Biển Đông thống trị Đối thoại Shangri-La

Thứ bảy, 04/06/2016 10:55

(Cadn.com.vn) - Bàn đối thoại Shangri-La 2016 lại nóng lên vì những tranh chấp ở biển Đông – nơi có nguy cơ bùng nổ xung đột do những hành động quân sự trái phép và vô lý của Trung Quốc.

Ngày 3-6, Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Châu Á - còn được gọi là Đối thoại Shangri-La - đã bắt đầu khai mạc tại Singapore, nhằm bàn về nhiều vấn đề an ninh khác nhau nổi lên ở khu vực. Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh - Thứ trưởng Quốc phòng dẫn đầu đoàn Việt Nam đến dự Đối thoại Shangri-La lần này và nêu quan điểm rõ ràng của Việt Nam  về biển Đông. Và cũng giống như các hội nghị an ninh gần đây trong khu vực và trên thế giới, bàn Đối thoại Shangri-La lần này cũng bị phủ bóng bởi vấn đề biển Đông tranh chấp.

Reuters dẫn lời giới chuyên gia cho rằng, thực tế này phơi bày sự cạnh tranh sâu sắc giữa Washington và Bắc Kinh trước thời điểm Tòa án Trọng tài Thường trực LHQ (PCA) đưa ra phán quyết pháp lý mang tính bước ngoặt về vụ việc Philippines - một đồng minh thân cận của Mỹ - kiện Trung Quốc về những tuyên bố chủ quyền vô lý ở biển Đông hồi đầu năm 2013. Nhà Trắng lâu nay vẫn yêu cầu Trung Quốc tôn trọng phán quyết của PCA và dừng việc cải tạo đất ở biển Đông. Tuy nhiên, Bắc Kinh phớt lờ và thậm chí còn chỉ trích gay gắt Washington về hoạt động tuần tra của Lầu Năm Góc ở biển Đông.

Tàu khu trục USS William P. Lawrence tuần tra ở biển Đông, khu vực 12 hải lý quanh các đảo Trung Quốc cải tạo đất trái phép. Ảnh: AFP

 Vì vậy, bàn Đối thoại Shangri-La lần này là cơ hội cuối cùng cho hai cường quốc thế giới hội tụ sự ủng hộ về phía mình trước khi PCA có quyết định cuối cùng. Các chuyên gia an ninh hy vọng Mỹ có thể thuyết phục các nước Đông Nam Á, cũng như các nước lớn khác như Ấn Độ và Nhật Bản, công khai ủng hộ bất kỳ quyết định nào có lợi cho Philippines.

Và tất nhiên, về phần mình, Trung Quốc sẽ cố gắng gây ảnh hưởng đến các nước để tránh việc họ công khai ủng hộ Manila. Theo các chuyên gia, “giá trị của vụ án là những thiệt hại về danh tiếng lâu dài và áp lực nhằm vào Bắc Kinh”. Tuy nhiên, thách thức đặt ra là Trung Quốc lâu nay vẫn tuyên bố PCA không có thẩm quyền trong vấn đề biển Đông và rằng, căn cứ theo luật pháp quốc tế, phán quyết của tòa này sẽ không có hiệu lực.

Trong số đoàn đại biểu của 20 quốc gia, sự chú ý được tập trung vào các nước Đông Nam Á – vốn đang cùng tranh chấp chủ quyền ở biển Đông với Trung Quốc. Bài phát biểu khai mạc của Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha - đánh dấu lần xuất hiện hiếm hoi tại một hội nghị quan trọng trong khu vực của nhà lãnh đạo này - rất được chờ đợi bởi chính nó sẽ cho thấy quan điểm cũng như vị trí chiến lược của Bangkok trong vấn đề biển Đông. “Chính sách Thái Lan phản ánh tình trạng khó khăn của khu vực”, chuyên gia Tim Huxley nhận định. Chuyên gia này cho biết thêm, Thái Lan vừa muốn có mối quan hệ tích cực với Trung Quốc nhưng về mặt chiến lược lại ở cùng chiến tuyến với phương Tây bởi vì họ có lý do để thận trọng về hành vi của Bắc Kinh.

Hội nghị thượng đỉnh kéo dài 3 ngày này thật sự là cơ hội vàng để các quan chức quân sự, tình báo, và các nhà lãnh đạo dân sự công khai tranh luận về xu hướng phòng thủ khu vực và những căng thẳng ở đây. Hội nghị thượng đỉnh diễn ra giữa lúc có sự thay đổi chiến lược quan trọng trong khu vực, đặc biệt là các cuộc bầu cử gần đây đã đưa vị chính trị gia cứng rắn Rodrigo Duterte - người được mệnh danh là “Donald Trump của Philippines” lên nắm quyền ở quốc gia Đông Nam Á này và cả việc Mỹ quyết định dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí cho Việt Nam.

Chương trình nghị sự tại Đối thoại Shangri-La lần này cũng bao gồm những bế tắc trên bán đảo Triều Tiên, mối đe dọa của chiến binh cực đoan IS trong khu vực Đông Nam Á và an ninh mạng.

Khả Anh