Ấn Độ và bài học phát triển từ Trung Quốc

Thứ ba, 10/03/2015 11:29

(Cadn.com.vn) - Ấn Độ đang theo đuổi con đường phát triển không bền vững, động thái mà giới phân tích cho rằng sẽ lặp lại nhiều sai lầm của Trung Quốc.

13 thành phố ô nhiễm nhất thế giới

Mức độ ô nhiễm không khí ở Ấn Độ thực sự đáng lo ngại. New Delhi hiện là thành phố ô nhiễm nhất trên trái đất, nơi mức ô nhiễm không khí có thể cao hơn so với mức an toàn 60 lần. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), 13 trong số 20 thành phố ô nhiễm nhất thế giới hiện nay thuộc về Ấn Độ.

Hậu quả sự phát triển này là vô cũng lớn. Theo ước tính của Đại học Chicago, ô nhiễm không khí rút ngắn 3 năm tuổi thọ trung bình của gần 700 triệu người Ấn Độ. Trung Quốc còn tồi tệ hơn. Ô nhiễm không khí rút ngắn cuộc sống của người dân ở phía bắc Trung Quốc 5,5 năm, hậu quả của chính sách tăng trưởng bằng mọi giá của nước này.

Trung Quốc là bài học về ô nhiễm không khí mà Ấn Độ có thể rút ra. Khi WHO công bố báo cáo về những thành phố ô nhiễm nhất trên trái đất, Ấn Độ ngay lập tức bác bỏ, tuyên bố rằng, cơ quan của LHQ đã đánh giá quá cao, đặc biệt là thủ đô của Ấn Độ, trong khi đánh giá thấp mức độ ở Bắc Kinh (xếp thứ 77 trong báo cáo của WHO). New Delhi không muốn chấp nhận thực tế nước này vượt qua mức độ ô nhiễm không khí của Trung Quốc.

Nhiều người cho rằng, ô nhiễm không khí là tác dụng phụ không thể tránh khỏi nếu Ấn Độ muốn tăng trưởng nhanh trong 3 thập kỷ tiếp theo như Trung Quốc làm trong 3 thập kỷ trước đây.

Một nghiên cứu mới cho thấy, ô nhiễm không khí khiến tuổi thọ trung bình của người dân Ấn Độ bị rút ngắn 3 năm. Ảnh:PTI

Những chính sách Ấn Độ nên học hỏi

Trung Quốc hiện phát triển đáng kể hơn nhiều so với Ấn Độ. Thu nhập bình quân đầu người của Bắc Kinh cao hơn 4,5 lần. Tuy nhiên, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang phải trả giá cho chính sách tăng trưởng cao trong quá khứ.

"Ô nhiễm là cảnh báo tự nhiên chống lại các mô hình phát triển trước đây", Thủ tướng Lý Khắc Cường gần đây thừa nhận. Do đó, Bắc Kinh hiện đưa ra loạt các sáng kiến chống ô nhiễm không khí, bao gồm tăng cường giao thông công cộng, thương mại xanh và xem xét lại vấn đề năng lượng. Bắc Kinh, vốn được các phương tiện truyền thông quốc tế mệnh danh là "thành phố xám", sẽ đầu tư gần 760 tỷ NDT (121 tỷ USD) cho cuộc chiến chống không khí ô nhiễm từ nay đến năm 2017. Phải thừa nhận, cho đến nay, Trung Quốc đang đi đúng hướng.

Chẳng hạn, chính phủ quyết định, dịch vụ công cộng sẽ là hình thức thống trị giao thông trong khu vực đô thị, với điểm dừng xe buýt cách nhau 500m ở trung tâm thành phố. Trung Quốc cũng đang theo đuổi thỏa thuận thương mại tự do về hàng hóa và dịch vụ môi trường, giảm thuế đến 5% đối với danh sách 54 hàng hóa bảo vệ môi trường. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng xem xét lại lĩnh vực năng lượng. Nhiều nhà máy than lỗi thời ngừng hoạt động, và theo kế hoạch hiện tại, đến năm 2020, thị phần tiêu thụ năng lượng từ nhiên liệu phi hóa thạch dự kiến sẽ tăng đến 20%.

Trong khi đó, hệ thống giao thông công cộng Ấn Độ vẫn còn kém phát triển. Ngoài ra, nhiều người dân Ấn Độ vẫn dựa vào máy phát điện riêng để chống việc cúp điện thường xuyên, nguyên nhân quan trọng thường bị bỏ qua gây ô nhiễm không khí cả trong nhà lẫn ngoài trời.

Phải thừa nhận, Ấn Độ bắt đầu thực hiện các bước chống ô nhiễm không khí. Ví dụ, New Delhi kết thúc trợ cấp đối với diesel hồi năm ngoái. Tòa án tối cao Ấn Độ thậm chí còn đề nghị khoản phụ phí đối với xe cá nhân chạy bằng diesel ở New Delhi. Những nỗ lực này là đầy hứa hẹn, nhưng không đủ.

Ấn Độ cần có thêm các biện pháp bổ sung cần thiết. Nhờ những tiến bộ công nghệ, các biện pháp này có thể tiêu tốn chi phí ít hơn những gì chính phủ và các doanh nghiệp Ấn Độ lo sợ. Ngoài ra, chính sách môi trường cần phải được lên kế hoạch tế nhị để không làm tổn thương nền kinh tế.

Theo báo cáo của WHO, ô nhiễm không khí khiến 7 triệu người thiệt mạng mỗi năm. Trung Quốc hiện cung cấp nhiều bài học liên quan đến các tác động trung và dài hạn của chính sách tăng trưởng một chiều, nhưng Bắc Kinh cũng có những biện pháp ngăn chặn ô nhiễm không khí và suy thoái môi trường, trong khi không phá hoại sự phát triển kinh tế. Ấn Độ cần học hỏi kinh nghiệm nhiều hơn từ Trung Quốc.

An Bình
(Theo Diplomat)