Châu Á căng thẳng vì MERS

Thứ tư, 10/06/2015 08:54

(Cadn.com.vn) - Những ngày tới là thời điểm quan trọng để xác định xem liệu những nỗ lực muộn màng của Nhà Xanh có thể đẩy lùi thành công MERS - căn bệnh đã giết chết 7 người và khiến hơn 100 người khác bị lây nhiễm hay không.

Bất chấp nỗ lực không ngừng nghỉ của chính quyền Tổng thống Park Geun-Hye, đại dịch MERS vẫn lan rộng tại Hàn Quốc, làm bùng nổ làn sóng lo ngại khắp Châu Á.

Một trường học ở Busan, Hàn Quốc cho học sinh đeo khẩu trang khi đến trường hôm 9-6.
Ảnh: AP

Chính phủ Hàn Quốc bị chỉ trích gay gắt

Tính đến ngày 9-6, đã có 7 người chết vì MERS và hơn 100 người khác nhiễm bệnh. Hiện, gần 3.000 người vẫn bị cách ly trong khi 2.200 trường học ở Hàn Quốc phải đóng cửa.

Một nỗi sợ hãi vẫn lan rộng khi diễn biến của MERS rất phức tạp, trong khi chưa có vaccine điều trị và tỷ lệ tử vong ở mức cao - 40%. Một không khí yên ắng và hoang mang bao trùm khắp Hàn Quốc khi người dân tránh đi đến những nơi đông người như công viên hay rạp chiếu phim. Nỗi lo sợ này làm bùng nổ làn sóng chỉ trích gay gắt chính phủ Hàn Quốc và lực lượng nhân viên y tế nước này.

Thất bại của chính phủ Hàn Quốc trong cuộc chiến chống MERS cũng gây tổn hại hình ảnh quốc gia. Các nhà phê bình chỉ trích Nhà Xanh “đang xuất khẩu” virus khi các quốc gia lân cận kiểm tra gắt gao các chuyến đi và đến Hàn Quốc. Tại Hồng Kông, nơi gần 300 người thiệt mạng trong năm 2003 do dịch SARS, giới truyền thông chỉ trích phản ứng lạc lõng và chậm trễ của Hàn Quốc đối với MERS. Trên thực tế, hàng chục ngàn du khách đã hủy bỏ các chuyến đi đến Hàn Quốc.

Để trấn an người dân trong nước và du khách nước ngoài, Hàn Quốc hôm 9-6 tuyên bố sẽ cung cấp thông tin chính xác về diễn biến MERS cho các nước. Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cũng bắt đầu mở trung tâm giải đáp các câu hỏi của người dân nước ngoài liên quan đến MERS theo đề nghị của đại diện ngoại giao đoàn tại Seoul. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Noh Kwang-il cho biết, Hàn Quốc và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang tiến hành cuộc điều tra chung về tình hình dịch bệnh và sẽ sớm công bố kết quả.

Lo ngại về tác động tiêu cực của MERS đối với hình ảnh quốc gia, chính phủ Seoul tuyên bố sẽ tăng cường hợp tác với cộng đồng quốc tế nhanh chóng và hiệu quả hơn. “MERS không nên được xem như là nguồn gây căng thẳng ngoại giao. Thay vào đó, chúng ta nên xem đây là vấn đề xuyên quốc gia để chúng ta nên tăng cường hợp tác quốc tế”, một quan chức Bộ Ngoại giao Hàn Quốc nói.

Các nước cảnh báo cao

Mặc dù WHO hiện chưa đề nghị áp dụng biện pháp hạn chế đến Hàn Quốc, nhưng đang có những lo ngại ngày càng tăng ở khắp Châu Á về sự lây lan của MERS.

Chính quyền Đặc khu hành chính Hồng Kông (Trung Quốc) hiện ban bố cảnh báo đi lại “mức đỏ” nhằm khuyến cáo người dân nên hạn chế đến Hàn Quốc. Hồng Kông cũng đang xem xét buộc tội một người đàn ông Hàn Quốc 44 tuổi cung cấp thông tin sai về việc từng tiếp xúc với bệnh nhân MERS. Người đàn ông này được chẩn đoán nhiễm MERS tại tỉnh Quảng Đông sau khi ông vào Trung Quốc đại lục thông qua Hồng Kông hồi tháng 5. Đài Loan (Trung Quốc) cũng nâng cấp cảnh báo du lịch sang màu vàng. Mức độ vàng được đưa ra khi du khách được khuyên nên “thận trọng đặc biệt” và cân nhắc lại chuyến đi đến một khu vực cụ thể.

Trước đó, để làm dịu cảm giác hoang mang về dịch MERS, Đài Loan tiến hành diễn tập chống nhiễm khuẩn tại một số bệnh viện lớn. Chính quyền Đài Loan cũng duy trì liên lạc chặt chẽ với khoảng 300 sinh viên Hàn Quốc trong nước, xem xét cung cấp khẩu trang chống nhiễm trùng cho các sinh viên người Hàn Quốc về thăm nhà trong kỳ nghỉ hè.

Trước cảnh báo về số lượng người nhiễm MERS ngày càng tăng ở Hàn Quốc, Cơ quan y tế Nhật quyết định tiến hành kiểm tra sức khỏe toàn diện mọi người đi đến từ Hàn Quốc. Ngày 9-6, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida cho biết, Tokyo thành lập các lực lượng đặc nhiệm tại những phái bộ ngoại giao ở Hàn Quốc nhằm hỗ trợ công dân Nhật tại đó đối phó với MERS.

Khả Anh