An ninh Quảng Đà, đôi dòng ký ức (Kỳ 6: Gói xôi của người phục vụ)
Chiều bên sông Cổ Cò, đoạn chảy qua di tích K20, thuộc P. Khuê Mỹ, Q. Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng, bộ hành cùng Anh hùng LLVTND Trần Công Dũng, tôi tiếc hùi hụi vì một cảnh quan từng có ở nơi này giờ vĩnh viễn biến mất: Những đám sen ven sông. Nơi những đám sen mọc giờ đã được be lại bằng kè bê-tông, vững chắc và bề thế. Chắc các nhà quy hoạch, kiến trúc, xây dựng cũng có cái lý của họ nhưng tôi vẫn chưa thể nào mê nổi những bờ sông dựng đứng bê-tông cốt thép. Trong tâm tưởng của tôi, vẻ đẹp của con sông chính là nét hiền hòa thơ mộng hòa quyện giữa dòng nước với bờ bãi cỏ cây lau lách...
Anh hùng LLVTND Trần Công Dũng thăm lại sông Cổ Cò. |
Với ông Trần Công Dũng, những đám sen ven sông Cổ Cò lại mang ý niệm khác, tựa hồ có cả sự hàm ơn. Cuối những năm 60 của thế kỷ trước, khi ông được Ban An ninh Quảng Đà và Thường vụ Quận 3 cử về hoạt động ở K20, phải núp dưới sen mà trốn giặc, có lúc dầm mình dưới nước cả ngày trời, đói quá, nạy hạt sen ra ăn. Cũng nhờ đám sen đó mà biết bao đoàn quân ngụy trang qua mắt địch, bơi lội đi về hai bên sông Cổ Cò, khi công đồn, khi diệt ác, khi rút quân…, tất thảy đều nhờ sen, và nhờ dân, che chở.
Ông Trần Công Dũng kể: “Tôi sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này. Sau mùa xuân 68, địch nó đánh phá, cái số cán bộ bất hợp pháp, kể cả ban ngành đứng chân trên Quận 3, tại căn cứ Lõm K20 này đều rút về căn cứ, để lại một ít cán bộ hợp pháp hoạt động, chỉ đạo thôi. Đến năm 1969, địch nó đánh phá quyết liệt. Nó khui hầm. Nó bắt cán bộ cơ sở. Cán bộ mình, cái số hợp pháp phải đi vùng khác. Sau Mậu Thân, có chủ trương của Đặc khu ủy Quảng Đà thì các quận, Quận Nhất, Quận Nhì, Quận Ba phải vào trở lại thành phố, vào trở lại căn cứ để mà chỉ đạo phong trào”.
Sát với K20 là căn cứ nổi tiếng bậc nhất của Mỹ trên toàn miền Nam trước năm 1975: Sân bay Nước Mặn. 7 năm từ 1968 đến 1975, lực lượng An ninh Quận 3, trong đó chủ chốt là Trưởng ban Đặng Văn Khá và trinh sát Trần Công Dũng, ẩn nấp ở K20 và dõi mắt nhìn vào sân bay. Trần Công Dũng ẩn trong những căn hầm bí mật, khi thì của chính mẹ ông đào, khi thì của các cơ sở bí mật trong xóm. Những khi địch càn “rát” quá, Trần Công Dũng ẩn ra ngoài sông, cánh đồng, chờ khi có ám hiệu mới vào lại trong dân. Thời đó, trong những đêm tối bịt bùng, ở xóm nhỏ K20, lâu lâu lại xuất hiện những ngọn đèn dầu cô đơn, leo lét. Đó chính là dấu hiệu để cán bộ nằm vùng nhận biết “không có giặc”, vào dân hoạt động. Những ngọn đèn như thế chợp chờn qua cả một cuộc chiến mà không bao giờ báo sai (chúng tôi sẽ kể riêng về những ngọn đèn kỳ diệu này trong một bài viết khác).
