Châu Âu “đứng ngồi không yên” khi Nga ngừng cung cấp khí đốt

Thứ năm, 14/07/2022 14:35
Đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 1 (Nord Stream 1)-  tuyến đường xuất khẩu khí đốt chính của Nga sang EU - đóng cửa trong 10 ngày để bảo trì thường niên, từ ngày 11-7 đến 21-7. Điều này làm dấy lên lo ngại về nguồn cung cấp khí đốt cho Châu Âu nếu thời gian ngừng hoạt động kéo dài.
Nord Stream 1 ngừng hoạt động để bảo trì đã gây ra sự lo lắng cho các nước châu Âu. Ảnh: Reuters
Nord Stream 1 ngừng hoạt động để bảo trì đã gây ra sự lo lắng cho các nước châu Âu. Ảnh: Reuters

Theo Reuters, Nord Stream 1 vận chuyển 55 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm từ Nga đến Đức dưới Biển Baltic. Đường ống duy nhất và chuyển khí đốt lớn nhất từ Nga đến Đức đã bắt đầu được bảo trì hàng năm vào ngày 11-7. Dòng khí đốt dự kiến sẽ ngừng trong 10 ngày, nhưng các chính phủ, thị trường và các công ty lo ngại việc đóng cửa có thể bị kéo dài vì xung đột ở Ukraine. Châu Âu lo ngại Nga có thể kéo dài thời gian bảo trì theo lịch trình để hạn chế nguồn cung cấp khí đốt của châu Âu hơn nữa, khiến kế hoạch lấp đầy kho dự trữ cho mùa Đông trở nên xáo trộn và làm gia tăng cuộc khủng hoảng khí đốt.

Hồi giữa tháng 6, lưu lượng khí đốt của Nga qua Nord Stream 1 đã bị giảm tới 40% công suất sau khi công ty Siemens của Đức trì hoãn việc đưa tuabin trở lại sau khi sửa chữa ở Canada. Ukraine cũng đã ngừng một tuyến đường vận chuyển khí đốt đến Châu Âu vào tháng 5, đổ lỗi cho sự can thiệp của lực lượng Nga. Trong khi đó, một số quốc gia Châu Âu bị Nga cắt khí đốt do không tuân thủ cơ chế thanh toán bằng đồng ruble. Hiện giờ, khí đốt của Nga chảy sang Tây và Trung Âu thông qua điểm trung chuyển duy nhất ở Ukraine.

Châu Âu lo ngại

Châu Âu đã phải hứng chịu giá khí đốt tăng vọt trong những tháng qua, do cuộc khủng hoảng nhiên liệu trầm trọng khi áp lệnh trừng phạt nhằm vào Nga.

Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cho biết nước này nguy cơ đối mặt với khủng hoảng năng lượng nếu Nga ngừng các dòng khí đốt qua Nord Stream 1 dài hơn thời gian bảo trì theo lịch trình. Nhà chức trách Đức thừa nhận các cơ sở lưu trữ quốc gia hiện chỉ còn khoảng 61% lượng khí đốt, thấp hơn mức thông thường trong mùa này. Nền kinh tế lớn nhất châu Âu chỉ còn đủ trữ lượng khí đốt trong 2 tháng nếu Nga ngừng hoàn toàn nguồn cung. Berlin cũng đã cảnh báo về suy thoái nếu dòng khí đốt của Nga bị ngừng lại. Dữ liệu từ hiệp hội công nghiệp VWB của bang Bavaria cho thấy trong nửa cuối năm nay, nền kinh tế Đức có thể thiệt hại 193 tỷ EUR. Ông Bertram Brossardt, Giám đốc điều hành của VWB cho biết: “Việc Nga ngừng nhập khẩu khí đốt đột ngột cũng sẽ có tác động đáng kể đến lực lượng lao động ở Đức. Khoảng 5,6 triệu việc làm sẽ bị ảnh hưởng bởi hậu quả này".

Điều này cũng gây ra vấn đề cho các quốc gia châu Âu khác sau khi các nhà quản lý Đức cho biết quốc gia này sẽ phải hạn chế xuất khẩu sang các quốc gia như Áo và CH Czech, nếu Nord Stream 1 vẫn tiếp tục bế tắc. Các tác động sẽ rộng hơn. Việc ngừng hoàn toàn sẽ khiến giá khí đốt của châu Âu cao hơn trong thời gian dài hơn, gây ảnh hưởng đến các ngành công nghiệp và các hộ gia đình. Giá khí đốt bán buôn của Hà Lan đã tăng hơn 400% kể từ tháng 7 năm ngoái. Bộ trưởng Năng lượng Hà Lan Rob Jetten cho biết: “Nếu Nord Stream 1 bị ngừng hoàn toàn, hoặc nếu Đức mất toàn bộ lượng hàng nhập khẩu từ Nga, thì tác động sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ khu vực Tây Bắc châu Âu”.

Việc Nga đã khóa van đường ống khí đốt Nord Stream 1 cũng khiến giá điện trên khắp Thụy Điển đã tăng lên mức kỷ lục, đạt đỉnh ở khu vực phía nam của đất nước và vùng Greater Stockholm. Theo đài Sputnik (Nga), giá điện tại nhiều khu vực của Thụy Điển đã vượt 56 cent/kWh, cao hơn hẳn mức giá thông thường của tháng 7 là khoảng gần 4 cent.

Xoay xở thế nào?

Một số quốc gia có các lựa chọn cung cấp thay thế và mạng lưới khí đốt của Châu Âu được liên kết với nhau để nguồn cung cấp có thể được chia sẻ. Na Uy - nhà xuất khẩu lớn thứ hai của Châu Âu sau Nga - đã và đang đẩy mạnh sản xuất để giúp EU hướng tới mục tiêu chấm dứt sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của Nga vào năm 2027. Công ty Centrica của Anh đã ký một thỏa thuận với công ty Equinor của Na Uy để cung cấp thêm khí đốt cho Vương quốc Anh trong ba mùa đông tới. Anh không phụ thuộc vào khí đốt của Nga và cũng có thể xuất khẩu sang Châu Âu qua đường ống. Nam Âu có thể nhận khí Azeri qua Đường ống xuyên Adriatic đến Italia và Đường ống dẫn khí tự nhiên xuyên Anatolian (TANAP) qua Thổ Nhĩ Kỳ.

Mỹ cũng cho biết có thể cung cấp 15 tỉ mét khối khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) cho EU trong năm nay. Các cảng LNG của Châu Âu cho biết đang tìm cách mở rộng nhập khẩu và lưu kho. Đức là một trong những quốc gia muốn xây dựng các cảng LNG mới và lên kế hoạch xây dựng hai cảng chỉ trong hai năm. Ba Lan - quốc gia nhập khoảng 50% lượng khí đốt tiêu thụ trong nước từ Nga (khoảng 10 tỉ mét khối) - cho biết có thể cung cấp khí đốt thông qua đường ống với Đức. Vào tháng 10, một đường ống với công suất 10 tỉ mét khối khí mỗi năm giữa Ba Lan và Na Uy sẽ được khai trương.

AN BÌNH