Bản chất tráo trở của Đỗ Đình Dũ

Thứ sáu, 03/01/2014 09:59

(Cadn.com.vn) - Báo Công an TP Đà Nẵng số ra ngày 2-12-2013 có đăng bài "Sự ích kỷ lạc lõng" vạch trần bản chất của ông Đỗ Đình Dũ (1959, trú xã Hòa Phước, H. Hòa Vang, Đà Nẵng) và một số đối tượng khác nhân danh quyền tự do dân chủ để khiếu kiện và xúi giục, lôi kéo, kích động người khác khiếu kiện kéo dài, vượt cấp. Ngay sau khi báo đăng, ông Đỗ Đình Dũ đã photocopy bài báo rồi ghi thêm những nội dung xuyên tạc, kích động nói xấu chính quyền đem phát tán cho một số hộ dân tại thôn Nhơn Thọ 2 (xã Hòa Phước). Tiếp đó, ông Dũ tiếp tục viết đơn thư khiếu nại gửi đến Báo và các cấp lãnh đạo, cơ quan, ban, ngành thành phố. Để dư luận hiểu rõ hơn bản chất của ông Đỗ Đình Dũ, chúng tôi xin trở lại những nội dung chính mà ông Dũ đã phản ánh, tố cáo trong đơn.

Đông đảo người dân xã Hòa Phước lên án, vạch trần hành vi sai trái của Đỗ Đình Dũ
tại buổi kiểm điểm trước dân.

Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập đến những nội dung liên quan trực tiếp đến bài báo mà ông Dũ khiếu nại (lần 2). Ông Dũ yêu cầu Báo cung cấp chứng cứ về việc chính quyền, ngành chức năng tổ chức đối thoại, giải thích, vận động thuyết phục nhiều lần đối với ông và một số người thân trong gia đình. Sự thật là trong quá trình triển khai các dự án trên địa bàn, chính quyền, đơn vị thẩm quyền nhiều lần gửi giấy mời trực tiếp hoặc cử đại diện mời tổ dân phố cùng đến nhà gửi giấy mời dự họp giải quyết nhưng chỉ có một số lần ông Dũ và các hộ trong gia đình đến dự.

Cụ thể, ngày 26 và 30-9-2011, UBND Q. Cẩm Lệ mời hộ bà Nguyễn Thị Chơi (mẹ ruột ông Dũ), Đỗ Tấn Quốc, Đỗ Tấn Phát và đại diện nhà thờ tộc Đỗ họp giải quyết một số nội dung liên quan đến giải tỏa đền bù (GTĐB), hỗ trợ, bố trí TĐC đối với dự án khu D-Khu dân cư Nam cầu Cẩm Lệ nhưng các hộ trên vẫn không đến dự. Đến ngày 11-10-2011, UBND quận tiếp tục tổ chức cuộc họp về nội dung này thì ông Dũ, ông Quốc mới đến tham dự. Tại đây, ông Dũ đã có các kiến nghị cụ thể. Tiếp đến, ngày 16-3-2012, UBND quận lại tổ chức đối thoại dân chủ, cầu thị với ông Dũ và các hộ bà Chơi cùng 4 anh em ông Dũ có sự tham dự của VP Đoàn ĐBQH, VP HĐND TP, các Sở, ngành liên quan nhưng các hộ trên vẫn không đến dự.

Ngày 9-5-2012, UBND quận lại tổ chức đối thoại lần thứ 2, lần này, ông Dũ và các hộ trên đã đến, thống nhất tiến hành đo đạc lại diện tích đất và điều chỉnh quyết định thu hồi đất của từng hộ, cá nhân, trong đó, có các hộ liên quan trong gia đình ông Dũ. Đây là cơ sở để UBND Q. Cẩm Lệ ra các quyết định 1060, 1061, 1062, 1063 về việc thu hồi đất đối với các hộ dân trong vùng dự án giao Sở Xây dựng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng dự án Khu D-Khu dân cư Nam cầu Cẩm Lệ. Thế nhưng, ông Dũ vẫn không chấp hành, không hợp tác, mà cố tình gửi đơn thư khiếu nại, khiếu kiện khắp nơi, không cho kiểm định, cản trở khiến dự án chậm trễ tiến độ, gây tình trạng ngập úng, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân trong khu vực.

