Cây trụ sống trồng tiêu "hút hàng": Mừng cho... rừng!
(Cadn.com.vn) - Trước đây, ở Tây Nguyên cây hồ tiêu được người dân trồng trên các loại trụ chết như trụ gỗ hoặc trụ bằng vật liệu xây dựng. Song thời gian gần đây, nông dân đang chuyển dần sang trồng các loại trụ sống như keo dậu, lồng mức, muồng đen... điều này khiến thị trường cây sống trồng làm trụ tiêu nơi đây trở nên "hút hàng" và là một dấu hiệu đáng mừng cho mục tiêu bảo vệ rừng.
Trên thực tế, trồng tiêu trên cây trụ chết như trụ gỗ hoặc trụ bằng vật liệu xây dựng trong điều kiện không che bóng có thể đạt được năng suất cao, nhưng kèm theo đó là sự suy kiệt nhanh chóng do ra hoa quả quá độ và sự bùng phát của nhiều loại bệnh nguy hiểm làm hủy diệt vườn tiêu. Trồng tiêu trên cây trụ sống là kiểu canh tác bền vững, tạo nên điều kiện sinh thái phù hợp cho phép kéo dài thời gian khai thác vườn tiêu, hạn chế được các bệnh nguy hiểm và có thể giảm bớt chi phí đầu tư ban đầu.
Anh Nguyễn Xuân Thủy, xã Ea Ning, H. Cư Kuin (Đắc Lắc) đang tìm mua cây lồng mức tại đường Nguyễn Lương Bằng, TP Buôn Ma Thuột cho biết: "Nhà tôi có 4 ha đất mới mua, thấy tiêu được giá nên tính đầu tư cây giống để trồng... Muốn trồng tiêu thì phải có trụ, tuy nhiên hiện trụ gỗ giá đắt đỏ và hiếm lắm, trụ bê-tông, hay trụ gạch thì tốn kém mà tiêu thường bị bệnh lắm. Do vậy tôi tính mua ít cây lồng mức về trồng sau làm trụ, qua tham khảo giá được biết các loại cây như keo dậu, lồng mức, muồng đen có giá từ 3-5 ngàn đồng/cây".
Cây trụ sống để trồng tiêu được bà con nông dân lựa chọn thay thế trụ gỗ, trụ gạch, trụ bê-tông. |
Cũng như anh Thủy, anh Hùng, xã Hòa Đông, H. Krông Pắc (Đắc Lắc) chia sẻ: "Nhà tôi có 6 sào cà-phê xen tiêu, trước đây tôi đã trồng thử cây lồng mức rồi. Đây là cây trồng làm trụ tiêu là tốt nhất bởi nhánh dễ chặt, trồng sâu rễ ăn sâu, rễ mềm dễ xử lý, tán không to lắm, tạo điều kiện cho cây tiêu quang hợp, lá rụng dễ phân hủy tạo chất mùn cải tạo đất. Chỉ cần trồng cây sau 2 năm là có thể trồng tiêu được. Hiện tôi vừa mua 200 cây tại cơ sở bán cây giống ở xã Hòa Thắng, TP Buôn Ma Thuột về trồng sau này làm tiêu, giá cây lồng mức 2-3 tháng tuổi là 3,5 ngàn đồng/cây".
Qua tìm hiểu của chúng tôi, cây trụ sống được trồng bằng cành hoặc bằng hạt. Nếu như những năm trước giá mỗi cây (sau khi ương từ 2-3 tháng tuổi) chỉ 2-3 ngàn đồng, thì thời điểm hiện nay đã tăng lên so với trước từ 2-3 ngàn đồng/cây, tùy thuộc vào từng loại cây. Khi hỏi về nguyên nhân này anh Trung, chủ cơ sở cây giống đường Nguyễn Lương Bằng (TP Buôn Ma Thuột) cho hay: "Hiện tại ở Tây Nguyên các loại cây trồng làm trụ tiêu đang được đông đảo bà con lựa chọn, bởi giá thành rẻ, cho khai thác lâu năm, chống chọi tốt với bệnh... Hơn nữa, nay đang là mùa mưa, đây là thời điểm thích hợp để trồng tiêu nên thị trường loại cây này trở nên sôi động, giá cả có tăng đôi chút. Nếu như năm trước cây keo dậu có giá 2 ngàn đồng/cây thì nay tăng lên 3,5 ngàn đồng/cây; cây lồng mức tăng từ 3 ngàn đồng/cây lên 5 ngàn đồng/cây, cây muồng đen tăng từ 3 ngàn đồng/cây lên 4 ngàn đồng/cây".
Khi hỏi thêm về kỹ thuật trồng, anh Trung chia sẻ: "Cây keo dậu hoặc lồng mức nên trồng với khoảng cách 2,5mx2,5m (1.600 cây/ha), muồng đen trồng với khoảng cách 3mx3m (1.100 cây/ha), tốt nhất là trồng vào mùa mưa. Có thể trồng cây trụ sống 1-2 năm trước khi trồng tiêu, mỗi năm bón thúc phân cho cây trụ sống từ 2-3 lần. Cần chăm sóc tốt cây trụ sống để cây sinh trưởng tốt đảm bảo yêu cầu leo bám cho cây tiêu. Thời gian đầu, do cây trụ sống còn nhỏ, chưa có chỗ cho tiêu leo bám nên cần trồng cây trụ tạm cùng lúc với trồng tiêu. Cây trụ tạm được trồng cách cây trụ sống 10-15cm, đường kính 10-15cm, chiều cao tính từ mặt đất hơn 3m, cây trụ tạm phải tốt để tiêu có thể leo bám trong vòng 2-3 năm trước khi cây trụ sống đủ lớn cho tiêu leo bám. Khi cây trụ sống đã lớn, buộc cố định cây trụ tạm vào cây trụ sống, chuyển dần dây tiêu trên trụ tạm qua trụ sống. Hãm ngọn cây trụ sống ở độ cao 5m để tiện cho việc thu hoạch tiêu".
Thiết nghĩ, việc sử dụng cây trụ sống cho hồ tiêu là kiểu canh tác bền vững, tạo nên điều kiện sinh thái phù hợp cho phép kéo dài thời gian khai thác vườn tiêu, hạn chế được các bệnh nguy hiểm cho cây tiêu. Ngoài ra việc này không chỉ góp phần ngăn chặn nạn phá rừng lấy gỗ làm trụ hiện nay vốn đã trầm trọng mà còn tiết kiệm một ngân khoản đầu tư rất lớn, nhất là với những nông dân khởi nghiệp trong hoàn cảnh còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, tạo sinh thái bền vững trong việc canh tác cây hồ tiêu hiện nay ở nước ta.
Theo tính toán của bà con nông dân ở Tây Nguyên để trồng được 1ha hồ tiêu với mật độ 2,5 x 2,5m, thì phải đầu tư vào khoảng 100 triệu đồng để mua trụ gỗ, đó là chưa tính đến phân bón, giống. Trong khi đó, nếu trồng bằng trụ cây sống thì chi phí rất ít, chỉ bằng 1/3. Như vậy, việc sử dụng cây sống để làm trụ tiêu không những góp phần giảm chi phí ban đầu cho người sản xuất, mà còn giữ vững môi trường sinh thái, giúp cây tiêu phát triển ổn định.
Bài, ảnh: Bá Thăng