Chiến công thầm lặng của người chiến sĩ Tự vệ mật
Thực tiễn 30 năm chiến tranh giải phóng ở Đăk Lăk (1945 -1975), ngoài những cuộc đấu tranh chính trị của quần chúng, mũi thọc sâu của bộ đội đặc công, còn có lực lượng Tự vệ mật H6 - Buôn Ma Thuột (sau này là đội Biệt động K2, Buôn Ma Thuột). Với cách đánh táo bạo, mưu trí, linh hoạt họ đã chiến đấu và trưởng thành.
Ông Thạnh bên những Huy chương cao quý bản thân được trao tặng. |
Theo giới thiệu của ông Trần Quốc Nhật - Bí thư Đảng ủy xã Hòa Sơn tôi tìm gặp ông Nguyễn Văn Thạnh (68 tuổi, 45 năm tuổi Đảng, thương binh 4/4, trú thôn 5, xã Hòa Sơn, Krông Bông, Đăk Lăk), nguyên chiến sỹ đội Tự vệ mật H6 - Buôn Ma Thuột. Mặc dù sắp bước sang tuổi thất thập, nhưng sự điềm đạm, nhanh nhẹn của một người từng hoạt động bí mật trong lòng thành phố vẫn còn trong ông như thời trai trẻ. Ông Thạnh cho biết: Tháng 5-1965 cả vùng đất rộng lớn từ vùng 4 B5 đến Yang Reh được giải phóng, địch đã dồn ép hầu hết đồng bào các dinh điền đưa vào khu tập trung Tình Thương (nay là xã Hòa Đông, Krông Păk), nhưng với cương vị là một đảng viên, nên cha ông đã lãnh đạo 20 gia đình sơ tán vào chân núi buôn Lum (nay thuộc xã Ea Trul) - nơi đóng quân của cơ quan Thị ủy H6 - Buôn Ma Thuột, lập làng chiến đấu. Phát huy truyền thống của gia đình, năm 1967 khi mới tròn 15 tuổi ông thoát ly vào đội Tự vệ mật H6 được cấp trên phân công làm nhiệm vụ móc ráp xây dựng cơ sở bí mật trong lòng địch, chuyển công văn, tài liệu từ Buôn Ma Thuột ra vùng giải phóng và ngược lại. Sau khi Tỉnh ủy Đăk Lăk thành lập đội Biệt động với mật danh K2 ông được biên chế về hoạt động tại vùng Đạt Lý 2 (xã Hòa Thuận, Buôn Ma Thuột ngày nay).
Trong những năm hoạt động trong lòng địch, ông cùng đồng đội tham gia hàng chục trận đánh, có những chiến công không bao giờ phai mờ trong tâm tưởng của ông, đó là việc nhận nhiệm vụ tiêu diệt Trưởng Ty Cảnh sát Đăk Lăk (Tư Điền). Đây là một tên ác ôn ức hiếp dân lành, chỉ cần người dân có thái độ phản kháng là y sẵn sàng rút súng bắn ngay tại chỗ không cần lý do. Đội tự vệ mật của ông được lệnh theo dõi lên kế hoạch tiêu diệt kẻ ác ôn để trừ hậu họa, thế nhưng với bản chất gian xảo, là một Trưởng Ty Cảnh sát nhưng Tư Điền không ở cố định tại Buôn Ma Thuột, mà thường xuyên đi về Sài Gòn sinh sống, mỗi bước đi của y đều có 4 cận vệ đi cùng, vì thế việc trừ khử phải tính toán kỹ lưỡng.
Qua theo dõi nắm rõ quy luật đi về, vào một ngày tháng 5 năm 1968, được tin mật báo của cơ sở Trưởng ty Cảnh sát (Tư Điền) đang có mặt tại Nhà hàng Khách sạn Hoàng Gia, đội Tự vệ của ông gồm có 5 người, trong đó có 1 đồng chí nữ, do đồng chí Lạng chỉ huy, cải trang vào nhà hàng tiếp cận chờ thời cơ ra tay tiêu diệt. Với dáng vẻ bề ngoài là những người trí thức, ăn mặc lịch sự nên Tư Điền không đề phòng, đồng chí Lạng đến ngồi trực diện làm quen với y, ba đồng chí khác chia nhau ngồi chung bàn với 4 tên cận vệ, còn ông Thạnh được phân công đứng bên cửa cảnh giới và sẵn sàng chở đồng đội tẩu thoát khi hoàn thành nhiệm vụ.
Kế hoạch chu đáo, khi Tư Điền ngà ngà say, thời cơ đã chín muồi, đồng chí Lạng rút súng chĩa vào mặt và gọi to 2 tiếng "Tư Điền", y chưa kịp phản kháng thì hai phát súng bắn thẳng vào ngực khiến y chết tại chỗ, đồng thời các đồng chí còn lại khống chế những tên cận vệ. Nghe tin Tư Điền bị ám sát, địch tung lực lượng bao vây truy lùng nhưng vô vọng vì sau khi hoàn thành nhiệm vụ, cả tổ Tự vệ đã nhanh chóng trở về cơ sở thay quần áo rồi đến xem như không có chuyện gì xảy ra.
Chuyện cải trang đột nhập vào căn cứ quân sự của địch vẽ sơ đồ cũng để lại trong ông Thạnh nhiều ấn tượng: Chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, ông được tổ chức phân công vẽ sơ đồ các khu quân sự của địch như: Sư 23 Bộ binh, khu Thiết giáp, Băng Ga Lô kho Mai Hắc Đế. Năm đó ông vẫn còn độ tuổi thiếu niên, nên sau khi nhận nhiệm vụ, ông không khỏi lo âu, vì các khu quân sự đó được canh gác nghiêm ngặt, không dễ gì để vào được bên trong. Sau nhiều đêm suy nghĩ, ông quyết định cải trang buổi sáng đi bán bánh mì, buổi trưa đi bán kem, rồi tìm cách lân la làm quen với con em của một số sỹ quan, hạ sỹ quan trong đồn. Khi lấy được lòng tin ông nhờ chúng dẫn vào đồn giới thiệu bán bánh mì, bán kem, thấy ông còn nhỏ nên chúng không đề phòng. Để vẽ được chính xác các mục tiêu, vị trí đặt hỏa lực của địch, khi đi đến các vị trí đó ông phải đếm thầm từng bước chân để tính toán cự ly, sau đó tối về nhà nhớ lại và vẽ đầy đủ từng chi tiết. Khó khăn là vậy nhưng chỉ trong vòng một tháng ông đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Từ đó cho đến ngày thống nhất đất nước ông Thạnh cùng đồng đội trong lực lượng Biệt động K2 còn tham gia nhiều trận đánh, làm tiêu hao nhiều sinh lực địch. Sau 1975 ông được phân công vào các đội công tác chống Fulro cho đến năm 1983, vì lý do sức khỏe ông xin nghỉ việc về địa phương. Ông Thạnh được tặng thưởng Huân chương chống Mỹ cứu nước hạng Ba, Huân chương Quyết thắng hạng nhất, Huy chương kháng chiến hạng nhất và huy hiệu 40 năm tuổi Đảng.
Mai Viết Tăng