Căn cứ B1 Hồng Phước: Biểu tượng của ngọn đèn đứng gác! (2)

Thứ tư, 24/12/2014 07:20

* Bài cuối: Hãy thắp lại ngọn đèn Cách mạng Hồng Phước

(Cadn.com.vn) - Cho đến khi gặp Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn, nguyên Cục Trưởng Cục Tuyên huấn Tổng cục chính trị QĐND Việt Nam, được ông cho xem tư liệu về trận địa pháo của địch tại Hồng Phước, tôi mới hình dung ra toàn vẹn vùng căn cứ Hồng Phước ngày xưa, mới hiểu được sự khốc liệt của chiến tranh và hiểu vì sao ta chiến thắng. Vì quân đội ta có nhân dân. Những câu chuyện do những con người một thời gắn bó với Hồng Phước kể lại khiến tôi băn khoăn đặt câu hỏi: Tại sao đến giờ căn cứ B1 Hồng Phước chưa được công nhận là di tích lịch sử?.

Theo Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn, căn cứ B1 Hồng Phước có một điểm giống với căn cứ K20 đều là vùng lõm, nằm trong sự kìm kẹp, kiểm soát của địch nhưng nhân dân gắn bó, trung thành với CM. Khác chăng, quy mô B1 Hồng Phước nhỏ hơn mà thôi... Chính tại B1 này, hình ảnh về ngọn đèn đứng gác được thể hiện rõ nét nhất.

Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn hồi tưởng: “Tôi về đây hoạt động từ cuối năm 1973. Phải nói rằng, lòng dân Hồng Phước thật tuyệt vời. Mỗi lần đứng trên núi nhìn về phía Hồng Phước, nhìn thấy ánh đèn được các chị, các má treo trên các khám thờ ngoài ngõ là lòng chúng tôi ấm lại, như thấy mình được về với nhân dân. Đó là ám hiệu báo tin an toàn, bộ đội ta, quân ta có thể về hoạt động. Hồi đó, có quy định thế này: Nếu đèn treo trong nhà hoặc treo trong nhà và đóng cửa lại thì không an toàn, có địch đang đi bố ráp, lùng sục. Đèn treo ở khóm thờ ngoài ngõ là tín hiệu không có địch, quân ta có thể xuống. Không chỉ nuôi giấu cán bộ, người dân Hồng Phước còn làm nhiều việc khác cho cơ sở CM như làm giao liên, vận chuyển vũ khí... Bà con B1 Hồng Phước quý cán bộ trên núi lắm. Nhiều khi, con em họ chỉ ăn cơm với muối, nhưng cán bộ từ trên núi xuống bao giờ cũng được ăn cá, ăn rau, ăn thịt. Nói mang ơn dân không phải là câu nói trừu tượng đâu, mà là rất cụ thể. Phải hiểu sự thiếu thốn của thời đó mới thấu hiểu hết lòng dân. Thế nên, ai đó đã đi qua kháng chiến mà quên dân thì không chỉ là có lỗi mà là có tội!”.

Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn tìm lại tư liệu được lưu giữ trong máy tính
về một thời ở Căn cứ B1 Hồng Phước. Ảnh: P.T

Chợt nhớ, trong một lần trò chuyện về những năm tháng chiến tranh ác liệt, ông Dương Thành Thị, Chủ tịch UBND Q. Liên Chiểu, kể cho nghe một chi tiết rất xúc động rằng: Một lần, ông thấy mẹ ông, bà Phạm Thị Dĩ, bắt vịt làm thịt. Tưởng tối hôm đó sẽ được ăn thịt, ông dẫn bò đi chăn để nắm tình hình về báo lại cho các chú mà lòng sướng rơn. Thế nhưng tối đó về nhà, mâm cơm dọn ra, chẳng thấy thịt vịt đâu. Hỏi thì biết, thịt vịt là để đem xuống cho các chú đang núp dưới hầm bí mật...

