Ký sự Trường Sa...

Bài 1: Hướng về Trường Sa

Thứ tư, 07/06/2017 12:19

(Cadn.com.vn) - Cùng đi trong chuyến hải trình thăm quân dân huyện đảo Trường Sa từ ngày 20 đến 29-5 vừa qua của đoàn đại biểu TP Đà Nẵng, nhà báo Hồng Quang Năm-Phó Giám đốc Đài phát thanh-truyền hình TP Đà Nẵng (DRT) đã có thiên ký sự xúc động về chuyến đi đầy ý nghĩa để có sự hiểu biết về biển đảo bằng trực giác, bằng cảm nhận từ thực tế với thật nhiều cảm xúc dạt dào. Báo Công an TP Đà Nẵng xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc...

Khi nhận thẻ và đặt chân lên con tàu KN 491 của Kiểm ngư Việt Nam neo đậu tại quân cảng Cát Lái, tôi mới tin rằng, mình chính thức đi Trường Sa. Trước đó, tại cuộc họp đoàn tại cơ quan Bộ chỉ huy quân sự thành phố, Chính ủy Nguyễn Thanh Hoàng, Phó trưởng đoàn Đà Nẵng thông tin, lần này, chúng tôi sẽ đi thăm cán bộ, chiến sĩ và nhân dân tại 10 đảo, điểm đảo thuộc nhóm đảo Trường Sa nằm ở phía nam và tây nam của cụm đảo Sinh tồn và nhà giàn DK1 trên vùng biển Tư Chính với một hải trình gần 1.300 hải lý. Đây là đoàn công tác số 15, gồm 205 thành viên, đến từ các cơ quan: Đảng ủy khối cơ quan T.Ư, Quỹ học bổng Vừ A Dính và Đoàn ca kịch Thái Bình. Đoàn Đà Nẵng có 65 thành viên, đầy đủ các ban, ngành, đoàn thể, do Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí dẫn đầu. Trước khi lên tàu, tôi cũng được các đồng nghiệp khuyến cáo khả năng chịu đựng sóng to, gió lớn ngoài biển khơi. Tuy nhiên, khi đã yên vị trên con tàu KN 491 to vật vã, mọi lo lắng đều tan biến.

Trên bong tàu ra Trường Sa. 

KN 491 là loại tàu tuần tra xa bờ dài ngày, kết hợp tìm kiếm cứu nạn. Tàu có chiều dài 90,5m, chiều rộng hơn 18m, lượng giãn nước lên đến 3.000 tấn, tàu có sân bay trực thăng, hệ thống chứa dầu và nước ngọt dung tích lớn. KN 491 khá hiện đại và tiện ích. Tôi được bố trí ở phòng 216 tầng 2. Đây là tầng hầm, sàn của nó sát với mép nước. Căn phòng này chừng 12m2, được bố trí thành 4 ô, mỗi ô có 3 giường tầng. Nhà báo Minh Hùng, sau khi âm thầm “đo đạc”, bèn thông báo, mỗi giường ở đây dài 2,2m, rộng 0,8m, khoảng cách các tầng là 0,5m. Vậy nên, lên giường là chỉ có nằm mà thôi. Đây cũng là sự trải nghiệm thú vị khi chúng tôi nằm sát mép nước trên một con tàu.

Sáng 20-5, chúng tôi rời cảng Cát Lái (TP Hồ Chí Minh) trong tiết trời trong vắt. Trước khi hành quân, Đoàn công tác đã làm lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Đoàn tàu không số huyền thoại. Nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa cũng đã đến tiễn đoàn. Bà cũng là chủ tịch Quỹ học bổng Vừ A Dính. Bà bảo, bà có nhiều con cháu lắm, đó là những đứa trẻ ở biên giới, hải đảo. Bà đang góp chút công sức để lo cho chúng nó có thêm điều kiện để đến trường...

Bà Trương Mỹ Hoa (người thứ 6 từ trái sang) cùng đoàn cán bộ Quân chủng Hải quân tiễn đoàn công tác số 15 lên tàu ra đảo Trường Sa. 

Tàu KN 491 rời sông Sài Gòn, rẽ nước hướng về biển đông. Biển mênh mông trước mặt. Trong hải trình đến Trường Sa, tàu 491 đi ngang qua các khu vực khai thác mỏ dầu. Từ xa, đã hiện lên những giàn khoan, những giếng dầu. Xung quanh các giếng dầu, những con tàu của ngư dân cũng hối hả ngược xuôi. Đêm. Khu vực các giàn khoan và giếng dầu vẫn rực rỡ ánh đèn, của giàn khoan, của giếng dầu, của những con tàu đang đánh bắt hải sản, sáng nhất vẫn là những con tàu câu mực. Cùng ngắm những ánh đèn lung linh trong đêm, ông Đặng Phú Hành, Phó Chủ tịch H. Hòa Vang, bảo tôi: “Trông như anh em mình đang ở đất liền chú mi hè”. Câu chuyện giữa ông và tôi lan man sang cuộc sống của ngư dân. Với những con tàu mỏng manh nơi đầu sóng, họ vẫn bám biển một cách quả cảm. Nhưng ngư dân mình vẫn còn khó khăn lắm. Ra khơi là đối mặt với sóng to gió dữ; về bến, lại neo cuộc sống với bao vấn nạn, nào là tín dụng đen, vay nặng lãi; nào là cá hư hỏng, rồi đầu nậu ép giá...

Trong khoảng không như vô tận của đất trời giữa biển, con người ta thấy mình nhỏ bé và muốn nương tựa vào nhau. Những ánh đèn kia là hơi ấm. Lại nhớ lời đại úy Nguyễn Tiến Dũng trên đảo Thuyền Chài. Anh bảo, đêm ở đảo nhìn ra, thấy ánh đèn của bà con ngư dân là mừng lắm. Hôm nào không có, cảm thấy cô đơn giữa muôn trùng biển vắng. Lại nhớ đến Hữu Thỉnh trong Thơ viết ở biển: “Biển vẫn cậy mình dài rộng thế, vắng cánh buồm một chút đã cô đơn”. Thế mới biết, ngư dân quan trọng đến nhường nào. Ở hầu hết các điểm đảo đi qua, tôi nhìn thấy bà con ngư dân tập trung đánh bắt xung quanh khu vực đảo. Đảo và tàu, chiến sĩ và ngư dân, rộng ra là quân và dân, là điểm tựa của nhau, bền chặt...                        

 (còn nữa)

Hồng Quang Năm