Cận cảnh con đường gỗ lậu (3)

Thứ sáu, 26/09/2014 07:52

* Kỳ cuối: Trăn trở trên con đường gỗ lậu

(Cadn.com.vn) - Cho đến thời điểm hiện tại, khi vụ án hình sự "Vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng", xảy ra tại Tiểu khu 465, Quế Lâm, Nông Sơn, Quảng Nam đã được khởi tố, nhưng vẫn chưa xác định được các đối tượng phạm tội. Tất cả vẫn còn nằm trong diện nghi vấn, các cơ quan chức năng đang tiếp tục thu thập chứng cứ, xác minh làm rõ. Việc xác định các đối tượng không khó, nhưng đằng sau vụ án là những điều băn khoăn, liệu có giữ được những cánh rừng nguyên sinh?

Gỗ lậu được tập kết trên đất rừng thuộc H. Phước Sơn.

Hai đêm ngủ lại khu rừng Nà Lau, Khe Mây, nơi xảy ra vụ án khai thác, vận chuyển lâm sản (gỗ lậu) trái phép, chúng tôi nghe được nhiều câu chuyện liên quan đến vụ án, từ chính những người dân đang ngày đêm bám cánh rừng này để sinh sống. Họ đóng hàng chục những lán trại tạm bợ nằm rải rác theo triền con suối để hằng ngày bứt mây, kéo gỗ thuê kiếm tiền. Những người dân chân chất, thật thà cũng chẳng ngại ngần nói thẳng: "Mô có đâu xa, các đầu nậu khai thác gỗ toàn người địa phương cả,  có người ở Quế Sơn lên, còn lại người Nông Sơn và cả ngay chính trong xã Quế Lâm. Tụi tôi đi làm thuê cho họ, tụi tôi biết!".

Ông Phạm Cự, người thôn Cấm La, Quế Lâm, năm nay đã hơn 60 tuổi tâm sự: "Từ năm 1978, tôi đã bám rừng Nà Lau này để kiếm sống. Mình không ruộng vườn, lên đây ai thuê chi làm nấy, mà cũng chỉ có công việc là kéo gỗ thuê và bứt mây thôi chứ còn có việc chi khác...". Những người đang "bám rừng" ở Nà Lau cũng cho biết rõ tên của từng "đầu nậu" khai thác gỗ và dẫn chúng tôi đến bãi gỗ đã thu gom tập kết, chỉ cho thấy từng ký hiệu mà các đầu nậu đã đánh dấu. Có đầu nậu đánh dấu gỗ của mình là "Ty", "2 lâm", rồi "D", "ĐH".

Gỗ lậu được khai thác và vận chuyển theo quy trình: đầu nậu bỏ tiền ra thuê thợ lên rừng tìm gỗ, xẻ thành phách, cho tập kết thành bãi riêng của mình, sau đó thuê người dân địa phương ở Quế Lâm, chủ yếu ở thôn Cấm La lên kéo gỗ từ rừng về. Khi gỗ đã xẻ xong, được đánh dấu như đã nêu trên, đầu nậu chỉ ung dung ngồi dưới chân núi uống rượu, gọi điện thuê người lên kéo với mức 200-400 nghìn đồng/phách, tùy khối lượng. Nhận điện, người làm thuê lên địa điểm tập kết, tìm gỗ đã đánh dấu ký hiệu của đầu nậu kéo về nhận tiền công... Cứ thế năm này qua tháng khác, cây rừng cứ chặt phá, gỗ cứ cưa xẻ, đầu nậu cứ ung dung ngồi chờ người làm thuê mang gỗ về cho mình...



Gỗ lậu được đầu nậu đánh dấu cho người kéo gỗ thuê dễ nhận chủ gỗ.

