Đường hầm khát vọng:

Bài cuối: Nhịp sống mới bên hầm Đèo Cả

Thứ ba, 01/08/2017 12:17

Có một nhịp sống mới rộn ràng tại các khu tái định cư hai bên hầm Đèo Cả. Cảm giác như đại công trình này đã thổi một luồng sinh khí mới vào vùng đồi núi hiu quạnh để xua đi cái vắng lặng hiu hắt bao đời. Những mái nhà đỏ thắm, những con đường rộng rãi, rồi chợ búa, trường học, trạm y tế... được mở ra, một tương lai mới với nhiều người dân đã dành đất phục vụ công trình hầm Đèo Cả cũng đang mở ra nhiều triển vọng.

Một góc khu TĐC phía nam...

...và phía bắc hầm Đèo Cả.

Đứng từ cửa hầm phía nam đèo Cả nhìn xuống khu tái định cư (TĐC) xã Đại Lãnh, H. Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa với hàng dài những ngôi nhà mái ngói đỏ tươi, giữa một bên núi rừng một bên biển xanh trông như bức tranh sơn thủy hữu tình. Nếu ai từng qua đây hơn 5 năm trước hẳn sẽ thấy sự đổi thay chóng vánh khó ngờ. Từ một vùng đồi núi vắng lặng đã mở cửa hầm một công trình hiện đại nhất nhì Đông Nam Á, từ  nơi ruộng vườn thưa thớt, hiu quạnh được thay bằng đường sá, nhà cửa san sát. Ngồi trong căn nhà khang trang, bà Ngô Thị Thương (60 tuổi) ở khu TĐC thôn Hảo Sơn Bắc, xã Hòa Xuân Nam, H. Đông Hòa (Phú Yên) kể, nhà cũ của bà ở ngay cổng dẫn vào hầm bây giờ, rộng 260m2. Năm 2014, bà bàn giao nhà đất phục vụ làm công trình rồi vào ở tại khu TĐC cách nơi ở cũ gần 1km. Gia đình bà được cấp 3 lô đất mới, rộng 250m2, bà dành một lô xây nhà cho thuê còn lại xây nhà ở cùng con cháu. Bà Thương kể, so với nơi ở cũ thì về đây có hàng xóm đông vui hơn, đường sá cũng khang trang, sạch sẽ, đêm đến điện đường sáng trưng. Trước đây mỗi lần đi chợ búa hoặc khám bệnh bà phải đi xa vài cây số, nhiều lúc rất vất vả, bất tiện. Từ khi chuyển về khu TĐC này có chợ, trường học, trạm y tế, nhà có việc gì cứ chạy ra chợ, con cháu đau ốm thì ra trạm y tế chỉ vài bước chân, rất thuận tiện.

Đi trên những tuyến đường thảm nhựa có vỉa hè, cây cối xanh um ở khu TĐC Hảo Sơn Bắc có cảm giác như lọt vào một khu phố xá nhộn nhịp nào đó. Nhiều cửa hàng tạp hóa, quán nước cũng mọc lên. Ông Nguyễn Văn Định (1978), trưởng thôn Hảo Sơn Bắc, cũng trong diện giải tỏa về khu TĐC này, cho biết, toàn khu TĐC có khoảng 70 hộ diện giải tỏa đã về xây nhà, sinh sống. Trước đây người dân sống tản mạn, ở nơi thưa vắng nên ít có điều kiện quan tâm thường xuyên. Tuy vậy, khi về quần cư tại đây, nếp sống mới hình thành, đơn cử như việc giữ gìn vệ sinh chung, cùng nhau bảo vệ an ninh trật tự, hỗ trợ tìm việc làm... Nói chung nếp sống mới văn minh hơn, gắn kết mọi người với nhau hơn, trong góc độ thực hiện chủ trương, chính sách gì của Nhà nước, địa phương cũng thuận tiện hơn.

Cuộc sống ở khu TĐC mới của người dân nhường đất làm dự án.

