Chiến sự Israel - Hamas: Israel tuyên bố chiến dịch quân sự bước sang giai đoạn mới

Thứ hai, 30/10/2023 09:06
Ngày 28-10, Israel thông báo chiến dịch tấn công phong trào Hồi giáo Hamas ở Dải Gaza đã bước sang giai đoạn mới sau khi quân đội nước này liên tục oanh kích dải đất hẹp này.
Xe quân sự của Israel di chuyển tại thành phố miền Nam Sderot, giáp Dải Gaza hôm 28-10. Ảnh: AFP
Xe quân sự của Israel di chuyển tại thành phố miền Nam Sderot, giáp Dải Gaza hôm 28-10. Ảnh: AFP

Trong thông báo bằng video, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant cho biết lực lượng quân đội nước này đã thực hiện các cuộc tấn công trên bộ và dưới lòng đất, nơi mà phong trào Hamas xây dựng các đường hầm quân sự, trong đêm 27-10. "Chúng tôi tấn công trên mặt đất và dưới mặt đất, chúng tôi tấn công các thành phần khủng bố ở mọi cấp độ, ở mọi nơi. Mệnh lệnh cho các lực lượng rất rõ ràng: Chiến dịch sẽ tiếp tục cho đến khi có lệnh mới", ông Gallant nêu rõ.

Giai đoạn 2 của cuộc chiến bắt đầu

Trong khi đó, khi còi báo động vang lên ở miền trung Israel vào tối 28-10, Thủ tướng Benjamin Netanyahu tuyên bố, giai đoạn thứ hai của chiến dịch tiêu diệt Hamas đã bắt đầu bằng một cuộc tấn công trên bộ mở rộng vào Dải Gaza. Cùng với Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant và Bộ trưởng Nội các chiến tranh Benny Gantz tại cuộc họp báo ở Tel Aviv, ông Netanyahu tuyên bố: "Đây là giai đoạn thứ hai của cuộc chiến với mục tiêu rõ ràng - tiêu diệt năng lực quản lý và quân sự của Hamas và đưa con tin về nhà".

Ông nói thêm rằng quyết định bắt đầu các chiến dịch trên bộ đã được cả nội các chiến tranh và nội các an ninh nhất trí đưa ra. Ông Netanyahu lập luận: "Việc mở rộng cuộc tấn công trên bộ không hề ảnh hưởng đến khả năng của chúng tôi trong việc trao trả con tin". Ông cũng nhắc đến việc được đề nghị về một thỏa thuận "tất cả đổi lấy tất cả" nhằm trả tự do cho tất cả con tin cũng như tự do cho tất cả tù nhân an ninh Palestine trong các nhà tù của Israel, một quan điểm mà giới lãnh đạo Hamas cũng kêu gọi.

Ông Netanyahu cho biết giai đoạn đầu của cuộc chiến - được phát động sau khi Hamas mở đợt tấn công hôm 7-10 - là một chiến dịch không kích lớn "để cho phép lực lượng mặt đất của chúng tôi tiến vào". Người đứng đầu nội các Israel nói thêm rằng cuộc chiến sẽ "kéo dài và khó khăn, và chúng tôi đã sẵn sàng. Đây là cuộc Chiến tranh giành độc lập thứ hai của chúng ta. Chúng ta sẽ chiến đấu để bảo vệ quê hương. Chúng ta sẽ chiến đấu và sẽ không rút lui".

Tiến vào Gaza

Quân đội Israel (IDF) gần đây mở các đợt tiến công cục bộ nhằm vào Dải Gaza, trong đó có các đợt tấn công chớp nhoáng nhằm vào miền bắc và miền trung khu vực. Chiến dịch được đẩy mạnh hôm 27-10, khi quân đội Israel tăng cường không kích và điều binh sĩ và xe tăng vào Gaza, tập trung nhắm mục tiêu vào cơ sở hạ tầng, trong đó có mạng lưới đường hầm. Hamas cho biết đã giao chiến với binh sĩ Israel. Lực lượng mặt đất, bao gồm bộ binh, lực lượng công binh chiến đấu và xe tăng, của Israel đã tiến vào Gaza vào tối 27-10 và ở lại đó trong ngày 28-10, hoạt động sâu hơn bên trong lãnh thổ do Hamas quản lý so với các cuộc triển khai hạn chế trước đó. Điều này đánh dấu đây là hoạt động trên bộ quy mô nhất tại đây kể từ khi xung đột bùng nổ hôm 7-10. Tuy nhiên, IDF nói rằng đây chưa phải là chiến dịch tổng lực trên bộ mà họ lên kế hoạch.

