Bao giờ có phim truyện về miền Trung?

Thứ sáu, 26/09/2014 08:12

(Cadn.com.vn) - Mỗi năm, các đài truyền hình của Vĩnh Long, Đồng Tháp, Bình Dương... sản xuất hàng trăm tập phim truyện nói về mảnh đất con người của họ, song với Đà Nẵng, thậm chí cả miền Trung không sản xuất nổi một tập phim truyện.

Đạo diễn không có...  đất diễn

Làm phim truyện thì kinh phí luôn phải đặt lên đầu tiên, đơn giản vì “không có bột chẳng thể gột nên hồ”. Song có phải các Đài ở Vĩnh Long, Bình Dương người ta giàu kinh phí hơn, mảnh đất con người của họ có nhiều chuyện đáng nên phim, dễ cuốn hút hơn là ở Đà Nẵng, miền Trung? Người miền Tây xem phim truyện thấy bóng dáng cuộc sống của chính họ trong phim, rất gần gũi, mang hơi thở cuộc sống của họ. Và khi lên phim truyện, mảnh đất, con người của họ cũng long lanh biết nhường nào.

Ngược lại, người miền Trung thì phải mua lại phim, phát lại và xem phim để biết cuộc sống ở một nơi không phải mang hơi thở của chính mình. Giới trong nghề đều thừa nhận, Đà Nẵng, miền Trung là mảnh đất màu mỡ của điện ảnh, được ví như một phim trường khổng lồ. Nhưng, nói như đạo diễn Lê Ngọc Linh “Đà Nẵng đẹp thế này mà chỉ để quay thời sự, quay pháo hoa, làm  vài cái tin hội nghị thì phí quá”. Hẳn nhiên trăn trở của đạo diễn Lê Ngọc Linh  có cơ sở, bởi đạo diễn người Đà Nẵng này dù rất tâm huyết với điện ảnh miền Trung nhưng cũng phải bỏ xứ bôn ba ra Hà Nội, vào TPHCM để làm phim từ 5 năm nay. Đà Nẵng từ chỗ là mảnh đất làm nghề của anh giờ thành nơi đi về để nghỉ ngơi, thăm gia đình.

Bởi như tâm sự của anh, thực trạng sản xuất phim truyện ở Đà Nẵng hiện nay là... không có gì. Với một đạo diễn tài năng như Lê Ngọc Linh luôn hừng hực “máu nghề” thì việc lựa chọn phải rời xa “mảnh đất điện ảnh màu mỡ” này cũng là điều dễ hiểu. Thực tế đã chứng minh, kể từ khi bôn ba ra Bắc vào Nam hợp tác với hàng loạt hãng phim lớn như Hãng phim truyện 1, Hãng phim Giải phóng cho “ra lò” nhiều phim nổi đình đám như Chớp mắt cùng số phận, Sai lầm, Gừng cay muối mặn (10 tập), Cao hơn bầu trời (50 tập), sắp tới là phim hình sự Quyền lực đen (75 tập)... tên tuổi Lê Ngọc Linh không ngừng nâng lên.

Đạo diễn Lê Ngọc Linh (trái) đang chỉ đạo một cảnh quay.

Theo đạo diễn Ngọc Linh, Đà Nẵng có núi, biển, ruộng đồng, điều kiện ánh sáng tốt, cuộc sống con người luôn là nguồn đề tài không bao giờ vơi cạn, nếu lên phim truyện sẽ rất lung linh. Trong khi các hãng phim trong Nam ngoài Bắc người ta đổ về Đà Nẵng để lấy bối cảnh còn mình thì không sản xuất nổi một tập phim truyện. Lý giải thực trạng này có nhiều nguyên nhân nhưng đạo diễn Lê Ngọc Linh cho rằng, trước hết là con người tổ chức cầm trịch để sản xuất phim truyện từ lâu rồi không có. Nếu chỉ quay tin thời sự, làm vài chương trình truyền hình thì Đài nào cũng làm được, nó không tạo nên bản sắc, tầm cỡ của Đài.