Từ K20, lực lượng an ninh đã tổ chức hàng loạt trận đánh chấn động khắp chiến trường, trong đó, trận đánh vào câu lạc bộ sĩ quan Mỹ đầu năm 1973 có tầm ảnh hưởng lớn đến cục diện chiến trường Đà Nẵng. Ông Trần Công Dũng kể: Câu lạc bộ đó nằm sát sân bay Nước Mặn. Các sĩ quan ở câu lạc bộ không bao giờ mang theo súng nhưng quyền lực ghê lắm. Nó hoạt động khắp nơi. Đây chỉ là cái chỗ lưu trú thôi. Nó đi đến đâu, yêu sách gì là cả chính quyền, quân đội đều răm rắp nghe lời. An ninh Quận 3 xác định, đây là những tên cố vấn chi phối toàn bộ hoạt động của bộ máy chiến tranh ở Đà Nẵng. Câu lạc bộ nằm trong phạm vi bảo vệ, không ai vào được đâu, tại cổng bảo vệ đề chữ M.P, kiểu như quân cảnh, nghiêm ngặt lắm. Dù đã đánh nhiều trận, tiêu diệt nhiều tên mật thám, chỉ điểm hoạt động ở bên ngoài nhưng trong mấy năm hoạt động, An ninh Quận 3 vẫn chưa thể nào đánh vào sân bay Nước Mặn, cho đến khi xây dựng được một cơ sở đặc biệt và đưa vào cắm ở đây – chị Nguyễn Thị Lơi.
Ông Trần Công Dũng nhớ lại: Chị Nguyễn Thị Lơi có chồng đi thoát ly. Chị làm ngay sở Mỹ, phục vụ cho số nhân viên tình báo ở trong câu lạc bộ trong sân bay Nước Mặn. Những nhân viên này hoạt động khắp nơi. Câu lạc bộ chỉ là cái chỗ lưu trú thôi. Tuy không mang súng ống gì cả nhưng những nhân viên ở đây quyền lực ghê gớm, đi tới đâu là sẽ “có chuyện” ở đó. Xác định tầm quan trọng của câu lạc bộ, An ninh Quận 3 báo cáo lên cấp trên một phương án tác chiến. Khó khăn nhất lúc bấy giờ là không thể nào đưa được thuốc nổ vào bên trong câu lạc bộ, bởi lẽ tại cổng có máy dò, bất cứ vật gì bằng kim loại đều bị phát hiện ngay, kể cả nút áo, kim băng, kẹp tóc của phụ nữ.
Có một hôm, lúc đi làm, chị Lơi mang xôi vào ăn. Xôi gói trong lá chuối, vô tình có một đồng tiền ken (tiền xu) ở bên trong. Đây là tiền do người bán xôi thối lại. Máy dò ở cổng bảo vệ không phát hiện ra đồng xu này. Lập tức, chị Lơi báo cáo lại cho An ninh quận 3. Một tia hy vọng lóe lên. An ninh Quận 3 yêu cầu chị Lơi thử lại nhiều lần xem sao. Quả nhiên, máy dò không thể phát hiện ra kim loại trong gói xôi. Đến khi đã xác định chắc chắn, Trần Công Dũng đề nghị chị Lơi thay đồng xu bằng thuốc nổ TNT. Đây là loại chất nổ dẻo, có thể vo tròn như những quả trứng gà. Từ đó, ngày này qua ngày khác, chị Lơi mang thuốc nổ TNT độn trong gói xôi vào cất giấu ở kho hàng của câu lạc bộ. Để có thêm nhiều thuốc nổ và phương án dự phòng, chính chị Lợi xây dựng thêm một cơ sở nữa, cũng là nữ nhân viên phục vụ trong câu lạc bộ, cùng với mình mang “xôi” qua cổng. Mỗi ngày một ít, qua nhiều tháng, hai người phục vụ đã đưa vào một khối lượng thuốc nổ đủ để... thổi bay câu lạc bộ!
