Áp lực và trách nhiệm

Thứ tư, 26/11/2014 10:00

(Cadn.com.vn) - Thông tin Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel từ chức đang làm nóng chính trường Mỹ.

Mọi việc càng gây xôn xao khi nhiều nguồn tin cho rằng, ông Hagel bị Tổng thống Barack Obama ép buộc phải từ chức trong bối cảnh Nhà Trắng đang vấp phải nhiều chỉ trích cùng những lo ngại về cuộc không kích nhằm vào IS ở Syria và Iraq. Tuy nhiên, Nhà Trắng khẳng định, dù cả hai thực sự có nhiều bất đồng về chiến lược đối phó IS, việc này không có ảnh hưởng gì đến quyết định từ chức của ông Hagel.

Nhà Trắng cho biết, cả Tổng thống Obama và ông Hagel “cùng đi đến” quyết định để vị Bộ trưởng Quốc phòng từ chức đồng thời khẳng định, ông Hagel có “thành tích khá tốt” trong thời gian làm ông chủ Lầu Năm Góc. Người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest nói với báo giới:“Quyết định này là kết quả của các cuộc thảo luận giữa tổng thống và bộ trưởng suốt hơn 1 tháng qua... Cả hai cùng đi đến quyết định là Lầu Năm Góc cần người lãnh đạo mới trong 2 năm cuối của nhiệm kỳ tổng thống”.

Ông Hagel, cựu thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa, thời gian qua bị đánh giá là không có năng lực giám sát và chỉ đạo các chiến dịch quân sự mới chống IS. Cuộc chiến này thật sự khiến mối quan hệ giữa Nhà Trắng và Lầu Năm Góc rơi vào bế tắc. Vì vậy, giới phân tích cho rằng, có thể cảm thấy không làm được việc khi cuộc chiến hao tiền tốn của này chưa có tính hiệu quả cao, ông Hagel từ chức để Nhà Trắng có thể chọn một “người phù hợp” lên thay thế.

Với sự ra đi của Hagel, ông Obama sẽ là tổng thống đầu tiên kể từ thời ông Harry Truman, có đến 4 bộ trưởng quốc phòng trong thời gian nắm quyền. Hai người tiền nhiệm của ông Hagel, Robert Gates và Leon Panetta, phàn nàn rằng, Nhà Trắng quản lý vi mô và can thiệp chính trị trong các quyết định chính sách của Lầu Năm Góc.

Và hiện nay, ông Hagel là thành viên cấp cao đầu tiên của đội ngũ an ninh quốc gia của Tổng thống Obama phải từ chức trong sự trỗi dậy của cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ đầu tai hại cho đảng Dân chủ và bản thân tổng thống Obama. Nhiều người cho rằng, ông là con bài đầu tiên trong chiến lược cải tổ và củng cổ quyền lực của ông chủ Nhà Trắng. Việc ông Hagel từ chức báo hiệu một khởi đầu quy mô lớn trong công cuộc cải tổ  này.

Hiện người ta đang nói nhiều về các ứng cử viên hàng đầu để thay thế ông Hagel, trong đó có bà Michele Flournoy, từng là Giám đốc chính sách của Lầu Năm Góc trong 3 năm đầu tiên nhiệm kỳ tổng thống của ông Obama. Bà Flournoy, có thể sẽ trở thành người phụ nữ đầu tiên đứng đầu Lầu Năm Góc, hiện là Giám đốc điều hành của Trung tâm An ninh mới của Mỹ. Những ứng viên sáng giá khác được đề cập thay thế bao gồm Ashton Carter, cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, và Robert Work, người hiện đang nắm giữ vị trí này.

Thanh Văn