Các nước kêu gọi trừng phạt mạnh tay Triều Tiên

Thứ tư, 06/09/2017 08:31

Mỹ đã yêu cầu HĐBA LHQ thông qua các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ nhất chống lại Triều Tiên sau vụ thử hạt nhân lần thứ 6 của Bình Nhưỡng. Trong khi đó, Hàn Quốc, Nhật Bản cũng theo đuổi các biện pháp trừng phạt mạnh tay hơn đối với Bình Nhưỡng.

Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley
muốn các nước đồng thuận trừng phạt mạnh tay hơn đối với Triều Tiên.
     Ảnh: Yonhap

Các biện pháp trừng phạt mạnh hơn

Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley đưa ra lời kêu gọi trừng phạt mạnh tay hơn nữa tại một cuộc họp khẩn cấp của HĐBA LHQ sau vụ thử hạt nhân của Triều Tiên. “Đã quá đủ. Chúng ta cần phải áp các lệnh trừng phạt mạnh nhất có thể với Triều Tiên. Chỉ có các lệnh trừng phạt cứng rắn nhất mới cho phép chúng ta giải quyết vấn đề thông qua ngoại giao”, bà Haley cho biết.

Theo bà Haley, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-Un muốn được thừa nhận là một cường quốc hạt nhân, nhưng việc “lạm dụng” tên lửa và vũ khí hạt nhân cho thấy ông “cầu xin chiến tranh”. “Hành động của Triều Tiên không thể được coi là tự vệ, nước này muốn được công nhận là một quốc gia hạt nhân. Tuy nhiên, để được công nhận là quốc gia hạt nhân thì không phải dùng các vũ khí này để đe dọa các nước khác”, bà Haley nói. Bà cũng nhấn mạnh: “Chiến tranh là điều mà Mỹ không bao giờ mong muốn, nhưng sự kiên nhẫn của Mỹ cũng có giới hạn. Chúng tôi sẽ bảo vệ lãnh thổ của chính mình và các đồng minh”. Đại sứ Haley cho biết, Washington sẽ trình một dự thảo nghị quyết mới về Triều Tiên và hy vọng một cuộc bỏ phiếu có thể diễn ra trong tuần này.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết, Seoul cũng đang tìm cách tăng cường phối hợp với Mỹ trong chiến dịch tạo “áp lực ôn hòa” nhằm giải quyết vấn đề Triều Tiên trong khi khuyến khích Trung Quốc và Nga đóng vai trò xây dựng hơn trong việc giải quyết xung đột. “Chúng tôi đang cân nhắc các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ bao gồm việc thông qua một nghị quyết mới của HĐBA. Phối hợp với các nước lớn khác, chúng tôi sẽ nỗ lực để có được một nghị quyết mới có những yếu tố mạnh mẽ hơn so với các nghị quyết hiện có”, tuyên bố của Bộ Ngoại giao cho biết.

Mỹ - Hàn muốn biện pháp trừng phạt bao gồm việc cắt giảm nguồn cung cấp dầu cho Triều Tiên, mặc dù Trung Quốc dường như miễn cưỡng chấp nhận biện pháp mà Bắc Kinh lo ngại sẽ dẫn tới sự sụp đổ của nước láng giềng. Bình Nhưỡng nhập khoảng 90% lượng dầu và nhiên liệu khác từ Trung Quốc. Cấm vận dầu mỏ là biện pháp hiệu quả cuối cùng buộc Triều Tiên ngồi vào bàn đàm phán.

Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha cùng ngày cho biết, sau cuộc điện đàm giữa hai bên về vụ thử hạt nhân lần thứ 6 của Bình Nhưỡng, người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị đang để ngỏ khả năng áp đặt thêm các lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên. “Tôi không thể nói chi tiết cụ thể do Ngoại trưởng Vương Nghị đề nghị không công bố nội dung cuộc thảo luận giữa chúng tôi, nhưng tôi có thể cảm nhận Trung Quốc có khả năng áp đặt thêm các lệnh trừng phạt”, bà Kang nói.

Ủy ban đối ngoại Hạ viện Nhật Bản cũng thông qua một nghị quyết lên án vụ thử hạt nhân thứ 6 của Triều Tiên, đồng thời kêu gọi chính phủ tăng cường áp lực đối với Bình Nhưỡng. Nghị quyết cũng kêu gọi chính phủ tăng cường sức ép với Triều Tiên, như theo đuổi việc thông qua nghị quyết trừng phạt mới, nghiêm ngặt hơn của HĐBA LHQ. Ngoại trưởng Taro Kono trong phiên họp Ủy ban đối ngoại đã cam kết “hợp tác chặt chẽ với cả Mỹ và Hàn Quốc nhằm thôi thúc Nga và Trung Quốc có vai trò thích đáng”.

