Ký sự Trường Sa...

Bài 3: Biển đảo là nhà

Thứ sáu, 09/06/2017 13:24

Trung tâm dịch vụ nghề cá Đảo Đá Tây

(Cadn.com.vn) - Sau 2 tiếng lưu lại trên đảo Trường Sa Đông, chúng tôi lên xuồng về tàu để tiếp tục cuộc hải trình được bố trí chặt chẽ đến đảo Đá Tây. Đá Tây là khu đảo chìm với nền san hô rộng khoảng 51 km gồm 3 điểm: A, B, C. Hôm nay, một nhóm nhỏ đi đảo Đá Tây B, số còn lại đến đảo Đá Tây A. Tại điểm đảo Đá tây A, hồi đầu năm nay, đã khánh thành và đưa vào sử dụng âu tàu khá hoành tráng, nơi đây, có thể neo đậu hàng trăm tàu thuyền của bà con ngư dân tránh trú mỗi khi có bão. Trước đó, Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá cũng đã đi vào hoạt động từ nhiều năm nay. Ông Nguyễn Tấn Đạt, Đội trưởng Đội sửa chữa, cho biết, tàu bè của bà con, nếu hư hỏng, sẽ được sửa chữa, giá phụ tùng thay thế, kể cả dầu, tính bằng đất liền, còn tiền công, kể cả nước ngọt, thì miễn phí. Trung tâm đang vận hành thử nghiệm sản xuất nước đá để phục vụ ngư dân. Riêng tôi, hy vọng nơi đây tổ chức thu mua hải sản, hoặc cung cấp kho chứa đông lạnh, giúp ngư dân bám biển dài ngày, nâng cao chất lượng và giá trị hải sản đánh bắt.

Ngoài nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, cán bộ, chiến sĩ trên các đảo chìm, dù điều kiện khó khăn, vẫn trồng rau, chăn nuôi, nhất là vịt sống được trong môi trường nước mặn, thịt săn chắc, rất ngon. Ở Đá Tây A còn có "hồ cá nhân tạo", do lính đảo quây lại, cá bắt được ở biển thì thả vào hồ dự trữ.

 Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng Võ Công Trí thăm đảo Đá Đông.

Thăm Đảo Đá Đông

Rời Đảo Đá Tây, tàu KN 491 hướng về đảo Đá Đông. Cụm Đảo Đá Đông gồm; Đá Đông A, Đá Đông B và Đá Đông C. Hôm nay, thời tiết thay đổi. Bầu trời u ám. Gió hun hút. Biển động mạnh. Phó đoàn Đà Nẵng, ông Nguyễn Nho Trung được phân công dẫn đầu một đoàn hơn 20 thành viên đi thăm đảo Đá Đông B, và khoảng 30 thành viên khác đi đảo Đá Đông A. Thành viên lên đảo chủ yếu là đại diện lãnh đạo các Đoàn lên thăm, trao quà; các đội văn công và anh em báo chí. Là các đảo chìm, không gian sinh hoạt, huấn luyện có phần hạn chế, nhưng cán bộ, chiến sĩ ở đây đã khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Ngoài nhiệm vụ huấn luyện, trực sẵn sàng chiến đấu, các cán bộ, chiến sĩ còn tích cực giúp đỡ ngư dân trong quá trình khai thác thủy hải sản ở khu vực đảo; tích cực tăng gia sản xuất, trong đó đặc biệt là trồng rau và chăn nuôi, giúp cải thiện bữa ăn của bộ đội. Cùng với các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, cụm đảo Đá Đông là lá chắn vòng ngoài bảo vệ sườn phía Đông của các tỉnh Nam Trung Bộ.

Sau khi đón thành viên cuối cùng rời đảo Đá Đông A, chỉ huy tàu tiếp tục phái các xuồng đi đón các thành viên trên đảo Đá Đông B. Biển khơi vẫn hun hút gió, tạo nên những con sóng dập dờn rất khó chịu. Phải đến 13 giờ, các thành viên còn lại mới lên tàu. Con tàu lại rú hồi còi vang xa, tạm biệt các chiến sĩ đảo Đá Đông và tiếp tục rẽ sóng hướng về Tiên Nữ, đảo xa nhất trong các đảo ở Trường Sa.

