"Bom" thủy điện lại "nổ" trên đầu dân
(Cadn.com.vn) - Khoảng 8 giờ ngày 1-8, hàng trăm hộ dân sinh sống tại làng Ó, làng Bi (xã Ia Dom, H. Đức Cơ, Gia Lai) tháo chạy bán sống, bán chết khỏi dòng nước lũ do vỡ đập quây từ thủy điện Ia Krel 2 đổ về. Hàng triệu mét khối nước từ hồ chứa đổ về cuốn phăng, vùi lấp mọi thứ: hoa màu, tài sản của người dân. Người gần thì chạy kịp, người ở xa phải bám lên cây chờ lực lượng ứng cứu.
Hốt hoảng trong vòng vây lũ dữ
Đến gần 11 giờ ngày 1-8, bà Đặng Thị Kim Dung (1961, trú làng Bi, xã Ia Dom, H. Đức Cơ) vẫn ôm chặt thân cây bằng lăng giữa dòng nước lũ cuồn cuộn cuốn về. Giữa cơn mưa tầm tã, đứng trên bờ cách giữa dòng nước lũ đang đe dọa đến tính mạng bà Dung, đứa con và người em trai thấp thỏm khấn trời cầu cho bà Dung "tai qua, nạn khỏi". Ngay sau khi nhận được tin báo việc đập quây thủy điện Ia Krel lại vỡ, ông Võ Thanh Hùng - Chủ tịch UBND H. Đức Cơ và ông Kpă Thuyên - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai có mặt tại hiện trường liên tục chỉ đạo cho hơn 100 cán bộ, chiến sĩ CAH Đức Cơ, dân quân địa phương và Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh triển khai các biện pháp ứng cứu bà Dung.
Bà Đặng Thị Kim Dung bám lên cây thoát nạn giữa dòng nước lũ cuồn cuộn. |
Do tuyến đường vào khu vực này khó khăn, đồi núi nên lực lượng cứu hộ không thể đưa xuồng máy vào nên đành kết chuối làm bè nhằm tìm cách tiếp cận nơi bà Dung đang đứng. 3 chiến sĩ nhanh chóng mặc áo phao và cầm theo áo phao cho người bị nạn lao ra dòng nước lũ, thế nhưng dòng nước mạnh, chảy xiết khiến 3 chiến sĩ không thể tiếp cận nơi bà Dung. 30 phút trôi qua, vẫn chưa tiếp cận được cây nơi bà Dung đang đứng.
Ông Đặng Văn Yên ( làng Bi, xã Ia Dom, em trai bà Dung) bần thần: "Khoảng 8 giờ thì nước ầm ầm đổ về, tôi ở bên này chạy ra kêu nhưng không kịp bởi chỉ 10 phút sau thì nước đã quá ngọn cây, cuốn phăng mọi thứ. Chị tôi chỉ kịp trèo lên cây bằng lăng từ đó đến giờ". Ông Yên và những người dân làm nhà rẫy khu vực này cho biết: hàng ngày con suối Đôi chảy qua đây chỉ cần lội là qua bờ bên kia nên dọc 2 bên bờ suối người dân làm rẫy và cất nhà tạm để tiện sinh hoạt. Thế nhưng, bỗng chốc con suối Đôi trở thành dòng nước lũ hung hãn, rộng gần 200m nước ùn ùn cuốn về. Nhà cửa, rẫy mỳ, rẫy bắp, lúa bị dòng nước cuốn trôi, đất đá vùi lấp.
Lực lượng cứu hộ làm bè tiếp cận ứng cứu bà Dung. |
Hàng trăm người dân làng Bi, làng Ó, Mok Trang, Mok Đen và các làng lân cận có rẫy khu vực này ngẩn ngơ đứng trên bờ bất lực nhìn dòng nước lũ cuốn phăng vườn, rẫy, nhà chòi của mình. 18 căn chòi rẫy tại khu vực này cái bị cuốn trôi, cái ngập sâu từ 1-3m giữa dòng nước lũ. Bà A Nhớ (làng Bi, xã Ia Dom) chỉ kịp ôm con chó nhỏ đang run run trong tay, bà và con vật may mắn chạy lên đồi cao thoát khỏi dòng nước dữ. Nhìn đau đáu về dòng nước cuốn phăng mọi thứ trên đường đi của nó, bà Nhớ đau xót: 3ha mỳ, 1,5ha bắp và gần 1,5ha lúa canh tác vùng hạ lưu thủy điện của mình giờ coi như xóa sổ rồi. Công lao bấy lâu nay giờ không còn gì nữa. Năm ngoái đập thủy điện này nó cũng bị vỡ làm hư 1,5ha mỳ của mình giờ thì mùa năm nay lại khó khăn rồi".
