"Niềm hy vọng" của Mỹ

Thứ ba, 25/11/2014 10:17

(Cadn.com.vn) - Đó là Nhật Bản - quốc gia đóng vai trò quan trọng trong chính sách tái xoay trục Châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ.

2014 là năm quan trọng đối với chính sách an ninh và quốc phòng Nhật Bản. Vào tháng 4, Thủ tướng Shinzo Abe "kết liễu" lệnh cấm xuất khẩu vũ khí nghiêm ngặt kéo dài gần nửa thế kỷ qua. Tháng 7, Tokyo tái giải thích lại Hiến pháp vốn ra đời từ sau Thế chiến II, mở đường đến việc sửa đổi bản Hiến pháp vốn sẽ cho phép quân Nhật tham chiến ở nước ngoài. Với tâm lý sẵn sàng đảm nhận vai trò lớn hơn trong việc giữ gìn an ninh ở Đông Á, Nhật là hy vọng lớn nhất đối với chính sách tái xoay trục vốn vẫn bị phủ bóng mịt mờ cho đến nay.

Trục Châu Á-Thái Bình Dương là tâm huyết của Tổng thống Barack Obama. Tầm quan trọng của chính sách này được thể hiện trong bài viết của bà Hillary Clinton khi còn giữ chức Ngoại trưởng Mỹ, trong đó nhấn mạnh, trục này là động lực chính của nền chính trị quốc tế. Tuy nhiên, trục này hiện trở thành tâm điểm chỉ trích nhằm vào Nhà Trắng, vì Mỹ không toàn tâm toàn ý cho những cam kết an ninh ở khu vực. Gần đây, sự chú ý của Mỹ dồn vào bế tắc với Nga qua khủng hoảng Ukraine và tình hình Trung Đông, nơi mà nhóm cực đoan IS buộc Lầu Năm Góc mở các cuộc không kích ở Iraq và Syria.

Bản chất mờ nhạt cho đến nay của chính sách này củng cố lập luận, Mỹ không còn có thể thực hiện quyền lực quân sự hiệu quả như trước và rằng, để bước vào Châu Á, Washington cần đồng minh, những người sẵn sàng chia sẻ những gánh nặng của chính sách tái cân bằng này. Nhật được cho là đối tượng phù hợp nhất.

Về mặt địa chính trị, Tokyo là đồng minh quan trọng nhất của Washington trong việc chống lại sự quyết đoán ngày càng tăng của Bắc Kinh. Bản thân Thủ tướng Abe cũng sở hữu ý chí chính trị để thúc đẩy vai trò nổi bật hơn của Tokyo trong việc duy trì an ninh khu vực. Kể từ khi bắt đầu nhiệm kỳ Thủ tướng lần thứ 2 trong tháng 12-2012, ông nỗ lực củng cố liên minh Mỹ-Nhật vốn bị hư hỏng. Thành công đáng kể là phá vỡ bế tắc trong việc di dời căn cứ không quân Futemma ở Okinawa, vốn là rào cản các quan hệ song phương kể từ năm 1996.

Có vẻ nghịch lý, song những sai sót trong trục của Mỹ, cũng như sự đối đầu sôi sục với Trung Quốc, có tác động đáng khích lệ chính sách an ninh và quốc phòng của Nhật. Tất nhiên, hòa bình vẫn còn ăn sâu trong tâm lý Nhật Bản, và mọi người cảnh giác khả năng có thể bị lôi kéo vào cuộc chiến tranh do Mỹ dẫn đầu.

Và điều cần làm hiện nay là ông Abe cần chỉ rõ lập trường của Nhật về quá khứ thời chiến. Trong khi đó, ông Obama sẽ giúp giảm bớt mối lo ngại của các nước láng giềng của Tokyo, bằng cách đảm bảo, sự tái diễn giải và khả năng sửa đổi Hiến pháp lỗi thời là phản ứng lành mạnh đối với môi trường an ninh chuyển dịch.

Thanh Văn