“Bão nợ” ở Phước Sơn (4)

Thứ sáu, 13/12/2013 11:42

* Kỳ cuối: "Bỏ ngỏ" khả năng trả nợ?

(Cadn.com.vn) - Sau nhiều lần liên hệ với lãnh đạo của Tập đoàn Besra cũng như Cty TNHH Vàng Phước Sơn để xác minh sự việc nhưng “bất thành”, chúng tôi phải gửi văn bản (qua e-mail) đến Cty để tìm câu trả lời. Tuy nhiên, những nội dung phản hồi của Cty về các vấn đề mà chúng tôi đặt ra vẫn chưa thỏa đáng...

Ngày 5-12, chúng tôi gửi câu hỏi qua e-mail đến Cty. Một số nội dung câu hỏi như sau: Nguyên nhân vì sao đến cuối tháng 11-2013, Cty Vàng Phước Sơn vẫn chưa thanh toán nợ cho các đơn vị, DN, cá nhân trên địa bàn? Theo nhiều DN, cá nhân phản ánh thì phía Cty nhiều lần hứa hẹn trả nợ, nhưng trả nhỏ giọt khiến họ gặp rất nhiều khó khăn? Phương án thanh toán nợ cho họ như thế nào? Nhiều cá nhân, đơn vị phản ánh từ đầu năm 2013 đến nay, Tập đoàn Besra có nhiều chính sách mới gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động cũng như việc hợp tác làm ăn của họ, điều này có không, vì sao? Được biết, hiện Cty đang gặp khó khăn về tài chính, lý do vì sao? Tập đoàn Besra làm gì để khắc phục khó khăn này?...

Đến chiều 9-12, chúng tôi nhận được trả lời từ phía Cty Vàng Phước Sơn. Kỳ lạ, nội dung trả lời lại tập trung giới thiệu hình ảnh, những việc đã làm được mà quên mất rằng, chúng tôi không hỏi về vấn đề này! Xin trích nguyên nội dung sau: “Có mặt tại Việt Nam từ năm 1989, Besra đã đầu tư hơn 100 triệu USD vào Việt Nam qua 2 Cty là Cty TNHH khai thác vàng Bồng Miêu và Cty TNHH vàng Phước Sơn. Besra đã đầu tư công nghệ khai thác và tuyển luyện vàng hiện đại vào 2 nhà máy vàng Bồng Miêu và vàng Phước Sơn. Trong thời gian qua, chúng tôi đã trực tiếp tạo công ăn việc làm cho hơn 1.600 lao động Việt Nam cũng như gián tiếp tạo ra rất nhiều việc làm thông qua các đối tác và nhà thầu trong nước.

Đến tháng 2-2013, tổng chi phí mà chúng tôi trả cho nhà cung cấp và nhà thầu địa phương lên đến gần 158 triệu USD. Cty cũng đã bỏ ra 2,3 triệu USD để đầu tư cơ sở hạ tầng từ xây dựng đường sá, phòng học, hỗ trợ xây nhà cho các hộ nghèo, chương trình chăm sóc sức khỏe và các chương trình phát triển kinh tế nông nghiệp cho cộng đồng địa phương nơi Cty đang hoạt động. Cũng tính đến tháng 2-2013, số tiền mà Besra đã đóng góp vào NSNN là 731 tỷ đồng. Gần đây nhất, Besra cùng với Bồng Miêu và Phước Sơn đã thực hiện một chuyến đi xuyên Việt từ thiện bằng xe máy từ Hà Nội đến TPHCM và đã gây được số tiền hơn 4,5 tỷ đồng nhằm đầu tư cho Dự án chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh tại Quảng Nam”...

Mặc dù chưa thanh toán tiền ở (khoảng hơn 4 tỷ đồng) nhưng hiện khách sạn Khâm Đức
vẫn phải cho công nhân Cty Vàng Phước Sơn “ở đợ”.

Không phủ nhận những đóng góp của Cty cho NSNN, cho các chương trình an sinh xã hội tại địa phương. Tuy nhiên, như đã nói ở kỳ trước, việc hằng năm có vài lần người dân tổ chức chặn xe không cho vào Cty vì ô nhiễm môi trường, công trình nước sinh hoạt vừa mới đưa vào sử dụng đã hư hỏng, nợ tiền hỗ trợ đóng góp cộng đồng… thì Cty quên?

Ngoài “tự giới thiệu”, Cty còn “chú trọng” trình bày khó khăn: “Hiện Cty đang đối mặt với nhiều khó khăn về sản xuất cũng như tài chính. Giá vàng đã giảm xuống 35% kể từ đầu năm đến nay. Việc tăng thuế tài nguyên và cách tính thuế khác nhau đã khiến Cty gặp nhiều khó khăn hơn trong thời gian qua. Khi Phước Sơn được cấp giấy chứng nhận đầu tư vào năm 2003, mức thuế tài nguyên thời điểm đó là 6%. Sau đó mức thuế này tăng lên 15% vào tháng 1-2010. Theo đó, cách tính thuế cũng khác nhau. Mức thuế 6% vào năm 2003 được tính trên lợi nhuận ròng, mức thuế tài nguyên tăng lên 15% năm 2010 được tính trên tổng doanh thu. Rõ ràng là cách tính thuế mới đã tạo bất lợi cho Cty chúng tôi. Trong giai đoạn đầu Cty còn có khả năng xoay xở để duy trì hoạt động vì giá vàng cao hơn. Tuy nhiên, sau đó giá vàng giảm sâu (từ 1.800USD vào tháng 11-2012 xuống còn 1.200USD đến thời điểm hiện tại), khiến Cty gặp nhiều khó khăn hơn mặc dù chúng tôi đã nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp để tăng hiệu quả và giảm chi phí đáng kể”…

Tính đến ngày 28-10-2013, Cty Vàng Phước Sơn còn nợ Cty Quảng An hơn 23 tỷ đồng, và mặc dù
trả nợ nhỏ giọt nhưng Quảng An vẫn tiếp tục thi công công trình cho Cty Vàng Phước Sơn.

Vấn đề mấu chốt được chúng tôi đưa ra và mong nhận được câu trả lời chính thức từ Cty là hiện các DN, cá nhân trên địa bàn đang phải đối mặt với tình trạng nợ nần chồng chất, nguy cơ phá sản cận kề mà nguyên nhân chính là do Cty chậm trả nợ, thì phía Cty lại… bỏ ngỏ: “Chúng tôi đang thảo luận với Chi cục Thuế tỉnh Quảng Nam để tìm sự ủng hộ và đang làm việc với các nhà thầu địa phương để mong nhận được sự hỗ trợ của họ. Chúng tôi tin rằng Cty sẽ sớm vượt qua giai đoạn khó khăn này”.

... “Chúng tôi đang làm việc với các nhà thầu địa phương để mong nhận được sự hỗ trợ của họ” - dường như có điều gì đó bất thường ở đây. Cty đang tìm sự hỗ trợ từ những đối tác, mà chính các đối tác này đang phải bán tháo phương tiện, máy móc, thiết bị (với giá bèo) để trả nợ cho người khác. Đồng thời, phải tiếp tục vay mượn tiền mua nhiên liệu, trả lương cho công nhân để thi công các hợp đồng đã ký với Cty; cho hàng trăm công nhân của Cty ở tại các khách sạn, nhà nghỉ của họ mà không thu lại được bất cứ chi phí nào từ Cty. Có nên hiểu rằng, mọi rủi ro của đối tác, hay việc khi nào trả nợ thì Cty không thể trả lời và không muốn chịu trách nhiệm?

Phóng sự điều tra: Doãn Nguyên Hưng