Chính phủ Đức sụp đổ: Tác động lan tỏa với châu Âu
Sự kiện chính phủ liên minh dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Olaf Scholz sụp đổ đã tạo ra những tác động sâu rộng, ảnh hưởng đến không chỉ nền chính trị trong nước mà còn cả các mối quan hệ quốc tế và sự ổn định của Liên minh châu Âu (EU).
Chính trường Đức ghi nhận những diễn biến mới với việc Quốc hội liên bang bỏ phiếu tín nhiệm đối với chính phủ thiểu số theo đề nghị của Thủ tướng Đức Olaf Scholz. Kết quả không nằm ngoài dự đoán, chính phủ liên minh ba đảng (Dân chủ Xã hội - SPD, đảng Xanh và Dân chủ Tự do - FPD) đã không có được số phiếu ủng hộ quá bán và Thủ tướng Scholz phải yêu cầu Tổng thống Frank-Walter Steinmeier giải tán quốc hội để tổ chức bầu cử sớm vào ngày 23-2-2025 tới, tức là sớm khoảng 9 tháng so với kế hoạch.
Theo Luật Cơ bản (Hiến pháp) của Đức, sau khi nhận được yêu cầu của thủ tướng, Tổng thống Đức sẽ ra quyết định giải tán quốc hội liên bang trong vòng 21 ngày và cuộc tổng tuyển cử mới sẽ được tổ chức trong vòng 60 ngày sau đó. Hiện các chính đảng đang tích cực chuẩn bị và sẽ sớm công bố chương trình tranh cử. Sau cuộc bỏ phiếu tín nhiệm, Thủ tướng Scholz vẫn sẽ giữ quyền điều hành chính phủ liên minh, hiện chỉ còn hai đảng SPD và đảng Xanh, cho tới khi chính phủ mới được thành lập sau cuộc bầu cử liên bang năm sau. Tuy nhiên, kết quả cuộc bỏ phiếu tín nhiệm đánh dấu sự kết thúc chính thức của chính phủ liên minh.
Cuộc bầu cử, dự kiến diễn ra vào ngày 23-2-2025, sẽ là cuộc bầu cử sớm thứ tư trong 75 năm kể từ khi nhà nước Đức hiện đại được thành lập. Khoảnh khắc này phản ánh một kỷ nguyên mới của nền chính trị chia rẽ và bất ổn ở một quốc gia từ lâu đã nổi tiếng với các liên minh bền vững được xây dựng dựa trên sự đồng thuận chậm chạp. Sự bất ổn chính trị của đất nước có khả năng kéo dài một tháng hoặc lâu hơn, với một chính phủ thường trực mới sẽ không được thành lập cho đến khi các đảng đạt được thống nhất về một liên minh, có thể là vào tháng 4 hoặc tháng 5 năm tới.
Có thể thấy nền dân chủ lâu đời nhất châu Âu đang trải qua một giai đoạn bất ổn chính trị nghiêm trọng. Nhưng bất ổn tại Đức không chỉ dừng lại ở phạm vi quốc gia mà còn lan rộng sang châu Âu. Trong EU, khủng hoảng chính trị đang làm suy yếu vị thế của Đức một cách đáng kể. Tiến sĩ Jana Puglierin, học giả chính sách cấp cao tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu, nhận định rằng nếu các cuộc đàm phán liên minh kéo dài mà không có giải pháp hiệu quả, nước Đức có thể rơi vào tình trạng bế tắc chính trị kéo dài. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến nội bộ nước Đức mà còn gây tác động trong toàn bộ cơ cấu chính trị của EU. Đáng chú ý, khủng hoảng chính trị tại Đức diễn ra trong bối cảnh Pháp cũng trải qua tình trạng chính trị không ổn định. Điều này cũng đang làm dấy lên lo ngại về khả năng lãnh đạo của EU.
B.N