Chiến sự Israel - Hamas: Khủng hoảng nhân đạo lan rộng tại Dải Gaza

Thứ sáu, 13/10/2023 09:13
Cuộc xung đột giữa Hamas - Israel đang đẩy người dân ở Dải Gaza vào thảm họa nhân đạo ngày càng trầm trọng hơn. Toàn bộ Dải Gaza mất điện trong khi các hoạt động viện trợ nhân đạo quốc tế đến khu vực này gặp trở ngại.
Cuộc xung đột giữa Israel-Hamas khiến nhiều người thương vong và phá huỷ nhiều cơ sở hạ tầng tại khu vực. Ảnh: Reuters
Cuộc xung đột giữa Israel-Hamas khiến nhiều người thương vong và phá huỷ nhiều cơ sở hạ tầng tại khu vực. Ảnh: Reuters

Gaza bị cắt toàn bộ điện nước

Bộ trưởng Năng lượng Israel Israel Katz ngày 11-10 xác nhận nước này đang chặn nguồn cung nước, điện và nhiên liệu vào Dải Gaza, nơi có mật độ dân cư đông đúc. Bộ trưởng Katz cảnh báo, Israel sẽ "tiếp tục thắt chặt vòng vây cho đến khi mối đe dọa Hamas được loại bỏ". "Trong nhiều năm, chúng tôi đã cung cấp điện, nước và nhiên liệu cho Gaza. Thay vì nói lời cảm ơn, họ đã đưa hàng nghìn quân tấn công người dân. Đó là lý do chúng tôi quyết định dừng nguồn cung nước, điện và nhiên liệu và bây giờ nhà máy điện địa phương của họ đã bị sập và không có điện ở Gaza", Bộ trưởng Israel cho biết thêm.

Cùng ngày, người đứng đầu chính quyền Dải Gaza, Jalal Ismail, cho biết điện lưới khu vực đã sập hoàn toàn sau khi nhà máy điện duy nhất dừng hoạt động vì thiếu nhiên liệu trong bối cảnh Israel phong tỏa toàn bộ vùng đất này. Ông Ismail cho biết, người dân Gaza vẫn có thể sử dụng máy phát điện, nhưng trong bối cảnh Dải Gaza bị phong tỏa như hiện nay, nhiên liệu cho máy phát điện cũng cạn kiệt. "Dải Gaza có nguy cơ chìm trong bóng tối hoàn toàn, khiến mọi dịch vụ cơ bản không thể tiếp tục vì tất cả đều phụ thuộc vào điện. Tình huống tàn khốc này tạo ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo cho tất cả người dân ở Dải Gaza", ông Ismail cảnh báo.

Tìm cách mở hành lang nhân đạo

Ngày 11-10, Nhà Trắng cho biết Mỹ đang chủ động phối hợp với Israel và Ai Cập để mở hành lang an toàn dân sự từ Dải Gaza trong bối cảnh xung đột tiếp diễn giữa Hamas và Israel khiến hàng nghìn người thiệt mạng ở cả hai bên. Hiện các cuộc đàm phán hòa giải trong khu vực (do Ai Cập, Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ dẫn dắt, với sự ủng hộ từ Saudi Arabia và Mỹ) đang tập trung vào các vấn đề mở hành lang an toàn để sơ tán người nước ngoài từ Dải Gaza, đưa cứu trợ nhân đạo khẩn cấp tới vùng này thông qua cửa khẩu trên biên giới Rafah của Ai Cập và tìm kiếm một lệnh ngừng bắn nhân đạo trên Dải Gaza cũng như các vùng xung quanh. Theo các nguồn thạo tin, phong trào Hamas và các cơ quan đại diện người Palestine nhất trí phối hợp với các nỗ lực hòa giải trong khi Chính phủ Mỹ và các nước Arab đang hối thúc Israel tích cực tham gia để sớm triển khai kế hoạch.

Cùng ngày, trong cuộc điện đàm với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman khẳng định vương quốc này đang nỗ lực cả ở cấp khu vực và quốc tế nhằm ngăn xung đột Israel-Hamas leo thang. Về phần mình, Tổng thống Erdogan cho biết Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt đầu triển khai viện trợ nhân đạo cho dân thường chịu ảnh hưởng của chiến sự. Cùng chung quan điểm, trong cuộc điện đàm với các lãnh đạo nước ngoài, Quốc vương Jordan Abdullah II đã nhấn mạnh sự cần thiết của việc cộng đồng quốc tế giúp chấm dứt leo thang căng thẳng tại Dải Gaza, bảo vệ dân thường, cũng như ngăn chặn vòng luẩn quẩn của bạo lực trong khu vực.

Theo AFP, trong bối cảnh xung đột leo thang, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 11-10 đã lên đường tới Israel nhằm thể hiện sự ủng hộ đối với quốc gia Do Thái này. Trước đó, trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, Tổng thống Joe Biden đã khẳng định Mỹ sẽ gửi thêm viện trợ quân sự cho Israel. Theo hãng tin Reuters, dự kiến Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas sẽ có cuộc gặp với Ngoại trưởng Mỹ Blinken vào ngày 13-10.

Trong một động thái nhằm thể hiện sự ủng hộ với Israel, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đang lên kế hoạch thăm quốc gia Do Thái này. Theo cổng thông tin Axios, hiện Văn phòng của Tổng thống Zelensky đã gửi yêu cầu chính thức tới Văn phòng Thủ tướng Israel đề nghị sắp xếp chuyến thăm.

Trong nỗ lực nhằm tìm ra giải pháp cho tình hình hiện nay, Hội đồng Bảo an LHQ sẽ nhóm họp vào chiều 13-10 để thảo luận về xung đột giữa Israel và Hamas tại Gaza.

Israel quyết “xóa sổ” Hamas

Ngày 11-10, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố thành lập "chính phủ khẩn cấp" thời chiến để chỉ đạo cuộc chiến chống lại lực lượng Hamas. Trong tuyên bố sau quyết định trên, Bộ trưởng Quốc phòng Gallant cảnh báo: "Chúng tôi sẽ xóa sổ Hamas. Lực lượng này sẽ không còn tồn tại".

Theo số liệu mới nhất của Bộ Y tế Palestine, ít nhất 1.100 người Palestine, trong đó có 326 trẻ em, đã thiệt mạng kể từ khi xung đột bắt đầu bùng phát hôm 7-10. Ngoài ra, hơn 5.300 người khác bị thương. Những con số này có thể sẽ tăng lên khi Israel tiếp tục tiến hành các cuộc không kích vào vùng lãnh thổ đông dân cư ở Gaza. Về phía Israel, ít nhất 1.300 người đã thiệt mạng và hơn 3.200 người bị thương. Giới quan sát bày tỏ lo ngại về nguy cơ một cuộc chiến kéo dài và lan rộng. Trong khi Hamas tấn công vào miền Nam Israel, miền Bắc nước này cũng liên tục hứng rocket và đạn pháo từ lực lượng vũ trang Hezbollah ở Lebanon, Syria.

AN BÌNH