Cảnh báo từ “Cuộc chiến nước mắm”
(Cadn.com.vn) - Những nghi vấn về “Cuộc chiến nước mắm” một lần nữa cảnh báo chúng ta một về tác hại của hành vi kinh doanh, truyền thông dựa trên nỗi sợ của hàng triệu người.
Gần mười năm trước, năm 2007, dư luận chấn động vì thông tin nước tương (xì dầu) nhiễm 3-MCPD, với “kết luận” rằng chất này gây ung thư. Ngay lập tức, người tiêu dùng quay lưng với sản phẩm này, khiến hàng loạt nhà sản xuất, phân phối, bán lẻ lao đao. Liền sau đó, một doanh nghiệp tung ra sản phẩm nước tương mới với quảng cáo “không nhiễm 3-MCPD”. Cho đến khi các nhà khoa học, cơ quan chức năng khẳng định rằng, chất 3-MCPD thực ra vẫn được phép tồn tại với hàm lượng nhất định, thì lúc ấy câu chuyện đã khác; chiến lược truyền thông dựa vào nỗi sợ đã khiến doanh nghiệp nọ chiếm lĩnh thị trường! Ngoài “sự cố 3-MCPD”, truyền thông còn khá nhiều vụ việc khác với kịch bản tương tự, tuy nhiên, đến giờ vẫn chưa có vụ nào gây chấn động như vụ “nước mắm nhiễm asen” hiện nay; có lẽ cũng cần nhìn lại một chút về sự kiện này và các thông tin có liên quan để dễ hình dung:
Ngày 10-10-2016, một tờ báo lớn đăng bài viết: “Nước + hóa chất = nước mắm công nghiệp”. Thông tin này khiến người tiêu dùng choáng váng, gần như quay lưng với nước mắm công nghiệp. Ngay trong ngày 10-10-2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có công văn chỉ đạo Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan “khẩn trương kiểm tra, làm rõ nội dung báo phản ánh, thông tin kịp thời cho người dân”.
Câu chuyện về nước mắm công nghiệp chưa kịp lắng xuống thì, chiều 17-10-2016, Vinatas công bố thông tin thậm chí còn chấn động hơn nữa: 67% mẫu nước mắm do Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam khảo sát bị nhiễm asen vượt mức cho phép! Tại thời điểm công bố, Vinatas không nói rõ những sản phẩm mang thương hiệu nào được khảo sát, chỉ đưa ra thông tin những sản phẩm nước mắm có độ đạm càng cao thì hàm lượng asen càng cao.
Trong lúc hầu hết các cơ quan báo chí chính thống đang đòi hỏi phải công bố chi tiết, bất ngờ, trên mạng xã hội xuất hiện một bảng thông tin cực kỳ chi tiết về kết quả khảo sát của Vinatas. Theo đó, hóa ra nước mắm công nghiệp lại có hàm lượng asen thấp, còn nước mắm truyền thống lại có hàm lượng asen cao! Tuy nhiên, mấu chốt của vấn đề là asen có hai loại, vô cơ và hữu cơ. Asen vô cơ là chất độc, còn asen hữu cơ tồn tại trong tự nhiên gần như vô hại với con người. Asen hữu cơ tồn tại trong nước mắm là asen hữu cơ, nhưng đã bị Vinatas lập lờ, khiến hàng triệu người tiêu dùng hoang mang.
Ngày 22-10, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết: Kiểm nghiệm về asen đối với 247 mẫu nước mắm, 100% không phát hiện asen vô cơ vượt ngưỡng giới hạn tối đa cho phép theo QCVN 8-2:2011/BYT của Bộ Y tế. Kiểm nghiệm các kim loại nặng khác (như: Chì, Thủy ngân và Cadimi) đều đạt theo QCVN 8-2:2011/BYT của Bộ Y tế. Có nghĩa là, 100% nước mắm (cả công nghiệp lẫn truyền thống) đều an toàn!
Nếu ví những diễn biến trên đây như một trận đá bóng thì có thể tóm gọn thế này: Hiệp một (ngày 10-10-2016, khi thông tin bất lợi về nước mắm công nghiệp xuất hiện trên báo), nước mắm công nghiệp thua 1 bàn; hiệp hai (ngày 17-10-2016, khi Vinatas công bố thông tin lập lờ về asen), nước mắm công nghiệp gỡ lại 1 bàn, tỉ số là 1 đều! Cục An toàn thực phẩm “xác nhận” tỉ số này với kết luận ngày 22-10. Thế nhưng, tác hại của “trận đấu” nêu trên thì chưa thể nào đánh giá hết, đặc biệt tổn hại nó gây ra đối với hàng triệu người tiêu dùng. Với riêng truyền thông, đây là một sự cố không dễ nguôi ngoai.
Trả lời về nghi vấn “cuộc chiến” với sự can dự của các doanh nghiệp sản xuất nước mắm công nghiệp và các doanh nghiệp sản xuất nước mắm truyền thống và một bộ phận truyền thông, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn nói: Bộ TT&TT đang phối hợp với các cơ quan chủ quản báo chí quyết làm trong sạch đội ngũ những người làm báo để bảo vệ sự trong sáng và niềm tự hào của đội ngũ những người làm báo chân chính, trong đó có việc loại bỏ những phần tử lạm dụng quyền tự do báo chí, bẻ cong ngòi bút để tiếp tay cho các thủ đoạn cạnh tranh không lành mạnh của một bộ phận doanh nghiệp hoặc phục vụ các “nhóm lợi ích” một cách phi pháp”.
Cũng liên quan đến sự việc, trả lời báo giới bên lề kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ CA, cho biết: Bộ CA sẽ phối hợp với Bộ TT&TT cũng như những cơ quan chức năng để kiểm tra, xử lý vụ việc gây hoang mang dư luận thời gian qua. Nếu có vi phạm trong việc cạnh tranh thương mại, thiếu minh bạch, tung tin gây dư luận xấu thì phải xử lý để duy trì môi trường kinh doanh lành mạnh. Nếu vi phạm hình sự thì xử lý hình sự, vi phạm hành chính thì xử lý hành chính.
Với sự vào cuộc của các cấp thẩm quyền, hy vọng vụ việc trên đây sẽ sớm được sáng tỏ, để không những xử lý rốt ráo câu chuyện hiện nay, mà quan trọng hơn, là tạo tiền đề ngăn chặn những sự việc tương tự có thể xảy ra trong tương lai, đặc biệt là hành vi kinh doanh, truyền thông trên nỗi sợ hãi của hàng triệu người; ngăn chặn mầm mống của những “liên minh” mờ ám, tai hại giữa các thực thể khác nhau trong đời sống xã hội nói chung, nền kinh tế nói riêng. Nói tóm lại, không thể để hàng triệu người tiêu dùng trở thành “con tin” của những hoạt động kinh doanh, truyền thông thêm một lần nào nữa.
Nguyễn Lê