Đến hơn 11 giờ cùng ngày, dòng nước rút dần, lực lượng cứu hộ tiếp cận cây nơi bà Dung đang đứng đưa bà Dung vào bờ an toàn. May mắn, vào khoảng 7 giờ sáng 1-8, người dân đi làm rẫy đã phát hiện khu vực đê quây của đập thủy điện Ia Krel 2 có nhiều vết nứt, nước rò rỉ qua thân đập có dấu hiệu sắp vỡ nên đã điện báo chính quyền xã Ia Dom. Ngay sau đó, chính quyền xã đã tức tốc cử cán bộ, dân quân tiếp cận các khu vực chòi rẫy người dân dọc con suối Đôi cảnh báo, kêu gọi người dân lên vùng đồi cao nên không xảy ra thiệt hại về người. Đồng thời, chính quyền huyện cũng chỉ đạo cho các lực lượng, UBND xã Ia Dom không cho người dân qua suối đến khu vực rẫy. Tuy nhiên, nhiều người dân chỉ kịp chạy thoát thân, không kịp di chuyển tài sản bởi nước đổ về quá nhanh.
Phần đê quây bị vỡ và "biến mất" khi hàng triệu mét khối nước từ hồ chứa đổ ra. |
"Quả bom" nước đã được dự báo trước
Có mặt tại nơi thân đập nơi bị vỡ sáng ngày 1-8, dòng nước từ hồ chứa thủy điện vẫn như thác lũ đổ ầm ầm về phía hạ lưu. Phần đê quây của phía Cty CP Công nghiệp và Thủy điện Bảo Long - Gia Lai đầu tư xây dựng cao 24m (tính từ chân đập), rộng hàng chục mét đã "biến mất" hoàn toàn bởi hàng triệu mét khối nước từ hồ chứa thủy điện xé phăng. "Đây là phần đê quây được phía Cty xây dựng sau khi sự cố vỡ đập thủy điện vào ngày 12-6-2013 để tiếp tục thi công phần đập bị vỡ", ông Nguyễn Ngọc Ẩn - Phó GĐ Cty CP Công nghiệp và Thủy điện Bảo Long - Gia Lai giải thích. Thế nhưng, điều ngạc nhiên là trước đó Sở Công thương tỉnh Gia Lai đã tạm đình chỉ thi công công trình này, Không hiểu nguyên nhân nào thủy điện Ia Krel 2 lại tự ý tích nước ngay trước mặt các cơ quan chức năng để dẫn đến sự cố "lũ nhân tạo" nói trên.
Theo thống kê sơ bộ đến đầu giờ chiều ngày 1-8 của UBND xã Ia Dom, trên địa bàn xã có 56 hộ dân bị ảnh hưởng, 60ha cây cao su, hồ tiêu, cà-phê và hoa màu của người dân bị cuốn trôi; 28 chòi rẫy bị ngập, trong đó có 13 cái bị cuốn trôi. Còn 60 cán bộ, công nhân của Binh đoàn 15 đang bị cô lập bên kia dòng nước lũ thủy điện, 40ha cây cao su của Binh đoàn 15 bị ngập nước trong đó có 20ha cây cao su bị gãy đổ.
Clip lực lượng CA băng qua dòng nước dữ cứu người. |
Tại hiện trường, trao đổi nhanh với phóng viên Báo Công an TP Đà Nẵng, ông Hoàng Công Lự - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Gia Lai cho biết: Sự cố vỡ đập thủy điện Ia Krel 2 tỉnh sẽ có báo cáo ngay với Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, tỉnh cũng đã chỉ đạo cho các lực lượng cứu hộ rà soát, túc trực ở khu vực nước lớn để đề phòng mưa lớn còn tiếp diễn, lũ lại đổ về. Về phía chính quyền huyện tăng cường phối hợp kiểm tra, làm rõ nguyên nhân vụ việc, thống kê số lượng hoa màu, tài sản của người dân bị thiệt hại để buộc chủ đầu tư hỗ trợ, đền bù cho người dân. Tỉnh cũng sẽ chỉ đạo CA tỉnh vào cuộc điều tra để có cơ sở xử lý những tập thể, cá nhân để xảy ra vụ việc này".
Điều người dân bất an là cách đây gần tròn 3 tháng, UBND H. Đức Cơ đã có công văn "cầu cứu" các sở, ngành liên quan về việc Cty CP Công nghiệp và Thủy điện Bảo Long - Gia Lai tự ý thi công, tích nước bất chấp sự phản đối của chính quyền địa phương. Không những thế, Cty này không hề có một văn bản nào báo cáo cho chính quyền địa phương việc tích nước này. Sự cẩu thả, bất chấp các quy định an toàn hồ đập của phía Cty lần nữa lại làm người dân hoang mang và "quả bom nước" được dự báo trước nhưng không được "gỡ" lần nữa gây họa lên đầu người dân nghèo.
Minh Tân