Các tỉnh miền Trung chủ động ứng phó với bão đầu mùa

Thứ ba, 15/09/2015 07:30

(Cadn.com.vn) - Được đánh giá chưa phải là cơn bão mạnh nhưng do hình thành gần bờ nên bão số 3 đã nhanh chóng ảnh hưởng đến các tỉnh miền Trung. Chính quyền và nhân dân các địa phương đã quyết liệt triển khai các biện pháp chủ động ứng phó để giảm thiểu thiệt hại do mưa bão gây ra.

BCH PCLB TP Đà Nẵng kiểm tra, chỉ đạo công tác neo đậu tàu thuyền tại Âu thuyền Thọ Quang. Ảnh: C.K

Hàng nghìn tàu cá thoát khỏi vùng nguy hiểm

Trước diễn biến của bão số 3, trong ngày 14-9, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, BCH BĐBP các tỉnh từ Quảng Bình đến Ninh Thuận đã triển khai công tác theo dõi, kiểm đếm và thông báo về vị trí, hướng di chuyển, diễn biến của bão cho các chủ phương tiện đang hoạt động trên biển. Đến cuối ngày 14-9, các địa phương nói trên đã thông báo và hướng dẫn cho tổng số 36.658 tàu/165.399 lao động biết vị trí, hướng di chuyển của bão để chủ động trú tránh. Trong đó có 72 tàu/414 lao động hoạt động trong vùng nguy hiểm. Hầu hết các địa phương trong khu vực chưa thực hiện việc sơ tán dân.

Sáng cùng ngày  Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu đã chủ trì cuộc họp khẩn với các sở, ban, ngành, huyện, thành phố chỉ đạo khẩn trương các biện pháp phòng, chống bão, lũ nhằm tránh các thiệt hại về người và tài sản. Theo báo cáo của Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, lực lượng đã phát thông báo và kêu gọi 176 tàu gần bờ với 913 lao động, 125 tàu xa bờ với 2.878 lao động khẩn trương di chuyển vào bờ hoặc tìm nơi trú tránh an toàn, thoát khỏi vùng nguy hiểm. Đặc biệt là 110 tàu với 2.353 lao động đang câu mực, lưới vây ở Hoàng Sa.Tại Quảng Nam, chiều 14-9, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu đã có cuộc khảo sát thực tế và chỉ đạo công tác phòng chống bão tại các H. Duy Xuyên, TP Hội An và thị xã Điện Bàn. Tại các điểm trọng yếu xảy ra sạt lở thuộc P. Cửa Đại, TP Hội An, ông Thu chỉ đạo các lực lượng vũ trang dân quân nhanh chóng triển khai đưa cán bộ chiến sĩ đến địa bàn ven sông ven biển giúp nhân dân chằng chống nhà cửa. Đối với khách du lịch đang lưu trú tại địa phương, các khách sạn, khu resort  phải có phương án sắp xếp phòng ốc cho khách lưu trú dài ngày trường hợp bão có diễn biến phức tạp. Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cũng lưu ý chính quyền các địa phương hướng dẫn các tàu thuyền đã vào tránh bão ở âu thuyền Hồng Triều cũng như một số điểm tại xã Duy Vinh và Duy Thành (H.Duy Xuyên) neo đậu đúng cách để tránh thiệt hại khi có bão đổ bộ.

Quân khu 5 chủ động ứng phó bão số 3

Ngày 14-9, Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão - Tìm kiếm cứu nạn Quân khu 5 đã có cuộc họp, do Thiếu tướng Ngô Quý Đức, Phó Tư lệnh-Tham mưu trưởng Quân khu chủ trì, triển khai các phương án chủ động ứng phó với bão số 3. Thiếu tướng Ngô Quý Đức yêu cầu các cơ quan, đơn vị dừng những cuộc họp chưa cần thiết để tập trung cho công tác phòng chống lụt bão.