Qua tìm hiểu, chúng tôi nắm được, một khối gỗ gõ mật, loại quý hiếm đặc biệt, tại rừng nơi mới chặt hạ, cưa xẻ chỉ có giá chưa đầy 2 triệu đồng/m3, dổi hương (nhóm 3) chỉ trên dưới 1 triệu đồng, còn chò nâu, xoan đào... chỉ có giá 600-700 nghìn đồng/m3... Thế nhưng, sau khoảng 3 tiếng đồng hồ được kéo xuống chân núi, giá gỗ đã nâng lên gấp 3-4 lần... Gỗ được chở hoặc kéo theo đường suối về Quế Lâm, một phần sẽ bí mật được chuyển về các cơ sở đóng đồ mộc ở ngay khu vực Nông Sơn, còn phần lớn được kết bè (5-10m3/bè) xuôi sông Thu Bồn chuyển về đồng bằng.

Nếu vượt qua mọi sự kiểm soát của ngành chức năng, về đến bến Câu Lâu, Điện Bàn, giá gỗ sẽ tăng gấp hàng chục lần: 30-50 triệu đồng/m3 gõ mật; dổi hương 17-22 triệu đồng; chò nâu, xoan đào 8-14 triệu đồng. Tính thế để thấy lợi nhuận "khủng" mà các tay trùm, đầu nậu thu được. Một câu hỏi đặt ra, nếu không có người làm thuê, liệu đầu nậu có "khuân" được gỗ từ rừng sâu núi thẳm về ồ ạt như vậy không? Câu trả lời là không! Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Sơn - Trưởng CAX Quế Lâm trăn trở: Có thể khẳng định, những người kéo gỗ thuê cho các đầu nậu trong vụ án này chiếm đến 80% là người dân thôn Cấm La, Quế Lâm.

Thôn Cấm La có hơn 30 hộ dân, nguyên gốc họ từ các địa phương dưới đồng bằng được vận động lên xây dựng kinh tế mới từ cuối những năm 1970 của thế kỷ trước, thành lập nên thôn Nà Lau. Nhưng điều kiện quá khó khăn, giao thông cách trở, để ổn định cuộc sống, cuối những năm 80, người dân đã được chuyển về định cư tại khu vực thôn Cấm La hiện nay. Gọi là định cư, nhưng mấy chục năm qua, không gia đình nào có đất vườn, ruộng để sản xuất, canh tác, tất cả chỉ biết bám vào việc khai thác lâm sản để kiếm sống. Ngay cả giao thông, điện sinh hoạt, Cấm La cũng mới chỉ có cách đây hơn 5 năm.

Không còn cách nào khác, người dân lại quay về nơi cũ này để kiếm sống, người lập trại chăn nuôi, người đi bứt mây... thu nhập khá nhất vẫn là đi kéo gỗ thuê. Năm 2013, UBND tỉnh đã có chủ trương chuyển đổi 300ha đất rừng từ rừng đặc dụng sang rừng sản xuất ở Quế Lâm để người dân có đất sản xuất. Tuy nhiên, đến thời điểm này, chưa hộ dân nào ở Cấm La được nhận quyết định cấp đất, giao rừng, cuộc sống vẫn vô cùng bế tắc.

Trở lại với vụ án phá rừng, khai thác, vận chuyển trái phép lâm sản xảy ra tại Quế Lâm, đây là vụ án được đánh giá là rất nghiêm trọng trong thời gian gần đây. Trong các ngày 19 và 20-9, Cục Kiểm lâm khu vực 2 đã cử đoàn công tác vào hiện trường để xem xét, kiểm tra thực tế. Hiện vụ án đã được cơ quan chức năng tiến hành điều tra làm rõ, dư luận ở Nông Sơn mong rằng, vụ án sẽ sớm được kết thúc, các đối tượng phạm tội sẽ phải được đưa ra xét xử trước pháp luật. Đây cũng là bài học cần rút kinh nghiệm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng của chính quyền và ngành chức năng tỉnh Quảng Nam.

Phóng sự: Hồng Thanh