Tuy nhiên, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định, việc áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn đối với Triều Tiên sẽ không làm thay đổi ban lãnh đạo tại Bình Nhưỡng, thay vào đó có thể khiến người dân chịu mất mát nhiều hơn. Ông Putin cũng cảnh báo, không nên tăng cường các hành động quân sự trong khu vực, cho rằng điều này có thể dẫn tới “thảm họa toàn cầu”.

Phương án quân sự?

Ngày 5-9, Hải quân Hàn Quốc tiếp tục tập trận bắn đạn thật quy mô lớn ở biển Nhật Bản, nhằm cho thấy quyết tâm đáp trả các hành động khiêu khích của Triều Tiên. Hải quân Hàn quốc cũng lên kế hoạch huấn luyện nhóm tác chiến kéo dài 4 ngày, bắt đầu từ ngày 609 ở vùng biển phía Nam Hàn Quốc.

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc ngày 5-9 tuyên bố đang xem xét “mọi phương án quân sự hiện có” để đối phó với những động thái quân sự của Triều Tiên, hàm ý khả năng cho tái triển khai các loại vũ khí hạt nhân chiến thuật của Mỹ tại Hàn Quốc. Tuy nhiên, bộ trên cũng tái khẳng định chính sách lâu nay của Seoul là biến bán đảo Triều Tiên thành một khu vực không có vũ khí hạt nhân. Người phát ngôn Moon Sang-gyun tuyên bố: “Không có thay đổi gì trong nguyên tắc phi hạt nhân hóa của chính phủ”. Bộ Thống nhất Hàn Quốc cũng tuyên bố không có thay đổi nào trong nỗ lực của nước này trong việc thúc đẩy đề nghị hòa bình với Triều Tiên, bất chấp vụ thử hạt nhân mới nhất của Bình Nhưỡng.

Trong khi đó, các nhà phân tích cho rằng, bất chấp các lời đe dọa mới của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, Washington vẫn không có bất cứ lựa chọn quân sự thực tế và thực tiễn nào đối với Triều Tiên. Bất cứ hành động quân sự nào của Mỹ sẽ khiến hàng triệu người dân Seoul gặp nguy hiểm, bởi vậy điều này không thể xảy ra.

Một số chuyên gia đánh giá, vụ thử hạt nhân mới nhất của Triều Tiên không gây ra mối đe dọa ngay tức thì đối với Mỹ và các đồng minh. Cựu Giám đốc điều hành Trung tâm Tình báo chung của Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương Mỹ Carl Schuster cho rằng “Một vụ thử thành công có nghĩa rằng họ (Triều Tiên) có thể chế tạo ra một thứ vũ khí, chứ không phải họ có bất cứ thứ gì có thể sẵn sàng sử dụng ngay”. Chuyên gia Hertling nhận định, Mỹ không cần làm bất cứ điều gì quyết liệt nhằm đối phó với mối đe dọa Triều Tiên hiện nay.

Nhật lên kế hoạch sơ tán dân

Trong bối cảnh căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đạt mức độ nghiêm trọng sau vụ thử hạt nhân lần thứ 6 của Triều Tiên, Nhật đang có kế hoạch về khả năng sơ tán lớn khi có gần 60.000 công dân nước này hiện đang sinh sống hoặc du lịch ở Hàn Quốc. “Có khả năng diễn ra các hành động khiêu khích hơn nữa. Chúng ta cần duy trì sự cảnh giác cao độ và làm mọi thứ có thể nhằm đảm bảo an toàn cho người dân”, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe cho biết. Tokyo hiện đang xúc tiến kế hoạch khẩn cấp gồm 4 bước, dựa trên sự nghiêm trọng của tình hình.            

* Ngày 5-9, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc Triều Tiên tiến hành thử hạt nhân lần 6 ngày 3-9, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết: “Việc Triều Tiên tiến hành thử hạt nhân lần 6 đã vi phạm nghiêm trọng các nghị quyết của HĐBA LHQ. Lập trường nhất quán của Việt Nam là phản đối mọi hành vi làm phức tạp tình hình, đe dọa hòa bình, an ninh và ổn định của khu vực và thế giới; kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, thực hiện phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên bằng biện pháp hòa bình; nghiêm túc tuân thủ các nghị quyết liên quan của HĐBA LHQ”.

AN BÌNH – TTXVN