Chấp hành mệnh lệnh của lãnh đạo Quân khu 5, các đơn vị đã triển khai lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng phó với bão và mưa lũ; tăng cường trực chỉ huy, trực ban các cấp nghiêm túc, luôn theo dõi nắm chắc diễn biến tình hình thời tiết, hướng di chuyển của bão. Bộ CHQS các tỉnh từ Đà Nẵng đến Bình Định đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện lệnh cấm biển, đưa tàu thuyền vào nơi neo đậu, trú tránh an toàn; giúp nhân dân chằng chống nhà cửa, di dời lồng bè thủy sản, không cho người dân ở lại trên các lồng bè nuôi trồng thủy sản... Toàn quân khu huy động hơn 50.000 người, 360 ô-tô, 27 xe đặc chủng, 520 ca nô các loại tham gia ứng phó bão số 3.

Đỗ Thị Ngọc Diệp

Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu chỉ đạo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh khẩn trương triển khai hoạt động Văn phòng tiền phương tại Hội An để đảm bảo các điều kiện ứng cứu dân ở khu vực phía Bắc của tỉnh. Trong đó ưu tiên thực hiện công tác chằng chống nhà cửa, cơ sở hạ tầng, triển khai phương án di dời dân tại chỗ.

Để chủ động đối phó nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra, Chủ tịch UBND tỉnh đã có Công điện khẩn số 04/CĐ-UBND yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, TP huy động tất cả mọi lực lượng, phối hợp chặt chẽ với lực lượng vũ trang và các đơn vị liên quan trên địa bàn chỉ đạo thực hiện quyết liệt, khẩn trương, đồng bộ các biện pháp để chủ động đối phó với tình hình bão, lũ. Trong đó đặc biệt chú trọng  triển khai lực lượng xung kích phòng, chống lụt, bão ở cơ sở giúp nhân dân chằng chống nhà cửa, di chuyển dân đến tạm trú nơi an toàn.

Theo báo cáo của ngành NN&PTNT, đến ngày 14-9, tổng diện tích lúa chưa thu hoạch trên địa bàn tỉnh là 1.660ha. Trong đó tập trung chủ yếu tại một số huyện như Đại Lộc (500ha), Phú Ninh (200ha), Thăng Bình (100ha), Hiệp Đức (294 ha), Tiên Phước (160 ha), Nông Sơn (169ha), Điện Bàn (50ha).

 Lực lượng dân quân Quảng Nam giúp người dân ven biển ứng phó bão số 3. Ảnh: Hà Dung 

Tại Đà Nẵng, sáng 14-9, Phó Chủ tịch UBND thành phố Phùng Tấn Viết chủ trì cuộc họp triển khai công tác ứng phó với bão lũ. UBND thành phố cũng đã phát Công điện số 07/CĐ-PCTT yêu cầu các ngành, địa phương triển khai kịp thời các biện pháp để ứng phó với cơn bão. BCH PCLB&TKCN thành phố yêu cầu BĐBP phát lệnh nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi, phối hợp với Cảnh sát Giao thông đường thủy, Chi cục Thủy sản tổ chức di dời tàu thuyền trên sông Hàn vào khu tránh bão Âu thuyền Thọ Quang và vịnh Mân Quang một cách an toàn.

Đến cuối giờ chiều, ngoài 1.525 tàu thuyền với 6.009 lao động đã vào bờ thì Đà Nẵng vẫn còn 58 tàu cùng 508 lao động đang hoạt động trên biển. Trong đó phía Đông Bắc Hoàng Sa có 8 tàu (95 lao động), Nam Hoàng Sa là 3 tàu (28 lao động). Các phương tiện đã nắm được tình hình, hướng di chuyển của cơn bão số 3 và hiện đang nhanh chóng di chuyển vào bờ hoặc các đảo để neo đậu, trú tránh.

Cảnh sát PCCC xử lý bảng quảng cáo gãy đổ trên đường Trần Hưng Đạo (Đà Nẵng) đảm bảo cho việc đi lại của người dân.