----------------------------------------------------------------------------------------------
Chuyện bà Hải ở K20
Bà Nguyễn Thị Hải (ảnh) là một trong những người đầu tiên đào hầm bí mật, nuôi giấu cán bộ ở căn cứ K20. Trong cuộc đời dữ dội của mình, bà không thể nào quên một ngày Chủ nhật đã xa. Hôm đó, hầm bí mật nhà bà bị khui, lính ùn ùn kéo đến. Đám lính bắt chồng bà đưa đi, riêng bà và 4 đứa con bị trói trước sân nhà. Một tên lính bảo: “Đưa đi ra đám biểu tình cho... đông vui!?”. Tên khác bảo: “Để đó rồi bắn. Chờ đốt nhà xong rồi bắn”. Bà Hải thách thức: “Bắn đi. Đốt đi. Bắn xong rồi bỏ vô lửa. Sống không đi khỏi nơi này, chết cũng không đi”. Không hiểu sao sau đó đám lính chỉ bắt bà Hải về đồn, đánh vài trận, hai ngày sau thả ra.
Bà Nguyễn Thị Hải, người đào hầm nuôi giấu cán bộ ở K20. |
----------------------------------------------------------------------------------------------
Đầu năm 1973, Mỹ ồ ạt rút quân khỏi Đà Nẵng, nhưng đám “cố vấn” ở câu lạc bộ vẫn không đi. Thực chất, lúc này Mỹ đang thực hiện âm mưu thâm độc “Việt Nam hóa chiến tranh”, dùng người Việt đánh người Việt, đẩy cuộc chiến vào tay Việt Nam cộng hòa. Xét thấy tình thế cấp bách, An ninh Quận 3 báo cáo Ban An ninh Quảng Đà và Thường vụ Quận ủy Quận 3 xin chủ trương đánh, được đồng ý ngay. Ông Trần Công Dũng kể: Hôm đó là Chủ nhật, đám cố vấn tập trung về hết ở câu lạc bộ. Cơ sở của mình từ trước đó lấy lý do là vào Sài Gòn xin việc, đã mua cả vé máy bay nhưng nán lại chia tay rồi đi. Khi tiệc giữa chừng, chị lẩn ra sau kho chứa hàng, cắn kíp, rồi xin về nhà dọn đồ. Một lính Mỹ, người da màu, chở cô này về, sau đó quay trở lại. Đúng lúc người trở về câu lạc bộ, thì khối TNT phát nổ, rung chuyển cả Quận 3. Toàn bộ “cố vấn” Mỹ vùi xác trong đống đổ nát.
Chỉ một thời gian rất ngắn sau vụ tấn công của An ninh Quận 3, lính Mỹ cuối cùng rời khỏi Đà Nẵng, ngày 14-3-1973, với một lễ cuốn cờ lặng lẽ, nặng nề. Hai ngày sau, vào ngày 16-3-1973, tại thôn Mân Quang, thuộc xã Hòa Lân, H. Hòa Vang, nay là P. Hòa Quý, Q. Ngũ Hành Sơn, một địa điểm cũng rất gần K20, có một đám giỗ của 45 hộ dân. Đó là đám giỗ dành cho 45 em học sinh tiểu học ở thôn Mân Quang. Câu chuyện cũng không có nhiều chi tiết lắm: Ngày 8-3-1965, Mỹ đổ bộ vào Đà Nẵng, đánh dấu bước leo thang mới của chiến tranh. Một tuần sau, như thể hiện sức mạnh khủng khiếp của mình, Mỹ điều 4 máy bay ném bom thôn Mân Quang giết chết 45 học sinh, khi các em đang ở trong lớp học.
(còn nữa)
Phóng sự: NGUYỄN LÊ
* Kỳ tới: Kỷ niệm của Bí thư Thị ủy Hội An