Qua hồi ức của Trung tướng Tuấn, tôi hình dung ra được sự khốc liệt cũng như lòng kiên trung của người dân B1 Hồng Phước với Đảng, với Bác Hồ. Bị bao bọc xung quanh nào là kho hậu cần khổng lồ Bàu Mạc, trận địa pháo 44, trạm gác..., thế nhưng, người dân Hồng Phước vẫn quyết “một tất không đi, một li không rời”, bám đất, bám làng nuôi giấu CM. Kể làm sao cho hết tấm lòng của người dân B1 Hồng Phước  đối với Đảng, với CM. Bởi lẽ, chỉ cần bị địch phát hiện là gia đình họ bị liên lụy, bị tù đày hoặc bị tàn sát. Dù biết vậy, nhưng họ vẫn chấp nhận đánh đổi sự an toàn tính mạng, âm thầm hoạt động trong lòng địch, bảo vệ, cưu mang, nuôi giấu cán bộ. Theo Trung tướng Tuấn, có những hôm cán bộ trên núi không xuống được vì bị địch bố ráp dữ quá, bà con Hồng Phước giả vờ làm người đi củi để mang cơm nấm, thức ăn lên núi. Khi bà con lên núi, CBCS chuẩn bị sẵn những bó củi, bên trong khi thì  thư, khi thì vũ khí, thuốc nổ để bà con gánh về. “Họ xuống núi mà mình mong ngóng từng ngày, chờ bà con lên lại mới thở phào nhẹ nhõm. Chiến công của người dân B1 Hồng Phước thầm lặng nhưng có ý nghĩa vô cùng. Những con người như mẹ Dĩ, cô Bích, cô Rô, cô Thương, cô Giỏi, cô Chiến... với những công việc thầm lặng nhưng lại vô cùng cao cả. Nếu không có những con người như các má, các anh, các chị... thì sẽ  không có chúng tôi, không có những chiến công của lực lượng biệt động, của quân giải phóng... Có thể nói, B1 là trạm trung chuyển giữa chiến khu với nội thành. Đây là nơi đón CBCS xuống ở hầm dưới mật ban ngày, đêm xuống thì dỡ hầm lên đi trinh sát, nắm tình hình. Từ đây, ta đã tổ chức nhiều trận đánh lớn như trận Bàu Mạc, Thanh Vinh... B1 có vị trí chiến lược rất quan trọng, cần phải đánh giá đúng để có sự quan tâm, ghi nhận đúng sự cống hiến của nhân dân...”.

Một chuyện về B1 Hồng Phước mà khi được nghe kể lại, tôi tự hỏi, vì sao địch dù xây dựng mạng lưới ô vuông ở khu vực này vẫn không thể chia tách được lòng dân với Đảng, với Bác Hồ? Theo đó, địch vẽ khu dân cư Hồng Phước thành những ô vuông, cứ cách hai, ba nhà là đặt cơ sở mật gọi là Liên gia trưởng để theo dõi mọi hoạt động ở khu vực này. Điều lạ là, chính những con người được địch chọn làm Liên gia trưởng đó lại hỏi xin ý kiến và được quân ta hướng dẫn để có cách đối phó lại với chúng... Không những thế, có người bị bắt đi lính cũng hỏi xin ý kiến bên ta rồi trở thành nội gián cho ta ngay trong lòng địch. Về trường hợp này, bà Hà Thị Mau cười nói: “Ông chồng tui bị bắt đi cảnh sát nhưng rồi phục vụ cho CM đó. Nhà tui, có 5 mẹ con làm CM, kết nạp Đảng”...

Trận địa Pháo của địch ở Hồng Phước (ảnh tư liệu).

Ông Sáu Tải cho biết, sau giải phóng, chính quyền địa phương cũng đã mấy lần làm hồ sơ đề nghị công nhận B1 Hồng Phước là di tích lịch sử CM, nhưng không hiểu vì sao lại không được. Ông Tải ngậm ngùi tiếc cho một khu di tích lịch sử CM bị lãng quên: “Sau giải phóng, hầm bí mật ở Hồng Phước vẫn được người dân giữ lại. Mấy lần đề nghị không được, do thời kỳ đó còn đói khổ quá, nên tui có chỉ một vài cái hầm để dân lấy bao tời cát rọc ra làm đồ phơi lúa, làm mền đắp. Đến khi giải tỏa Hồng Phước để làm KCN thì nơi đây mới không còn hầm bí mật! Giờ tui cũng già yếu, đau ốm liên miên. Nếu chừ làm không được thì không biết đến khi mô Hồng Phước mới được công nhận là di tích lịch sử CM để ghi nhận các chiến công thầm lặng của nhân dân Hồng Phước, cũng là để giáo dục về lịch sử, truyền thống CM cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau”.

Qua trao đổi với ông Dương Thành Thị, Chủ tịch UBND Q.Liên Chiểu, được biết, mới đây, UBND Q. Liên Chiểu làm tờ trình xin chủ trương TP cho xây dựng Đài bia và nhà truyền thống di tích lịch sử CM Khu B1-Quận Nhì Đà Nẵng tại Hồng Phước. Chính quyền Q. Liên Chiểu cũng đã có buổi làm việc với lãnh đạo Công ty Cổ phần Sài Gòn- Đà Nẵng và được công ty này đồng tình, ủng hộ chủ trương chọn địa điểm đầu tư xây dựng công trình này tại khu đất quy hoạch đất thương mại dịch vụ thuộc dự án khu dân cư công nghiệp Hòa Khánh mở rộng do công ty này làm chủ đầu tư…

Chia tay Hồng Phước trong cơn mưa rỉ rả của một ngày gần cuối tháng 12, lòng tôi se sắt lại tiếc cho một khu di tích CM giờ không còn vết tích gì. Quá khứ là một phần lịch sử. Đã là lịch sử thì không ai được phép lãng quên!

Ghi chép: Phan Thủy