Chiến trường K, ngày ấy... (Kỳ cuối: Sâu nặng lời tri ân)

Thứ sáu, 19/10/2018 08:30

Những phận người sau ngày trở về!

Trở về từ chiến trường biên giới Tây Nam, không phải ai cũng may mắn thành đạt hoặc có được mái ấm hạnh phúc gia đình của riêng mình.

Anh Nguyễn Văn Hiền, cán bộ LĐ-TB&XH xã Hòa Tiến thăm hỏi gia đình ông Đặng Văn Toản. 

Hôm theo chân anh Nguyễn Văn Hiền, cán bộ LĐ-TB&XH xã Hòa Tiến (H.Hòa Vang) về thôn An Trạch gặp cựu thanh niên xung phong (TNXP) Đặng Văn Toản, dù đã được nghe kể sơ qua cuộc đời của ông nhưng tôi vẫn không khỏi ngỡ ngàng, chạnh lòng khi bước vào nhà. Trên chiếc giường đặt ngay tại phòng khách, người em gái của ông (60 tuổi) bị bệnh tâm thần nằm cười vô ưu. Phòng trong, người mẹ già hơn 90 tuổi đang chuẩn bị nghỉ trưa, khẽ khàng ngồi dậy vì nghe có khách. Anh Hiền cho biết, sau khi phục vụ chiến trường K trở về, vì hoàn cảnh gia đình, ông Toản không lập gia đình, ở vậy chăm sóc mẹ và em gái bị bệnh. Cuộc sống gia đình ông lâu nay vô cùng chật vật nhưng suốt buổi chuyện trò, ông không hề ca thán, kể khổ. Hỏi vì sao không lập gia đình, ông cười hiền lành: "Hồi mới về lại địa phương, mình vẫn còn trẻ nên lo làm ăn phụ giúp gia đình. Thời đó còn khó khăn nên cứ lần lữa mãi, rồi tuổi xuân trôi qua, đến lúc nhìn lại thì...".

Anh Nguyễn Văn Hiền cho biết thêm, ở thôn An Trạch còn có ông Nguyễn Tề- cùng tiểu đội với ông Toản, cùng hoàn cảnh khó khăn. Từ chiến trường trở về, ông lập gia đình nhưng vợ không may qua đời, ông ở vậy "gà trống nuôi con". Hôm tôi nhờ anh Hiền dẫn tới nhà thì ông đi miền Nam chăm cháu ngoại mới sinh. So với ông Toản,  ông Huỳnh Mẫn có may mắn hơn là đã lập gia đình. Tuy nhiên,  những trận sốt rét rừng khiến sức khỏe yếu, không làm được việc nặng, ông chọn nghề xe thồ mưu sinh. Cuộc sống tuy chật vật nhưng ông không hề than thở. Ông bảo: "Thời đó ai mà chẳng khó khăn, vất vả nên tôi quen rồi. Bây giờ khó khăn cũng đã qua, các con đã khôn lớn. Giờ tôi vẫn chạy xe ôm, chở hàng ra chợ cho vợ bán. Cuộc sống tuy chẳng bằng ai nhưng cũng không đến nỗi nào". Nghe ông chia sẻ, chợt nhớ cách đây 3 năm khi tìm đến nhà ông Lê Đức Lúa ở đường Lim Lạc 10 (Hòa Xuân, Cẩm Lệ), thấy tôi nhìn ngôi nhà mới xây chưa sơn vôi, vợ ông cười cho biết, phải sau 11 lần làm, gia đình họ mới được ở trong ngôi nhà xây như thế. Họ không than khó, chỉ tự nhủ phải sống sao cho xứng đáng với thời hoa đỏ đã qua.

Ông Huỳnh Mẫn run run khoe quyết định giải quyết hỗ trợ chính sách theo QĐ 62 của Thủ tướng Chính phủ. Ảnh: P.T 

Những chính sách nghĩa tình

Qua trao đổi với ông Đinh Thái Hoàng- Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP, được biết, có 2 cơ quan chủ trì giải quyết chế độ chính sách cho các đối tượng thuộc diện được trợ cấp theo Quyết định 62 của Thủ tướng Chính phủ. Đối với bộ đội phục viên xuất ngũ thì do cơ quan quân sự cấp quận, huyện, TP giải quyết. Theo ông Hoàng, số người còn sống được giải quyết diện này trên địa bàn TP khoảng hơn 6.000 người. Còn Sở  LĐ-TB&XH TP chủ trì giải quyết cho lực lượng TNXP, công nhân ở các đơn vị tham gia các chiến dịch ở biên giới và chiến trường K. Tuy số lượng người thuộc diện này trên địa bàn TP không nhiều như các địa phương giáp biên giới, nhưng đa số khi trở về đều không giữ giấy tờ gì để chứng minh đã từng tham gia. Vì thế, trong quá trình giải quyết chế độ cho những trường hợp này,  Sở LĐ-TB&XH TP cũng gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, với tinh thần trách nhiệm của người làm công tác chính sách, cũng là cách để tri ân với những cống hiến của thế hệ thanh niên tham gia làm nghĩa vụ quốc tế cũng là để gìn giữ hòa bình cho đất nước, ngoài việc phối hợp với các đơn vị chức năng nghiên cứu hồ sơ về lực lượng TNXP giai đoạn này, Sở đã nghiên cứu để có cách giải quyết vừa hợp tình, hợp lý mà vẫn không làm sai nguyên tắc, quy định. Theo đó, Sở đã phối hợp cùng các đơn vị liên quan, chính quyền địa phương, đặc biệt là những người từng là chỉ huy Đại đội TNXP Hòa Vang ngày ấy để có thêm cứ liệu trong quá trình giải quyết.