Khi giải tỏa làm một dự án nào đó, người ta hay nói về căn bệnh cố hữu của các hộ dân khi về khu TĐC mới là không có việc làm mưu sinh. Lý do vì miếng ruộng, mảnh vườn của mình không còn. Nhưng ở các khu TĐC hai bên hầm Đèo Cả điều này chưa hẳn đúng. Nhiều người vẫn tìm được cơ hội việc làm mới cho mình. Anh Nguyễn Văn Thành (38 tuổi) ở khu TĐC thôn Hảo Sơn Bắc trước đây làm nghề chẻ đá, sau khi giải tỏa về nơi ở mới, anh Thành vẫn tiếp tục đến chân núi làm nghề chẻ đá mưu sinh. Anh Trần Đức Thái (33 tuổi) ở xã Đại Lãnh, H. Vạn Ninh (Khánh Hòa) có nhà và vườn phải giải tỏa phục vụ dự án, trước đây anh làm nghề đi biển, nay về khu TĐC mới cũng gần biển, anh vẫn tiếp tục theo nghề của mình.  Khu TĐC ở Đại Lãnh có diện tích 15ha, đáp ứng chỗ ở cho gần 200 hộ dân, được xây dựng hạ tầng đồng bộ từ trường mẫu giáo, chợ, trạm y tế, kè bao quanh, hệ thống cây xanh, vỉa hè... Người dân tại đây làm nhiều nghề từ đi biển, đi rừng, làm nông, buôn bán nhỏ lẻ... Một số người sau khi được đền bù đã chuyển đổi nghề, một số vẫn tiếp tục bám nghề cũ bởi vì họ không bị giải tỏa trắng như nhiều nơi.

Khi công trình hầm Đèo Cả mở ra, không ít hộ dân dọc tuyến đường vào hầm từ chỗ làm nông chuyển sang buôn bán đã có thu nhập vượt trội. Nhiều thanh niên trai trẻ đã được tuyển chọn làm việc trong hầm. Nhiều người ngoài 40 tuổi tưởng khó kiếm được việc làm vẫn tìm cho mình được cơ hội, như anh Võ Thanh Tùng (41 tuổi) ở Đông Hòa (Phú Yên) vốn làm nông nhưng nay đã được tuyển vào làm công việc dọn dẹp vệ sinh trong đường hầm với mức lương ổn định. Ông Lê Quỳnh Mai-Phó Tổng giám đốc thường trực Công ty Cổ phần đầu tư Đèo Cả cho biết, sau khi hầm vận hành khai thác Cty sẽ lập một xí nghiệp vận hành với 230 người, từ đó cũng mở ra nhiều cơ hội việc làm cho con em địa phương nơi có dự án.

Anh Võ Thanh Tùng trước làm nông giờ đã tìm được cơ hội việc làm tại dự án hầm Đèo Cả.

 Nhiều người dân hai bên đèo Cả đang hồi hộp ngóng chờ từng phút công trình hầm Đèo Cả được đưa vào vận hành. Bởi họ hiểu rằng đại công trình hầm Đèo Cả mang ý nghĩa xã hội lớn lao, mở ra nhiều triển vọng phát triển kinh tế Phú Yên và Khánh Hòa. Như tâm sự của chị Dương Thị Thu Hoa (41 tuổi), bán giải khát dưới chân đèo: "Khi hầm vào vận hành, xe cộ qua đèo ít đi, quán nước là nguồn thu nhập chính của gia đình tôi chẳng còn bao nhiêu, chắc cuộc sống sắp tới sẽ khó khăn, nhưng tôi nghĩ vì tính mạng, sự an toàn của hàng ngàn hành khách, vì sự phát triển kinh tế của cả vùng, những phần thiệt thòi của cá nhân tôi thật chẳng thấm vào đâu". Với nhiều người dân trong diện giải tỏa đã nhường đất đai đã gắn bó cả đời cho dự án họ cũng có suy nghĩ như chị Hoa. Bởi với họ, đại công trình hầm Đèo Cả xứng đáng là niềm tự hào trên chính quê hương mình.

HẢI QUỲNH

"Dự án hầm đường bộ Đèo Cả có vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực miền Trung, đồng thời có ý nghĩa rất thiết thực trong việc thực hiện Nghị quyết 13 của Ban chấp hành Trung ương về phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, đưa nước ta sớm trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Thành công của Dự án hầm Đèo Cả đã khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta trong việc huy động các nguồn lực xã hội để phát triển kinh tế, xây dựng hạ tầng giao thông. Trong đó, Dự án hầm Đèo Cả được đánh giá là mô hình mẫu cho hình thức dự án đối tác công - tư (PPP)"- Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng.