Nông thôn Hòa Vang ngày ấy, bây giờ…

Thứ hai, 28/03/2022 16:55
47 năm sau ngày giải phóng quê hương, thống nhất đất nước, vùng nông thôn Hòa Vang (TP Đà Nẵng) đã khoác lên mình một diện mạo mới. Bên cạnh những chính sách phát triển của Đảng và Nhà nước, các cấp chính quyền và nhân dân địa phương còn nỗ lực phát huy truyền thống hào hùng của vùng đất có bề dày lịch sử, quyết tâm xây dựng quê hương ngày thêm giàu đẹp.
Cầu Diêu Phong kết nối giao thông, sản xuất cho người dân 2 xã vùng sâu vùng xa Hòa Nhơn - Hòa Phú.

Ông Đinh Ngọc Xuân (thôn La Châu, xã Hòa Khương, H. Hòa Vang) chia sẻ, cảm nhận sức sống hiện tại, khó ai nghĩ các vùng đất ở đầu nguồn sông Yên như La Châu, An Trạch (xã Hòa Tiến, H. Hòa Vang) đã có một thời chìm trong khói lửa chiến tranh, nhưng người dân vẫn một lòng trụ bám để làm những cơ sở cách mạng kiên trung và không ít người đã ngã xuống ngay trên mảnh đất đã sinh ra mình.

Còn theo bà Đặng Thị Tuyết (thôn An Trạch), dòng sông Yên không dài, không rộng nhưng lại ghi đậm những chiến công oai hùng của một thời giữ nước. Kẻ cuốc, người cày, chài lưới ven sông nếu không thoát ly thì cũng tham gia đào hầm bí mật, che giấu cán bộ… "Ngày ấy, đêm đêm ven bờ sông Yên luôn vang tiếng cuốc, xẻng của người dân trong thôn đào hầm bí mật và giao thông hào dọc các lũy tre để khi có "động tĩnh" là quân ta an toàn rút lui qua bờ sông bên kia. Sau khi phát hiện vai trò của các bến đò trên sông Yên, bọn Mỹ điên cuồng dùng các phương tiện hiện đại và bộ binh tăng cường càn quét hai bờ sông Yên, sát hại dân thường", bà Tuyết trải lòng.

Ở thôn Trường Định (xã Hòa Liên, H. Hòa Vang), trong kháng chiến chống Mỹ, những người thân của mẹ VNAH Phạm Thị Gà cứ nối tiếp nhau ra đi. Hòa bình lập lại, chồng mẹ là ông Nguyễn Cho và 2 con là các anh Nguyễn Văn Kỳ, Nguyễn Văn Huynh vẫn biền biệt không về. Còn mẹ VNAH Lê Thị Láo chỉ mỗi năm 1972 cùng lúc phải nhận tin 2 con là chị Lê Thị Rân, anh Lê Nghỉ hy sinh, còn chồng mẹ là ông Lê Lài bị địch bắn chết năm 1960…

Trưởng thôn Trường Định Võ Văn Thành cho biết, lúc đó, đàn ông thanh niên trong thôn đều "nhảy núi" theo cách mạng, trong làng chỉ còn toàn đàn bà, con nít. Ban ngày đi đấu tranh, dò la lịch tuần của Mỹ ngụy, đêm về chong đèn làm tín hiệu cho cách mạng vượt sông Cu Đê về làng nhận tiếp tế, họp với du kích, cơ sở nội thành. Đất nước thống nhất, những chiến công và cả những hy sinh mất mát, Trường Định được Đảng và Nhà nước ghi công 28 Bà mẹ VNAH, 118 liệt sĩ; hầu hết hộ dân trong thôn là gia đình có công cách mạng.

Nông dân Hòa Vang tiết kiệm sức người và chi phí sản xuất khi ruộng đồng được cơ giới hóa.

Bước ra khỏi chiến tranh, từ hoang tàn đổ nát, mất mát, hy sinh lớn lao, các địa phương Hòa Vang khẩn trương bắt tay xây dựng lại từ đầu. Hết khai hoang, vỡ hóa đất canh tác, lại be bờ, đắp đập dẫn nước. Chẳng bao lâu, màu xanh đã phủ kín các hố bom, đồi trọc, đồng ruộng. Bây giờ được sống trong khung cảnh làng quê như phố sau 25 năm TP Đà Nẵng trực thuộc Trung ương; 10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới thì mới thấy hết sự nỗ lực phi thường của người dân Hòa Vang. Thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 55 triệu đồng/năm 2021; 100% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia, nước sạch; tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm đạt 97,25%, tỷ lệ lao động qua đào tạo chiếm 70%, không còn nhà tạm, gia đình chính sách khó khăn…

Bây giờ, đi trên những con đường liên thôn, liên xã, đường giao thông nội đồng được bê-tông hóa hay những chiếc cầu vĩnh cửu kết nối sinh hoạt, sản xuất cho người dân vùng sâu vùng xa, miền núi; chúng tôi hiểu rằng, mỗi tấc đất Hòa Vang đã phải đổi bằng mồ hôi, công sức và máu xương của nhiều người đi trước. Nhìn lại chặng đường đã qua, một khoảng thời gian chưa phải là dài, nhưng đó lại là quãng thời gian để người dân nông thôn sáng tạo, cần cù để đổi mới diện mạo quê hương và chắt chiu rút dần khoảng cách với người dân thành thị.

Lão nông Lê Đức Tích (thôn Phước Thái, xã Hòa Nhơn, H. Hòa Vang) hồ hởi: "Địa phương chúng tôi nay chẳng khác gì thành phố, đường sá khang trang, có điện thắp sáng, có trường học cho mấy đứa nhỏ khỏi phải đi xa, có trạm y tế áp dụng được các tiến bộ kỹ thuật, cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp... Từ trong cái nghèo, cái khó người dân đã cần mẫn tìm tòi, học hỏi và phát triển thành công các mô hình chăn nuôi, trồng trọt. Kinh tế nhiều gia đình khá hẳn lên, con cháu ăn học thành đạt. Được như vậy là mỹ mãn, hạnh phúc lắm rồi!".

VY HẬU