Trong đơn khiếu nại, ông Dũ còn cho rằng không hề có bằng chứng ông khiếu nại, tố cáo (KN- TC) sai sự thật, không đúng pháp luật. Sự thật là hồ sơ KN-TC không đúng sự thật của ông Dũ đang được lưu trữ "cao như núi" tại các cơ quan có thẩm quyền. Từ khi thành phố triển khai các dự án cho đến thời điểm hiện tại, ông Dũ và một số cá nhân liên tục gửi đơn KN-TC đến các cơ quan Đảng, chính quyền các cấp và những nơi không đúng quy định, trong đó, có một số đơn ông Dũ dùng bút gạch chân và ghi thêm các nội dung không đúng sự thật, có tính chất vu khống, chống đối, làm phức tạp tình hình ANTT, xúc phạm uy tín, danh dự của lãnh đạo địa phương khiến dư luận bức xúc.

Cụ thể, ngày 18-5-2011, ông Dũ có đơn tố cáo "những hành vi lừa dối trắng trợn của cán bộ thực hiện quy hoạch-cố ý làm trái quy định trình tự về quy hoạch, đền bù hỗ trợ, TĐC do Nhà nước ban hành, đẩy nông dân vào cảnh xin-cho!". Ngày 10-11-2011, ông Dũ lại có đơn kiến nghị "cơ quan có thẩm quyền cần làm rõ để dân tin đâu là kẻ gian manh! Đâu là thẩm phán tòa án".

Rồi "đơn khiếu nại khẩn cấp về việc Chánh án Tán Thị Dung và Phó CAQ Cẩm Lệ lợi dụng chức quyền trù dập người KN-TC" viết ngày 9-4-2012. Hay "đơn kiến nghị về việc mong muốn thực hiện quy hoạch có căn cứ điều luật" ngày 26-5 với những nội dung vu khống trắng trợn như: "Con cháu của bà Hồ Thị Chơi đã từng bị cán bộ hành hạ", "Cái lý của kẻ có quyền, có tiền", "Hành vi bao che, bọc lót cho nhau, không dám nhìn thẳng vào sự thật", "Chính quyền địa phương vu khống chống người thi hành công vụ để dùng dùi cui, roi điện còng tay áp giải về giam CAP".

Chưa hết, ngày 17-10-2012, ông Dũ lại viết "đơn tố cáo Chủ tịch UBND Q. Cẩm Lệ lợi dụng quyền hạn làm trái quy định pháp luật, xâm hại tài sản công dân". Đó là chưa kể rất nhiều đơn thư KN-TC mang tính bịa đặt, sai sự thật do ông Dũ soạn thảo, gửi đi dưới đủ loại tiêu đề như: Đơn tường trình và phản ánh, đơn kiến nghị, đơn kêu cứu, luận cứ, thông báo...



Thái độ không thể chấp nhận được của ông Đỗ Đình Dũ tại buổi đối thoại ngày 14-11-2012.

Ông Dũ cũng khăng khăng đòi bằng chứng về hành vi kích động, xúi giục, lôi kéo người khác KN-TC kéo dài, vượt cấp. Xin thưa, đến bây giờ, người dân Đà Nẵng đã quá hiểu, chỉ biết lắc đầu ngao ngán trước số lần KN-TC vượt cấp của ông Dũ và một số đối tượng khác. Xuất thân với đủ thứ nghề từ lao động tự do, làm nông, hớt tóc, ông Dũ luôn cho mình hiểu biết pháp luật tổ chức KN-TC và đứng ra khiếu kiện thay cho người khác với rất nhiều đơn thư gửi các cơ quan từ T.Ư đến địa phương. Ông Dũ đứng ra ký giấy ủy quyền để mình đại diện và hướng dẫn cho vợ chồng Nguyễn Thành Long, Đỗ Thị Tấn (trú tổ 10, P. Hòa Xuân, Q. Cẩm Lệ) là hộ thuộc diện cưỡng chế thu hồi đất để thường xuyên gửi đơn từ khiếu nại đến nhiều cơ quan, ban, ngành, mặc dù đơn này đã được giải quyết đúng theo quy định pháp luật.