Đà Nẵng đặc biệt ưu tiên các phương án phòng chống bão, lũ, lũ quét, sơ tán nhân dân tạo các vùng trũng thấp, vùng ven biển, sông suối có nguy cơ sạt lở và các khu chờ tái định cư. Ông Phùng Tấn Viết chỉ đạo UBND H. Hòa Vang, Q. Liên Chiểu và Cty TNHH Khai thác Thủy lợi Đà Nẵng triển khai phương án PCLB ở hồ chứa, tổ chức ứng trực 24/24, đảm bảo thông tin liên lạc với các địa phương, sẵn sàng ứng cứu hồ chứa và sơ tán dân tại hạ du. Trước bão số 3, H. Hòa Vang còn hơn 150 ha lúa vụ hè thu chưa thu hoạch.

Ông Viết cũng yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường sẵn sàng triển khai vận hành các trạm bơm chống ngập úng trên địa bàn thành phố, Sở Thông tin và truyền thông triển khai thông báo rộng rãi tình hình bão cho nhân dân biết, đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt kể cả trong bão. Cty Điện lực Đà Nẵng có phương án đảm bảo an toàn điện trong thời gian có bão và nhanh chóng khắc phục các sự cố điện sau bão. Sở Y tế sẵn sàng phương án cấp cứu nạn nhân và phương án cấp cứu lưu động. Chủ trì phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc và hóa chất cần thiết để xử lý môi trường khi bão đi qua.

BĐBP Quảng Trị triển khai lực lượng giúp dân kiểm tra, chằng chống nhà cửa ở khu vực ven biển. 

Chủ động trước nguy cơ sạt lở

Trong ngày 14-9, các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Bình Định đã có mưa to đến rất to. Tổng lượng mưa tính đến cuối giờ chiều phổ biến 100-150mm, có nơi hơn 200mm như Kỳ Anh (Hà Tĩnh) 258mm, Tiên Sa (Quảng Nam) 257mm, Trà Khúc (Quảng Ngãi) 215mm. Theo dự báo, trong 2 ngày 15 và 16-9, ở các tỉnh từ Quảng Bình đến Bình Định và Tây Nguyên có mưa to đến rất to (200-300mm).

Trên các sông từ Thanh Hóa đến Bình Định và khu vực Bắc Tây Nguyên xuất hiện một đợt lũ. Mực nước trên các sông ở Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Bình Định có khả năng lên mức báo động 1 đến báo động 2, các sông ở Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi và khu vực Bắc Tây Nguyên có khả năng lên mức báo động 2 đến báo động 3, có nơi trên báo động 3.

Ngày 14-9, dù bão chưa đổ bộ nhưng rất nhiều cây xanh trên địa bàn TP Đà Nẵng đã bị ngã đổ. Ảnh: C.K

Trước diễn biến này, UBND TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam chỉ đạo các địa phương kiểm tra, rà soát các khu dân cư ở các vùng ven biển, ven sông, vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất để có phương án di dời, sơ tán nhân dân đến nơi an toàn khi có lệnh. Song song với đó là công tác dự trữ lương thực, thực phẩm, nước uống để đề phòng việc người dân có thể bị cô lập trong thời gian dài. Tại Đà Nẵng, đến chiều 14-9, một số hồ chứa nhỏ hiện đã qua tràn như hồ Tân An, Diêu Phong, Hóc Gối.

Ông Phùng Tấn Viết đề nghị chính quyền H. Hòa Vang và các cơ quan liên quan theo dõi diễn biến mực nước của hồ Hòa Trung và hồ Đồng Nghệ để báo cáo kịp thời nhằm có phương án phù hợp với diễn biến của thời tiết. UBND thành phố Đà Nẵng yêu cầu các địa phương thực hiện phương án Phòng chống và khắc phục hậu quả ứng phó với các kịch bản thiên tai trên địa bàn thành phố đã được triển khai tại Quyết định số 7493/QĐ-UBND ngày 21-10-2014.

Tổ phóng viên