"Qua nghiên cứu lịch sử của lực lượng TNXP giai đoạn này (từ 1977 đến 1979), chúng tôi được biết, tỉnh QN-ĐN có thành lập 3 Tiểu đoàn TNXP, trong đó có Tiểu đoàn Võ Duy Hưng và Tiểu đoàn Nguyễn Văn Trỗi. Những người tham gia trong 2 tiểu đoàn này,  một số hiện ở Q.Liên Chiểu, một số ở xã Hòa Tiến, Hòa Châu (Hòa Vang). Qua tìm hiểu về bộ phận lãnh đạo từ Trung đội trở lên hiện vẫn còn sống, chúng tôi biết có ông  Dương Thành Thị, nguyên Đại đội TNXP Hòa Vang thuộc Tiểu đoàn TNXP Võ Như Hưng, nay là Chủ tịch HĐND Q.Liên Chiểu... Họ có thành lập Ban liên lạc Đại đội TNXP H.Hòa Vang hẳn hoi. Chúng tôi nhờ họ liên lạc, tập hợp mời số người này lại để nghe họ trình bày rồi hướng dẫn cho họ cách làm hồ sơ, bản kê khai, kết hợp sự xác nhận của nguyên lãnh đạo hồi còn ở TXNP tham gia chiến trường K. Sau đó, chúng tôi tổ chức họp rộng rãi, lấy ý kiến rồi giao về cho Ban Hội đồng xét duyệt chính sách người có công của xã, phường có đối tượng trong diện xem xét, lập hồ sơ lên. Trên cơ sở hệ thống đó, Sở làm được hồ sơ để giải quyết chế độ chính sách cho họ. Trong quá trình giải quyết chế độ cho số đối tượng này, phải nói rằng, ông Dương Thành Thị rất nhiệt tình giúp đỡ, cung cấp các thông tin.

Thông qua đó giúp chúng tôi tìm gặp thêm một số người khác để xác minh. Mừng là hầu hết lãnh đạo các đại đội này đều còn sống..."- ông Thái Đình Hoàng chia sẻ về cách làm của ngành LĐ-TB&XH TP. Sau khi giải quyết xong diện TNXP, năm 2017, qua đơn xin giải quyết của công dân từng tham gia chiến trường K với tư cách là công nhân cầu đường của Giao thông đường bộ 5, Sở tiếp tục giải quyết cũng như cách làm với lực lượng TNXP. Ông Đinh Thái Hoàng cho biết, do từng ở trong quân đội nên rất hiểu được những gian nan, vất vả của thế hệ TNXP ngày ấy. Ngoài việc giải quyết chế độ hưởng một lần, được cấp thẻ BHYT, Sở còn tham mưu, đề xuất TP tặng quà vào dịp tết, kể cả đối với lực lượng quân đội phục viên xuất ngũ. "Tuy chính sách hỗ trợ một lần không nhiều, nhưng kèm theo đó là thẻ BHYT, rồi được tặng quà tết nên họ phấn khởi, thấy vinh dự lắm. Có người ở Hòa Tiến còn dặn cán bộ xã, bữa nào ông Hoàng về xã nhớ nói bọn tui. Bọn tui vây lại "tấn" cho ông một bữa". Hôm gặp tôi, ông Toản, ông Mẫn vui mừng lắm cho biết mình đã được nhận chế độ chính sách hỗ trợ một lần dành cho những người từng tham gia chiến trường K. Cầm tờ quyết định trên tay, ông Huỳnh Mẫn cứ run run. Nhìn sâu vào đôi mắt ông, tôi cảm nhận được niềm vui khó diễn đạt thành lời.

Theo số liệu do ngành LĐ-TB&XH TP cung cấp, tính đến thời điểm này, đã có 175 trường hợp là lực lượng TNXP và công nhân viên chức tham gia chiến trường K được giải quyết trợ cấp một lần, trong đó, chỉ có 69 trường hợp có hồ sơ gốc, còn lại đều không có hồ sơ đã được lãnh đạo đơn vị cũ cùng chính quyền địa phương xác nhận. Có 3.750 trường hợp được cấp thẻ BHYT. "Đã từng đi bộ đội nên tôi rất hiểu nỗi niềm của họ. Chúng tôi làm rất kỹ, nghe phản ánh có trường hợp nào là tới nơi để tìm hiểu, giải quyết. Đó cũng là cách để chúng ta tri ân cho những gì mà họ đã cống hiến tuổi thanh xuân vì sự bình yên của Tổ quốc, vì sự bình yên của nước bạn..."- ông Hoàng bộc bạch. Nói về cách mà Sở LĐ-TB&XH TP đã làm để giải quyết cho những trường hợp này, ông Nguyễn Văn Hiền- cán bộ LĐ-TB&XH TP xã Hòa Tiến cho rằng đó là cách làm rất nhạy bén, thấu tình, đạt lý, làm ấm lòng những thanh niên ngày ấy đã không ngần ngại dấn thân với bầu nhiệt huyết tuổi trẻ, sẵn sàng chấp nhận hy sinh vì lý tưởng sống đẹp, sống cống hiến.

Ghi chép: P.Thủy