Cái kết nào cho "chuyện ở Hòa Xuân"...?! (Kỳ cuối: Khi đối thoại không còn là phương án khả dĩ?)

Thứ ba, 23/10/2018 18:42

Có ý kiến cho rằng, "tảng băng" nghi kị giữa người dân và chính quyền, nếu tồn tại, chỉ có thể được phá vỡ bởi thiện chí. Và nếu có bên nào ở thế có quyền thể hiện thiện chí trước, thì đó là phía chính quyền. Chính quyền ở thế có quyền lực so với người dân. Và quan trọng nhất, là dù thế nào đi chăng nữa, thì những người ấy, vẫn là dân của mình. Vậy trong câu chuyện ở Cồn Dầu, phía chính quyền Đà Nẵng đã thực sự thể hiện thiện chí hay chưa? Xin khẳng định là có, thậm chí rất nhiều! Còn với số ít hộ dân Cồn Dầu, họ "đón nhận", nói đúng hơn là đáp lại thiện chí ấy như thế nào?

Cố Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh nhiều lần trực tiếp đối thoại với người dân Hòa Xuân.

Còn nhớ, tại buổi tiếp hơn 2.000 người dân ở Hòa Xuân vào ngày 8-8-2008 của vị lãnh đạo cao nhất thành phố lúc bấy giờ là Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Bá Thanh, thời điểm mà bầu không khí tại Hòa Xuân liên quan đến việc đền bù, giải tỏa đang rất căng thẳng, ông chia sẻ rằng: "Không có cuộc đại phẫu nào không gây đau đớn, việc thực hiện dự án này (Khu đô thị sinh thái ven sông Hòa Xuân - P.V) là một cuộc đại phẫu, có đau đớn thì cơ thể mới trở lại khỏe mạnh". Và theo ông, sau sự hy sinh của bà con là sự phát triển của thành phố, là để sau này chính con cháu của họ được hưởng lợi... Hai năm sau, vào ngày 18-5-2010, đích thân ông Nguyễn Bá Thanh lại đứng ra gặp gỡ, đối thoại với các vị Giám mục Giáo phận, Linh mục Quản xứ và một số chức sắc khác của giáo hội Công giáo trên địa bàn. Nội dung đối thoại vẫn xoay quanh chủ đề người dân Giáo xứ Cồn Dầu được gì trong Dự án này? Một lần nữa, ông Nguyễn Bá Thanh giải thích: người dân sẽ có nhà ở, có việc làm, con cái họ được học hành tử tế, bản thân họ được ưu đãi hơn hẳn bà con Trung Lương, Cẩm Chánh, Tùng Lâm, Lỗ Giáng khi tiến hành giải tỏa, đền bù... Không chỉ là lời hứa, mà thực tế đến nay, ngoài các vấn đề liên quan đến đời sống, việc làm, phát triển kinh tế và tương lai con em người dân Cồn Dầu được đảm bảo thì một vấn đề khác liên quan đến đời sống tâm linh, tinh thần của giáo dân Cồn Dầu cũng được lãnh đạo thành phố quan tâm bằng những việc làm thiết thực. Cụ thể, Nhà thờ giáo xứ Cồn Dầu không chỉ được giữ lại để bà con hành lễ, mà thành phố còn giao thêm 3.200 m2 đất để mở rộng. Với những người già yếu không đi nhà thờ được (cách địa điểm tái định cư khoảng 1km) thì thành phố bố trí thêm khu đất 1.500m2 có đầy đủ hạ tầng cho người dân Cồn Dầu làm nhà nguyện để thỏa nguyện đức tin; hỗ trợ cho Giáo xứ Cồn Dầu xây dựng tường rào và tượng, thánh giá tại nghĩa trang mới Hòa Sơn...

Ông Lê Văn Sơn-Chủ tịch UBND Q. Cẩm Lệ thừa nhận với chúng tôi rằng, so với cư dân tại các khu vực khác thì giáo dân ở Cồn Dầu đã được chính quyền thành phố quan tâm, tạo điều kiện tốt hơn, ưu ái nhiều hơn. Những tưởng thiện chí ấy của thành phố sẽ nhận lại sự "thiện chí" tương đồng, hay đúng hơn là sự đồng thuận của tất cả người dân Cồn Dầu để dự án được triển khai nhanh chóng, thuận lợi hơn. Thế nhưng có một số ít hộ dân vẫn cố tình phủ nhận, bác bỏ.

Tính đến nay, mặc dù lãnh đạo thành phố và Q. Cẩm Lệ đã hàng chục lần trực tiếp đối thoại, giải thích; các bộ, ngành Trung ương như Bộ Tài nguyên - Môi trường, Thanh tra Chính phủ cũng đã kiểm tra, rà soát việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ. Sau đó Thủ tướng đã có ý kiến không chấp nhận những khiếu nại của các hộ dân Cồn Dầu tại Công văn 2619 ngày 16-4-2015. Tuy nhiên, bất chấp ý kiến kết luận ấy, số ít hộ dân này vẫn thiếu thiện chí, cố tình không chấp hành... Không chỉ ngày một ngày hai, mà dai dẳng từ ngày đầu triển khai Dự án đến nay, số ít hộ dân này vẫn cương quyết tỏ thái độ bất hợp tác. Mặc dù đã có kết luận cuối cùng từ cấp cao nhất, thành phố có thể tiến hành các bước tiếp theo theo quy định của pháp luật; tuy nhiên, thể theo nguyện vọng của các hộ dân, lãnh đạo thành phố vẫn tổ chức hàng loạt các cuộc đối thoại, tiếp xúc cả chung lẫn riêng với các hộ. Một trong số ấy là cuộc đối thoại giữa Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ vào ngày 5-8-2017.

Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ gặp gỡ, đối thoại với người dân Cồn Dầu  .

Trước khi vào nội dung chính của buổi đối thoại, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ đã nêu quan điểm, rằng chính quyền luôn muốn lắng nghe, xem bà con có ý kiến gì mới, có gì phát sinh mà chưa nắm, chưa biết và chưa được giải quyết thấu đáo thì tiếp tục. Còn những gì mà cấp cao nhất đã trả lời rồi, thành phố cũng rà soát nhiều lần rồi, thấy rằng không thể làm khác được nữa thì có lẽ không nên đề cập...

Liên quan đến chính sách đền bù giải tỏa, riêng với các hộ dân còn lại của dự án, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ tâm sự rằng: "Có cách gì tốt nhất thì chính quyền cũng đã nghĩ rồi, làm rồi. Thực tình mà nói, bà con được ưu đãi hơn nhiều những người đi trước". Cụ thể là từ thêm lô phụ, nâng cấp đường từ đường nhỏ lên đường lớn, từ hỗ trợ này, hỗ trợ nọ... "Đến nguyện vọng của bà con muốn được ở gần nhà thờ, chúng tôi cũng tìm cách làm việc với nhà đầu tư để hoán đổi đất. Khả năng của thành phố đến đó là hết, bây giờ còn cái gì nữa. Tôi biết yêu cầu của bà con là phải bố trí đủ số đất bị giải tỏa, rồi tái định cư tại chỗ. Chính quyền không làm nổi việc này đâu. Nếu 130 ngàn hộ dân di dời, giải tỏa ở thành phố này đều đòi quay lại tái định cư tại chỗ thì sẽ ra sao?", ông Thơ nói.

Ông tiếp tục đặt vấn đề, chính sách di dời, giải tỏa có tới 99% người dân đồng thuận, ủng hộ, vậy sao chỉ còn một số hộ ở Cồn Dầu nhất quyết phản đối. "Thôi bà con đừng đánh đố chính quyền nữa. Chính quyền đã hết sức thiện chí, luôn muốn làm điều tốt nhất cho bà con. Chúng tôi cũng nghĩ hết cách rồi, làm những gì có thể được rồi. Bà con có thể chỉ cho lãnh đạo thành phố xem có cách gì làm tốt hơn mà không trái với quy định được không?", ông Huỳnh Đức Thơ đặt câu hỏi. Ông mong muốn bà con phải hòa mình trong dòng chảy chung ấy. Còn không thì cứ dùng dằng mãi, như vậy bà con sẽ khổ. "Bà con khổ thì lãnh đạo thành phố cũng khổ. Sướng ích gì hàng ngày thấy bà con như thế", ông Thơ trải lòng.

Chưa dừng lại ở đó, thể theo nguyện vọng của các hộ dân, ngày 29-1-2018, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa và Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ tiếp tục có cuộc đối thoại với 70 hộ dân chưa bàn giao mặt bằng. Tại buổi đối thoại, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa cho biết, mục tiêu của dự án Khu đô thị sinh thái Hòa Xuân là đem lại cho người dân một cuộc sống tốt hơn. Thực tế cuộc sống hiện nay của 97,6% người dân P. Hòa Xuân thực hiện di dời giải tỏa, về nơi ở mới đã tốt hơn trước rất nhiều. Ông Nghĩa khẳng định, dự án Khu đô thị sinh thái Hòa Xuân được triển khai rất thận trọng và đúng quy định. Một lần nữa ông kêu gọi người dân khu vực Cồn Dầu ủng hộ chủ trương của thành phố, cùng chung tay xây dựng thành phố đáng sống. Người dân khu vực Cồn Dầu nên suy nghĩ về con số 97,6% người dân P. Hòa Xuân đã di dời giải tỏa vì sự phát triển của Hòa Xuân hôm nay và đều có cuộc sống ổn định, tốt hơn trước rất nhiều...

Những tưởng để đáp lại thiện chí ấy từ phía chính quyền thành phố, số ít hộ dân Cồn Dầu còn lại sẽ thay đổi quan điểm, đồng thuận bàn giao mặt bằng cho dự án, chấm dứt một thời gian dài đằng đẵng đi "đòi quyền lợi" không chính đáng của mình; thì ngược lại, họ vẫn một mực khước từ, thậm chí tỏ thái độ chống đối quyết liệt hơn. "Không thể vỗ tay bằng một bàn tay", thiết nghĩ cũng đến lúc nên đi tìm cái kết cho câu chuyện ở Cồn Dầu. Và cái kết ấy không gì khác, dù là phía chính quyền hay người dân thì đều phải tuân thủ theo các quy định của pháp luật!

Phóng sự: DOÃN HÙNG - ĐINH NGA