Đảo xa Tiên nữ

Giai thoại kể rằng, đảo Tiên Nữ gắn liền với truyền thuyết về người con gái xinh đẹp xuất hiện giữa biển khơi, đem lại sự bình yên cho ngư dân trên biển... Mấy hôm nay thời tiết thay đổi. Từ hôm qua đến sáng nay, trời chuyển giông. Sức gió đo được trên Đài chỉ huy có lúc lên tới 18m/s. Nhưng thật may mắn là trời ấm dần và hửng nắng. Chúng tôi lại tiếp tục rời tàu lên đảo. Lần nay, đoàn Đà Nẵng được đôn lên vị trí thứ 8, 9 so với 17, 18 trước đó, nghĩa là, thời gian ở đảo có thể lâu hơn. Đảo Tiên Nữ có vị trí quan trọng trong hệ thống phòng thủ bảo vệ chủ quyền biển đảo và là một trong những điểm tựa vững chắc cho bà con ngư dân bám biển. Đây là ngư trường truyền thống với nhiều loại hải sản có giá trị kinh tế cao như cá ngừ, cá mú, cá tráp, tôm hùm... Ngoài các nhà lâu bền, tại đảo còn có một nhà văn hóa đa năng, do thành phố Hà Nội xây tặng. Được biết, kinh phí để xây một công trình như thế này hơn 30 tỷ đồng. Nhiều thành viên trong đoàn Đà Nẵng tâm đắc với gợi ý rằng, với ngần ấy kinh phí, liệu thành phố mình có thể đóng góp để xây một công trình như vậy chăng? Phó Bí thư Thành ủy Võ Công Trí cũng cho rằng, đó là một gợi ý tốt. Ông bảo, sẽ bàn với Thường trực về ý tưởng này.

Đại tá Lê Thanh Hải, Thành ủy viên, Phó Giám đốc CATP trò chuyện với CBCS đảo Thuyền Chài A.

Đảo Núi Le

Rời đảo Tiên nữ trong cảm xúc lưu luyến với người lính đảo, tàu KN 491 tiếp tục hành trình đến đảo Núi Le. Đảo Núi Le nằm ở 80,46' vĩ độ, 1140,11' kinh độ Đông, cách Cam Ranh (Khánh Hòa) 355 hải lý về phía đông nam. Đảo Núi Le có vị trí chiến lược hết sức quan trọng, nằm ở vị trí trung tâm của khu vực 3 thuộc quần đảo Trường Sa. Cùng với các đảo Tốc Tan, Tiên Nữ, An Bang, Thuyền Chài, đảo Núi Le tạo thành lá chắn vòng ngoài, bảo vệ sườn phía đông của đất nước. Khu vực xung quanh đảo có nhiều loại hải sản quý hiếm, phục vụ nhu cầu xuất khẩu mang lại lợi nhuận kinh tế cao. Hiện ở đảo Núi Le có 2 điểm đóng quân là điểm A ở thềm san hô phía tây nam và điểm B ở thềm san hô phía bắc đảo.

Phát biểu tại cuộc gặp mặt với cán bộ chiến sĩ trên đảo, Phó Bí thư Thường trực thành ủy Võ Công Trí đánh giá cao nỗ lực vượt khó, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; bày tỏ sự khâm phục trước ý chí, nghị lực và bản lĩnh của người lính đảo. Sau chuyến đi này, thành phố sẽ tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác hậu phương quân đội, tiếp tục chung tay cùng cả nước hướng về Trường Sa. Đảo Núi Le hiện có 3 nhà lâu bền, làm nơi sinh hoạt cho bộ đội. Lại có cả điện gió, điện mặt trời; tín hiệu truyền hình cũng đã phủ sóng đến nơi đây. Ngoài vườn rau xanh được chăm sóc cẩn thận, đảo còn nuôi được vịt, thả bơi lội và kiếm ăn trên biển. Trong lúc đi tìm vị trí để ghi hình, tôi gặp chiến sĩ trẻ Nguyễn Văn Lộc đang đứng gác trên điểm cao. Sau khi gia nhập quân ngũ, chàng trai quê Bắc Ninh này được điều động ra đây đã được 6 tháng. Là con một, nhưng khi ra đây, được chỉ huy và đồng đội giúp đỡ, Lộc đã quen với cuộc sống nơi đây, duy chỉ có nỗi nhớ nhà là không nguôi. Thế nhưng, khi được hỏi có ảnh hưởng đến nhiệm vụ không, Lộc trả lời dứt khoát rằng, không bao giờ, và tự hào làm người lính đảo.

(còn nữa)

Hồng Quang Năm