Mạng điện thoại và dịch vụ Internet tại Gaza đã ngừng hoạt động từ đêm 27-10 và hầu hết người dân ở đây không thể liên lạc qua điện thoại. Tình trạng mất sóng diện rộng đã gây ra nỗi sợ hãi và hoảng loạn ở Gaza, do mọi người gặp khó khăn liên hệ với gia đình và bạn bè giữa những đợt oanh tạc.

Philippe Lazzarini, người đứng đầu UNRWA, cơ quan Liên Hợp Quốc về người Palestine, đã công bố bức thư ngỏ gửi các nhân viên, trong đó ông gọi việc mất liên lạc là "một hành động nữa nhằm cố gắng cản trở hoạt động nhân đạo đối với dân thường ở Dải Gaza". Ông Lazzarini cho biết, hiện nay mới chỉ có thể liên lạc với một số nhân viên ở Rafah, gần biên giới Ai Cập bằng điện thoại vệ tinh. Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cũng cho biết trên mạng xã hội X rằng, việc mất liên lạc "khiến xe cấp cứu không thể tiếp cận người bị thương" và không thể đưa bệnh nhân đến nơi an toàn. Tương tự, UNRWA, WHO cũng cho biết họ chưa thể liên lạc được với nhân viên và các cơ sở ở Gaza 12 tiếng sau khi mất kết nối.

AN BÌNH

Bị tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ gọi là "tội phạm chiến tranh", Israel trả đũa

Bộ Ngoại giao Israel yêu cầu tất cả các đại diện ngoại giao tại Thổ Nhĩ Kỳ về nước. Động thái trả đũa việc Tổng thống Tayyip Erdogan nói nước này hành xử như "tội phạm chiến tranh".

Ngày 28-10, phát biểu trước đám đông ủng hộ người Palestine ở Istanbul, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng Israel hành xử như một "tội phạm chiến tranh" và "cố gắng" tiêu diệt người Palestine. Tổng thống Erdogan chỉ trích Israel "là bên xâm lược", đồng thời nhấn mạnh phong trào Hồi giáo vũ trang Hamas không phải là một tổ chức khủng bố. Bên cạnh đó, ông Erdogan còn nói rằng phương Tây phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về cảnh đổ máu ở Gaza. Đầu tuần qua, ông cũng tuyên bố hủy kế hoạch đến thăm Israel vì cuộc chiến "vô nhân đạo" của nước này. Hôm 26-10, ông Erdogan cho rằng các cuộc tấn công của Israel vào Dải Gaza "đã vượt quá giới hạn tự vệ" và bây giờ đó là "sự áp bức tàn bạo, tàn sát và dã man". Trước đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đã bày tỏ sự ủng hộ dành cho Hamas ở Gaza. Phía Israel khi đó cũng đã lên tiếng phản đối gay gắt quan điểm của ông Erdogan.

Trước những tuyên bố nghiêm trọng từ Thổ Nhĩ Kỳ, tôi đã yêu cầu các đại diện ngoại giao về nước để tiến hành đánh giá lại mối quan hệ giữa Israel và nước này" - Ngoại trưởng Israel Eli Cohen thông báo trên mạng xã hội X, một động thái đáp trả những phát ngôn của Tổng thống Tayyip Erdogan. Theo AFP, thực tế Israel đã ra lệnh cho các nhân viên ngoại giao rời khỏi Thổ Nhĩ Kỳ và một số nước khác trong khu vực như một biện pháp phòng ngừa an ninh từ đầu tháng 10. Nhưng tuyên bố mới nhất của Israel đã bổ sung thêm một khía cạnh ngoại giao mới cho việc triệu các nhân viên ngoại giao về nước. B.N