Cần chuyên nghiệp hóa nghề công tác xã hội
(Cadn.com.vn) - ĐÀ NẴNG - Ngày 1-8, tại TP Đà Nẵng, Bộ LĐ-TB&XH tổ chức Hội nghị sơ kết 4 năm thực hiện đề án Phát triển nghề công tác xã hội (gọi là Đề án 32). Theo báo cáo của hội nghị, hiện nay toàn quốc có khoảng 9 triệu người cao tuổi, 6,7 triệu người khuyết tật, 1,5 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, hàng vạn người bị nhiễm HIV, nghiện ma túy, bán dâm, ngược đãi, tâm thần... cần trợ giúp xã hội.
Ước tính đến năm 2020, Việt Nam có khoảng 10 triệu người có dấu hiệu rối nhiễu tâm trí; 1,2 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; 9 triệu người khuyết tật; hàng vạn đối tượng xã hội khác cần được trợ giúp.
Tuy nhiên, với khoảng 35.000 người hoạt động công tác xã hội chỉ có 8,5% các cán bộ, nhân viên, cộng tác viên công tác xã hội được đào tạo đúng chuyên ngành, đa phần là cán bộ giảng dạy và cấp trung ương.
Sau 4 năm thực hiện đề án 32, đã có 40 trường Đại học, Cao đẳng có đào tạo ngành công tác xã hội, đến nay có gần 13.500 lượt người được đào tạo bài bản, dài hạn để trở thành các nhà hoạt động xã hội.
Ngoài ra, tại 30 tỉnh có TP xây dựng mô hình trung tâm công tác xã hội, nâng tổng số cơ sở có liên quan đến cung cấp dịch vụ công tác xã hội lên 432 cơ sở với 35.000 người tham gia. Ngoài ra, có gần 9.000 cộng tác viên khắp cả nước được tập huấn và trở thành cầu nối giúp những người cần trợ giúp được hỗ trợ, tiệm cận với cuộc sống bình thường.
Để tiếp tục thực hiện tốt hơn đề án 32, các đại biểu tham dự hội nghị đề xuất trong thời gian tới, Bộ LĐ-TB&XH sẽ tăng cường việc phát triển đội ngũ và năng lực cán bộ, cộng tác viên công tác xã hội tăng thêm 50% và hỗ trợ nhân rộng mô hình cung cấp dịch vụ công tác xã hội ở khắp các tỉnh, TP trên cả nước và cơ cấu lại cơ sở bảo trợ xã hội hiện có, từng bước chuyên nghiệp hóa nghề công tác xã hội để hỗ trợ tốt nhất cho những đối tượng cần trợ giúp.
Quỳnh Chi