Bài chòi-nghệ thuật sống mãi trong dân gian

Thứ ba, 30/07/2019 11:16

"Rủ nhau đi đánh bài chòi

Để con nó khóc đến lòi rốn ra"

Đó là câu ca dao lưu truyền trong nhân dân diễn đạt hài hước và sinh động về sức cuốn hút mãnh liệt của bài chòi- bộ môn nghệ thuật độc đáo của dân tộc ta, ra đời từ trò diễn xướng dân gian, được nhân dân cả nước nói chung và đặc biệt là nhân dân các tỉnh duyên hải miền Trung rất yêu thích.

Từ một loại hình hô hát để đánh bài trong chòi do anh (chị) hiệu diễn xướng bằng sự sáng tạo độc đáo, thú vị theo lối dân gian, trải qua quá trình hình thành bài chòi chiếu và bài chòi từ "đất lên giàn" đã phát triển thành một loại hình nghệ thuật sân khấu hoàn chỉnh. Chính sự phát triển đó đã nâng cao giá trị của bài chòi đến gần gũi với công chúng từ nội dung kịch bản, hình thức biểu diễn đến giai điệu ngọt ngào của âm nhạc.

Hội đánh bài chòi dân gian.

Vì sao bài chòi luôn có chỗ đứng vững chắc?

Một trong những lý do để nghệ thuật bài chòi có được chỗ đứng vững chắc trong đời sống, sinh hoạt của người dân nói chung nằm ở tính hồn nhiên và dân chủ của nó. Sức lan tỏa và thuyết phục của bài chòi ở chỗ nó không phân biệt già trẻ, gái trai hay địa vị xã hội mà bình đẳng với mọi người chơi và người nghe. Đối tượng phục vụ của bài chòi là dân, là lính, là tất cả những ai yêu thích trò chơi này. Sự hồn nhiên là điểm thu hút rất lớn của bài chòi thông qua những làn điệu dân ca có bản sắc, các điệu lý, điệu hò (lý con sáo, lý ngựa ô, hò chèo thuyền, hò giã gạo...) rất mộc mạc, gần gũi với nhân dân.

Cùng với sự hồn nhiên, tính hài hước cũng là thế mạnh để bài chòi "neo lại" trong lòng người dân lao động qua bao năm tháng. Thông qua những câu hô thai hài hước, dí dỏm, mang tính chọc cười có duyên của anh (chị) hiệu được bà con hưởng ứng và ủng hộ nhiệt thành. Những câu hô thai ấy dù không được ghi ra giấy nhưng vẫn lưu lại lâu bền trong trí nhớ của những người chơi hay nghe bài chòi. Nó có thể coi như một dòng văn học dân gian truyền miệng và sự tương tác với công chúng ở bài chòi đã đạt đến đỉnh cao, tạo ra một "từ trường" đồng sáng tạo, có sức hút rất lớn trong nhân dân. Có thể nói, sự hồn nhiên, tính hài hước và dân chủ là một trong những bí quyết "trường thọ" của bài chòi trong dân gian.

Động lực từ "Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại"

Sân khấu bài chòi cũng không kém phần lôi cuốn người xem ở mọi lúc, mọi nơi. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ xâm lược, mặc dù ngày đêm đạn bom rất ác liệt nhưng dân ca bài chòi đã trở thành món ăn tinh thần quan trọng đối với đồng bào và các chiến sĩ giải phóng quân.

Có những đêm diễn, pháo địch bắn cầm canh rơi gần điểm diễn nhưng bà con không bao giờ rời ánh đèn sân khấu, còn động viên các nghệ sĩ diễn cho hết kịch. Qua sân khấu bài chòi, người xem không chỉ thưởng thức nghệ thuật mà chính nơi ấy, họ gửi gắm lòng mình, chia sẻ niềm vui, soi rọi cuộc đời. Từ đó, tạo dựng trong lòng mỗi người dân niềm tin, sức mạnh và tinh thần chiến đấu anh dũng, ngoan cường vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Mặc dù hiện nay, trong thời kỳ hội nhập, mở cửa các loại hình giải trí khác đang thịnh hành, có thể đến tận "đầu giường" của từng cá nhân nhưng người dân các tỉnh miền Trung vẫn không quên những giọng ca ngọt ngào, mùi mẫn và những làn điệu trữ tình, sâu lắng của dân ca bài chòi.

Trong khó khăn chung của các bộ môn nghệ thuật truyền thống về nhiều mặt như hiện nay thì việc bài chòi được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại là tín hiệu đáng mừng và tiếp thêm "động lực" để bộ môn nghệ thuật này duy trì sức sống vững bền trong dân gian cũng như có sức lan tỏa ra thế giới.

THÚY HƯỜNG