Báo động tình trạng tự tử ở vùng sâu, vùng xa

Thứ tư, 31/08/2016 11:00

(Cadn.com.vn) - Chỉ chút mâu thuẫn nhỏ, giận hờn trong gia đình hay lời nói sau vài ly rượu, họ tìm đến cái chết. Sau những cái chết vô nghĩa ấy là gánh nặng, nỗi đau cho người thân và nhiều hệ lụy khác cho xã hội. Vấn nạn đó đã và đang tồn tại trong đời sống của một bộ phận người dân đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở các buôn, làng của tỉnh Gia Lai.

Gần 1 tuần đã trôi qua, nhưng người dân làng Breng 3 (xã Ia Der, H. Ia Grai, Gia Lai) vẫn chưa hết bàng hoàng khi chứng kiến Ksor Sôn (2003, học lớp 6) treo cổ trên cây bời lời của nhà hàng xóm. Gia đình, người thân cũng như thầy cô, bạn bè không hiểu vì sao em lại có suy nghĩ tiêu cực như vậy.

Ngồi thẫn thờ trước sân nhà nhìn dân làng giúp dọn những thứ còn lại sau đám tang con mình, anh Btốt vẫn chưa tin rằng con gái đã bỏ mình mà đi. Anh nghẹn ngào trách cứ gia cảnh khó khăn của mình khiến con gái tìm đến cái chết. “Lúc cháu đi trường về có hỏi ba, mẹ đã mua quần áo mới để cháu đi học chưa? Ở trường các bạn có quần áo mới mà cháu chưa có nên phải mặc đồ cũ. Tôi cũng bảo cháu đang may rồi mà không biết sao...” - anh Btốt nhìn xa xăm. Sáng 22-8, Sôn vẫn chào ba, mẹ đi học bình thường, tuy nhiên em không đến lớp thì gần trưa người dân phát hiện Sôn đã tự tử. Mọi người không cầm được nước mắt khi dưới chân em vẫn còn cặp sách.

Người dân bàng hoàng khi phát hiện nơi cháu Ksor Sôn tự tử vì chưa có áo mới.

Rạng sáng 26-11-2015, người dân và gia đình phát hiện anh Uynh (1985, trú làng Ngol, P. Trà Bá, TP Pleiku, Gia Lai) chết trong tư thể treo cổ tại vườn của gia đình. Nhận được tin báo, CATP Pleiku cùng các cơ quan chức năng xác minh điều tra làm rõ. Qua điều tra ban đầu xác định, tối 25-11, anh Uynh đi uống rượu với bạn, sau khi về nhà thì xảy ra mâu thuẫn với vợ là chị H’Đến. Bực tức, Uynh lấy xe máy bỏ đi và đến vườn của gia đình (cách nhà khoảng 1km) dùng dây treo cổ tự tử. Dân làng đến chia buồn nhưng họ không ngờ rằng chỉ một phút giận dỗi, anh Uynh đã tìm đến cái chết bởi lâu nay vợ chồng sống rất hạnh phúc.

Do cãi nhau với vợ, anh Uynh tự tử trong sự đau buồn của bà con, dân làng.

Đã một thời gian dài trôi qua, nhưng người dân làng Nghe Lớn (TT Kông Chro, H. Kông Chro) vẫn còn ám ảnh về cái chết của vợ chồng chị Đinh Thị Pơnh - anh Đinh Vong. Do bị bệnh nặng, chị Pơnh tử vong khi con út Đinh Văn Rap vừa đầy 1 tháng tuổi. Đau buồn vì người “đầu gối tay ấp” ra đi đột ngột, anh Đinh Vong bỏ làng đi lang thang. Gần đến ngày đưa tang vợ, vẫn không thấy anh về, dân làng đi tìm thì phát hiện anh Vong đã treo cổ tự tử nơi cây bằng lăng gần chòi rẫy của gia đình. Cái chết của anh Vong đã để lại một nỗi đau lớn khi 3 đứa con nhỏ Đinh Văn Soang, Đinh Văn Suêch, Đinh Văn Rap sớm chịu cảnh mồ côi cả cha lẫn mẹ, phải sống nương nhờ vào sự giúp đỡ của dân làng và các nhà hảo tâm.

6 năm qua, trên địa bàn H. Kông Chro có 119 người chết vì tự tử. Nói về hệ lụy của vấn nạn này, ông Trần Đình Phùng - Trưởng Phòng LĐ-TB&XH H. Kông Chro cho biết: “Tâm lý và tính cách của người DTTS luôn thẳng thắn, trọng danh dự, nhưng cũng thường tự ti, ít thể hiện cảm xúc nên khi phát sinh mâu thuẫn họ thường tìm đến cái chết để chứng minh hoặc giải thoát. Qua theo dõi thì hầu hết những người tự tử có tuổi đời từ 25 tuổi đến 50 và họ cũng là trụ cột trong gia đình. Chính vì vậy, khi xảy ra sự việc sẽ kéo theo nhiều hệ lụy như: mất đi lao động chính trong gia đình khiến cuộc sống của người ở lại càng khó khăn hơn”. Ông Phùng cũng cho biết thêm, bên cạnh để lại đau buồn, mất mát cả về thể chất lẫn tinh thần cho người thân, gia đình thì phong tục ma chay thường rất tốn kém, nhiều gia đình phải gánh nợ khi có người chết. Đặc biệt, với những gia đình có con nhỏ, khi cha, mẹ qua đời các em mất đi điểm tựa, nên sớm bỏ học để kiếm sống.

Vấn nạn tự tử xảy ra ngày càng nhiều đã ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của bà con, tác động xấu đến ANTT vùng nông thôn. Để ngăn chặn vấn nạn này, những năm qua chính quyền các cấp đã có nhiều văn bản chỉ đạo, phân công trách nhiệm cho từng ban, ngành, đoàn thể phối hợp với người có uy tín ở thôn, làng tuyên truyền, vận động, hòa giải các mâu thuẫn trong cộng đồng và từng gia đình. Tích cực vận động bà con xây dựng cuộc sống mới, hỗ trợ phát triển kinh tế, bài trừ hủ tục lạc hậu. Tuy nhiên, ở một số vùng đồng bào DTTS, cuộc sống của người dân vẫn còn khó khăn, hạn chế về trình độ nhận thức, phong tục tập quán lạc hậu vẫn còn tồn tại. Bên cạnh đó, những mâu thuẫn hay suy nghĩ tiêu cực thường diễn ra bột phát, nhất thời, nên khó ngăn ngừa kịp thời, vì vậy vấn nạn tự tử vẫn diễn biến phức tạp... Chính vì vậy, để ngăn chặn vấn nạn này, đòi hỏi hệ thống chính trị tại các địa phương phải vào cuộc quyết liệt hơn trong công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của người dân vùng đồng bào DTTS. Đồng thời, có những giải pháp nâng cao đời sống vật chất, tinh thần nhằm ngăn chặn những chuyện buồn ở buôn làng này.

M.T - L.A