Châu Phi trước khủng hoảng kinh tế Trung Quốc

Thứ sáu, 28/08/2015 10:21

(Cadn.com.vn) - Dấu hiệu suy thoái kinh tế ở Trung Quốc dẫn đến những lo ngại cho kinh tế toàn cầu, trong đó có Châu Phi - nơi mà Bắc Kinh đã đổ hàng chục tỷ USD đầu tư trong những năm gần đây.

Lo cho đồng rand

Đồng rand của Nam Phi đang gặp khó khăn lớn nhất, bởi đó là đồng tiền duy nhất của Châu Phi được giao dịch trên thị trường. Tiền tệ và các nhà môi giới ngoại hối quyết định giá trị của mỗi loại tiền tệ quốc gia dựa vào bản chất của nền kinh tế, sức mạnh và triển vọng tương lai.

Về vấn đề này, Nam Phi đang cho thấy những dấu hiệu suy yếu về tốc độ tăng trưởng, năng suất các nhà máy thấp và lĩnh vực khai thác mỏ đang trì trệ. Cùng với giá cả các mặt hàng chính như vàng, bạch kim và than đang biến động, các thương nhân cảm thấy mạo hiểm nếu đầu tư vào nền kinh tế Nam Phi. Đây là lý do tại sao đồng rand đã mất gần 8% giá trị trong tuần qua.

Thị trường chứng khoán Nam Phi

Nam Phi chịu tác động thứ cấp trên thị trường chứng khoán. Sở Giao dịch Chứng khoán thành phố Johannesburg (JSE) là thị trường chứng khoán lớn nhất ở Châu Phi và lớn thứ 17 trên thế giới. Điều đó có nghĩa là các Cty niêm yết trên sàn giao dịch được tiếp xúc với người mua và các nhà quản lý quỹ nước ngoài.

Khoảng 40% các giao dịch hàng ngày tại JSE đến từ các thương nhân nước ngoài, chủ yếu ở Châu Âu và Mỹ. Nếu các nhà môi giới nhận thấy, những rủi ro của việc mua cổ phần ở Châu Phi lớn hơn những cơ hội để thu lợi nhuận từ cổ phiếu và trái phiếu, họ sẽ rút các khoản đầu tư. Như vậy, trong một ngày, JSE có thể mất hàng triệu USD.

Suy thoái kinh tế Trung Quốc cũng khiến đồng rand mất giá. Ảnh: BBC

Thương mại và đầu tư

Trung Quốc hiện là đối tác thương mại hàng đầu của hầu hết các nước Châu Phi. Ngoài việc hỗ trợ phát triển, Bắc Kinh cũng có hơn 20 tỷ USD đầu tư tại đây. Bắc Kinh là khách hàng lớn đối với nguồn tài nguyên khoáng sản và dầu của các nước Châu Phi. Vì vậy, trong trung hạn, việc đồng NDT mất giá dẫn đến nhu cầu mua hàng hóa Châu Phi ít hơn- bởi hàng hóa được định giá bằng USD sẽ đắt đỏ hơn.

Nhu cầu thấp hơn có nghĩa là Châu Phi kiếm được ít tiền hơn. Nếu tình trạng này tiếp tục, nền kinh tế các quốc gia Châu Phi sẽ co lại, kho bạc chính phủ các nước này sẽ cháy túi và cuối cùng, họ sẽ phải vay nợ. Tuy nhiên, đó là kịch bản tồi tệ nhất và không có khả năng xảy ra, bởi Liên minh Châu Âu (EU) và Mỹ cũng là đối tác thương mại và là nhà tài trợ lớn cho Châu Phi.

Du lịch

Việc Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới giúp người dân nước này giàu có hơn. Họ có tiền đi du lịch nước ngoài. Châu Phi là địa điểm được du khách Trung Quốc lựa chọn vì sự phong phú của động vật hoang dã tại đây, cũng như giá cả tương đối rẻ. Tình trạng đồng NDT mất giá có nghĩa là người Trung Quốc có ít tiền để chi tiêu, vì vậy họ không thể đi du lịch như trước. Biến động toàn cầu sẽ tạo ra một nguy cơ kép cho ngành công nghiệp du lịch địa phương.

Các khoản cho vay

Các quốc gia như Angola, Zambia và Sudan cũng sẽ gánh chịu những tác động về mặt tài chính. Trung Quốc thỏa thuận mua dầu giá rẻ ở Angola, đổi lại, Bắc Kinh sẽ cung cấp các khoản vay cho các Cty dầu khí quốc gia nước này. Nếu không có tiền từ Trung Quốc, nền kinh tế Angola có thể phải chịu thất bại lớn hơn, sau khi giá dầu giảm 50% hồi đầu năm nay.

Trong khi đó, Zambia - có cộng đồng lớn người nhập cư Trung Quốc - xây dựng thành công các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp bán lẻ và xây dựng. Kinh tế Trung Quốc suy thoái khiến họ mất đi các khoản trợ cấp lớn. Nam Sudan cũng bị ảnh hưởng lớn, bởi Trung Quốc là bên mua dầu mỏ chính của nước này.

An Bình

(Theo BBC)