Các lệnh trừng phạt Nga nguy cơ "gậy ông đập lưng ông"

Thứ ba, 22/03/2022 09:56
Việc Mỹ chặn dự trữ ngoại hối của Nga có thể khiến Trung Quốc, Saudi Arabia và những cường quốc kinh tế khác đổ xô bán phá giá các khoản mà Mỹ nợ họ.
Người dân Nga tại Moscow xếp hàng rút tiền trong bối cảnh đồng Ruble đang mất giá. Ảnh: Reuters

Theo Asia Times, lâu nay Nhật Bản và Trung Quốc có xu hướng mâu thuẫn khi nói đến chiến lược kinh tế, địa chính trị. Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang giúp Tokyo và Bắc Kinh có chung quan điểm về một vấn đề: số phận cho tổng số nợ 2.400 tỷ USD nằm trong Kho bạc Mỹ. Tổng thống Biden đã đóng băng một phần đáng kể dự trữ ngoại hối của Nga để trừng phạt chiến dịch quân sự của Moscow ở Ukraine. Nói theo cách của ông Biden: "Washington đang "ngăn cản ngân hàng trung ương của Nga bảo vệ đồng Ruble, khiến quỹ chiến tranh trị giá 630 tỷ USD của ông Putin là vô giá trị".

Điều khiến Tokyo lo lắng là động thái này có thể khiến khoản tiền mà chính phủ Mỹ nợ họ trị giá 1.300 tỷ USD giảm đi đáng kể. Các quan chức cấp cao của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản cho rằng, quyết định trừng phạt của Mỹ có khả năng khiến Trung Quốc, Saudi Arabia và các nước lớn khác bán tháo các khoản nợ vì mối lo bị giảm đi tỷ lệ nắm giữ. Đối với Nhật Bản, nỗi lo trước mắt là lợi suất trái phiếu Mỹ tăng cao làm ảnh hưởng đến thị trường toàn cầu và niềm tin kinh doanh.

Hiện tại, hậu quả tiềm ẩn từ cuộc khủng hoảng Ukraine đang làm tiêu tan tất cả những gì mà các chính phủ châu Á đề ra trong năm 2022. Những tác động do lạm phát đang gia tăng và chuỗi cung ứng gặp nhiều thách thức khiến thị trường chứng khoán phải cạnh tranh. Các sàn chứng khoán ở Thượng Hải và Thâm Quyến là trọng tâm đặc biệt của các nhà đầu tư toàn cầu. Mối lo càng tăng khi thị trường bất động sản lao dốc và lo ngại chính sách "Zero Covid" của Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ khiến tốc độ tăng trưởng giảm.

Rủi ro liên quan đến Ukraine cũng rất nhiều. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) lo ngại giá hàng hóa tăng vọt, đặc biệt là dầu mỏ và khí đốt. Nhiều thông tin về việc Trung Quốc đang cân nhắc mua hoặc tăng thêm cổ phần trong các công ty năng lượng và hàng hóa của Nga có thể khiến các quan chức ở Washington tức giận. Tuần này, New York Times dẫn lời Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo cảnh báo Washington có thể có hành động "tàn khốc" đối với các công ty Trung Quốc đang giúp Nga né tránh các lệnh trừng phạt. Bóng ma về một cuộc chiến tranh kinh tế Trung-Mỹ gia tăng có thể khiến Chỉ số CSI tiếp tục chìm trong sắc đỏ.

Tuy nhiên, ẩn sâu hơn nữa là những lo ngại về sự ổn định của Kho bạc Mỹ. Năm 2016, khi vẫn còn là ứng cử viên tổng thống, ông Trump nói với CNBC: "Tôi sẽ đi vay dù biết là nếu nền kinh tế sụp đổ, chúng ta có thể phải thực hiện một thỏa thuận. Nhưng nếu nền kinh tế phát triển thì điều đó là quá tốt. Vì vậy, do đó, chúng ta không thể để thua".

Trong thời gian ông Trump nắm quyền, Mỹ đã suy nghĩ về việc hủy các khoản nợ Trung Quốc. Ông Trump cũng xem xét việc phá giá đồng USD. Và đây cũng không phải lần đầu tiên mà chính quyền của ông Tập lo lắng về sự an toàn của khoản nợ khổng lồ của Mỹ. Ví dụ, vào năm 2009, Thủ tướng Ôn Gia Bảo khi đó đã hiếm hoi đưa ra đề xuất đối với các quan chức Mỹ rằng: hãy quản lý tốt khối tài sản khổng lồ của nhà nước Trung Quốc đang nằm trong Kho bạc Mỹ. Bây giờ, một thập kỷ sau, người kế nhiệm Lý Khắc Cường, còn lo lắng hơn nữa. Nợ chính phủ Mỹ đã lên đến con số 30.000 tỷ USD, gần gấp đôi quy mô tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hàng năm của Trung Quốc. Sự phân cực chính trị ở Washington cũng khiến xếp hạng tín dụng của Mỹ rơi vào tình trạng nguy hiểm.

Nguy cơ chính phủ Mỹ phải đóng cửa hiện hữu rõ hơn bao giờ hết, có nguy cơ xóa bỏ 6,5 tỷ USD sản lượng kinh tế mỗi tuần. Nó cũng sẽ tạo ra một "hiệu ứng cánh bướm" làm rung chuyển nền kinh tế toàn cầu. Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc cũng không nắm phần thắng. Sự hấp dẫn như một nơi trú ẩn an toàn của đồng nhân dân tệ trong những tuần gần đây đã không được chú ý trong giới giao dịch FX. Ông Lewis McLellan tại Viện tiền tệ kỹ thuật số lập luận rằng, việc ông Biden đóng băng dự trữ của Trung Quốc có thể là một chiến thắng cho đồng kỹ thuật số bitcoin. Trong khi đó, thế giới sẽ bị ám ảnh bởi sự thay đổi trong dự trữ ngoại hối của Trung Quốc, dự trữ ngoại hối lớn nhất toàn cầu. Nước láng giềng Nhật Bản, chủ nợ 1.300 tỷ USD của Mỹ cũng lo lắng không kém.

KHẢ ANH