩ Thanh Anh đã vận dụng khá nhuần nhuyễn chất liệu dân ca xứ Quảng với lối kể chuyện giàu chất tự sự, kết hợp chất trữ tình, nốt nhạc giản dị, trong sáng và lạc quan… nên dễ thuộc, dễ hát, dễ đi vào tâm hồn người nghe và có tính lan tỏa rộng. "Bạn gái bảo em: "Mi là dũng sĩ"/Em chỉ cười chưa biết nói chi/

Bạn gái hỏi em diệt bao nhiêu Mỹ/

Giữa Đà thành mà Mỹ - Ngụy hoang mang/

Nhạc sĩ Thanh Anh- tác giả ca khúc "Cô du kích Đà Nẵng".

Có gì đâu nhiều bạn gái như em/Tuổi tròn đôi mươi tạm rời đèn sách/Bởi tiếng mìn Lê Độ khơi tim em bừng cháy/Anh Trỗi tươi cười giục bước em đi/Không chịu làm người dân ngột ngạt chốn lao tù/Khi tiếng thét căm hờn từ Mân Quang, La Thọ/Khi mỗi ngày giặc tàn phá mọi nơi/Rồi em đi.../Em ra đi với những ước mơ giữa ngày đầu Xuân/Biển Thanh Khê em đã tới, đường Ngã Năm em đã qua/Về Sân bay, Chợ Mới, Sơn Trà/Ai biết em là quân du kích/Truyền đơn tung trên đường phố Hùng Vương/Cờ đỏ em treo kìa rực rỡ nắng hồng/Cô bác reo vui, kẻ thù khiếp sợ/Ôi... thành tích của em nhỏ bé/Dũng sĩ này xin tặng cả quê hương...".

Cũng mãi sau ngày giải phóng Đà Nẵng, nhạc sĩ Thanh Anh mới gặp lại một số "nguyên mẫu" trong bài hát của ông - những nữ biệt động thành Đà Nẵng năm xưa như chị Tám Tuyết, Lê Thị Hải Châu… "Công nhận mấy anh nhạc sĩ giỏi thiệt, công việc mình làm, ổng có thấy đâu mà nói trong bài hát y như là chứng kiến vậy. Đà Nẵng thì có biết bao cô du kích nhưng mỗi khi nghe bài hát này thì cứ nghĩ là mình chứ không ai khác... Thiệt là tài!", "nguyên mẫu" Tám Tuyết đã tâm sự như thế. Nhưng, nhạc sĩ Thanh Anh lại có ý khác. Theo ông, hình tượng, chiến công, sự gan dạ, mưu trí, dũng cảm của những biệt động thành và đặc biệt là mảnh đất Quảng Nam- Đà Nẵng "trung dũng kiên cường đi đầu diệt Mỹ" chính là nguồn cảm hứng để ông sáng tác một ca khúc "đi cùng năm tháng" như "Cô du kích Đà Nẵng".

Những ai có mặt trong những ngày đầu tiên của Đà Nẵng giải phóng, trực tiếp chào đón đoàn quân Giải phóng tiến vào Đà Nẵng, chứng kiến màn bắn pháo hoa đầu tiên của Đà Nẵng, nghe sóng phát thanh thay nhau phát "Đà Nẵng quê ta giải phóng rồi", "Đà Nẵng ơi chúng con đã về"... sẽ hiểu vì sao ca "Cô du kích Đà Nẵng" lại có sức sống mãnh liệt cho đến hôm nay, khi ca khúc ấy lại vang lên thời điểm Đà Nẵng lần thứ 47 kỷ niệm ngày giải phóng...

S.T