Thứ nữa là diễn viên, ở Đà Nẵng chắc chỉ có mỗi diễn viên Hoàng Hải được khán giả biết tới, nhưng đạo diễn Ngọc Linh cho rằng Đà Nẵng có hẳn một Trường Văn hóa nghệ thuật, nhiều SV học xong ra làm trái nghề, trong khi nếu có tâm huyết, chỉ cần đào tạo 1 năm là có được lứa diễn viên có thể nhập vai. Về phương tiện kỹ thuật, Đà Nẵng có tới 2 Đài truyền hình, hệ thống máy móc đủ để sản xuất phim truyện. Đạo diễn kết luận, vấn đề là có đủ tâm huyết để làm phim truyện không thôi, còn nếu nói về kinh phí, các Đài Vĩnh Long, Bình Dương họ cũng đâu “giàu” hơn mình, một Đài làm không được thì người ta liên kết lại để cùng sản xuất, cùng phát sóng, thay vì suốt ngày cứ đi xem phim Mỹ, phim Hàn.

Đi một chân

Trao đổi với P.V, ông Huỳnh Hùng- Chủ tịch Hội điện ảnh Đà Nẵng cho biết, phim truyền hình gồm phim tài liệu, phim truyện, phim hoạt hình, trong đó ở Đà Nẵng hầu như chỉ tập trung vào phim tài liệu, đây là thế mạnh, sở trường và cũng là một trong vài trung tâm phim tài liệu mạnh nhất cả nước. Sở dĩ có điều đó, theo ông Hùng vì hiện thực cuộc sống luôn sôi động cùng bề dày lịch sử là nguồn chất liệu vô tận cho người làm phim tài liệu. Thậm chí nhiều mảng còn không khai thác hết, chẳng hạn mảng đề tài chiến tranh, chúng ta còn nợ quá khứ. Về tạo hình, ông Hùng cho rằng Đà Nẵng là nơi lý tưởng, bối cảnh rộng, đa đạng, như một phim trường khổng lồ.

Đặc biệt, những người làm phim tài liệu luôn chịu khó, khát khao tìm tòi, sáng tạo vì thế đã tạo ra nhiều phim tài liệu có giá trị, giành nhiều giải cao trong nước, quốc tế. Nổi bật có thể kể đến những tác phẩm như Lá hát (Đoàn Huy Giao), Giở lại trang nhật ký Chu Cẩm Phong (Hồ Trung Tú), Nhớ đảo (Trí Trung), Người giữ thành Hà Nội (Huỳnh Hùng), Tây Nguyên trong vòng tay Tổ quốc (Xuân Hùng), Đất đai thuộc về ai (Đoàn Lê), Chiếc chiếu của bà Bứa (Dương Mộng Thu). Cũng theo ông Hùng, đội ngũ các thế hệ làm phim tài liệu có sự tiếp nối, nhất là các bạn trẻ luôn tìm xu hướng thể hiện mới, nhất là phim tài liệu thực tế, phim không lời bình.

Tuy nhiên, khi nói về phim truyện, ông Hùng nói: “cái thiếu trước tiên là đạo diễn giỏi, ở Đà Nẵng có mỗi ông Lê Ngọc Linh, nhưng cũng 5 năm nay ông bỏ đi đâu mất. Kế tiếp là kinh phí, mỗi tập phim truyện ít nhất mất 200 triệu đồng chi phí, nếu sản xuất đem chiếu thì tiền quảng cáo thu lại cũng không bù đủ. Tính sơ như đài DRT mỗi ngày chiếu 2 phim mới, mỗi năm tối thiểu cũng phải phát 700 tập phim, số lượng rất lớn nên chỉ có thể khai thác, mua lại với giá rẻ chứ không thể sản xuất”. Trong khi đó, theo ông Hùng, thị phần quảng cáo dành cho Đà Nẵng chỉ bằng 1% so với cả nước, như thế nguồn thu không thể bù cho sản xuất phim truyện. “Cả miền Trung thì Đà Nẵng có điều kiện nhất để sản xuất phim truyện nhưng cũng không thể làm được”- ông Hùng nói.

Hải Hậu