Ông Dũ khởi kiện ra tòa án yêu cầu hủy quyết định cưỡng chế hành chính thu hồi đất của UBND Q. Cẩm Lệ. Ngày 27-6-2013, TAND quận đã có Bản án sơ thẩm số 02/2013/HCST bác đơn kiện ông Dũ. Không đồng ý, ông Dũ lại làm đơn kháng cáo lên TAND TP Đà Nẵng và ngày 25-9-2013, TAND TP xử bác đơn kháng cáo. Mới đây, chính vợ chồng Long-Tấn đã có đơn xin cứu xét gửi chính quyền địa phương, trong đó, thừa nhận "do bản thân thiếu hiểu biết pháp luật và do anh em xúi giục" mới dẫn đến những sai lầm đó.

Trước đó, ngày 1-12-2011, ông Dũ cũng đại diện cho bà Dương Thị Hạt (trú thôn Giáng Nam 2, xã Hòa Phước) khởi kiện UBND H. Hòa Vang về việc cấp GCNQSDĐ không đúng quy định pháp luật. Ngày 30-5-2012, TAND H. Hòa Vang ra Bản án số 02 bác đơn kiện ông Dũ. Ông Dũ tiếp tục có đơn kháng cáo và ngày 29-8-2012, TAND TP Đà Nẵng đã ra Bản án phúc thẩm số 02 bác kháng cáo và giữ nguyên bản án sơ thẩm. Ngoài ra, ông Dũ còn đại diện và cùng đứng tên khiếu kiện tập thể, hướng dẫn cho nhiều cá nhân trong gia đình làm đơn KN-TC vượt cấp, cản trở không cho đo đạc, lập hồ sơ GTĐB triển khai dự án khu D- KDC Nam cầu Cẩm Lệ mặc dù đã có quyết định giải quyết thỏa đáng của UBND quận và thành phố...

Hành xử thiếu văn hóa của ông Dũ còn bộc lộ rõ qua thái độ hung hăng, ngang ngược, thiếu tôn trọng người khác tại buổi đối thoại ngày 14-11-2012, có sự chứng kiến của Chủ tịch UBND TP. Nhiều người dân xem video buổi đối thoại đã phải bất bình thốt lên: "Thái độ, hành vi của ông Dũ là không thể chấp nhận được. Đó không phải là văn hóa của công dân lương thiện mà là văn hóa côn đồ".

Trở lại những sai phạm của Đỗ Đình Dũ, một lần nữa chúng tôi khẳng định nội dung bài báo "Sự ích kỷ lạc lõng" là hoàn toàn chính xác, khách quan. Bản chất ích kỷ, chỉ biết đến lợi ích cá nhân không chỉ khiến ông Dũ lạc lõng, đi ngược lại lợi ích cộng đồng ngay trên chính quê hương bổn xứ của mình, mà việc lợi dụng quyền tự do dân chủ để tổ chức KN-TC và kích động, lôi kéo người khác KN-TC kéo dài, vượt cấp là hành vi vi phạm pháp luật, gây phức tạp ANTT. Vấn đề đặt ra là vì sao đến nay, sau những vi phạm mang tính hệ thống của ông Dũ vẫn chưa được cơ quan chức năng nghiêm trị trước pháp luật để răn đe, làm gương cho kẻ khác? Có thể hiểu, sự linh hoạt trong ứng xử, xử lý vì mục tiêu an dân, để mỗi người dân đều chung tay góp sức xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng văn minh, hấp dẫn và đáng sống của chính quyền thành phố là rất cần thiết, song nếu quá cầu thị, mềm mỏng vô tình sẽ dung dưỡng, tạo tiền lệ nguy hiểm cho xã hội.

Quang Sang