Chưa thấy “ánh sáng cuối đường hầm”
(Cadn.com.vn) - Bạo lực lại bùng lên trong ngày 21-2 trong bối cảnh chính quyền Ukraine tuyên bố đạt được thỏa thuận sơ bộ nhằm giải quyết khủng hoảng biểu tình đổ máu.
Tổng thống Ukraine ngày 21-2 tuyên bố đạt được thỏa thuận sơ bộ nhằm chấm dứt cuộc chiến giữa cảnh sát và người biểu tình.
Tuy nhiên, ngay sau tuyên bố này, người biểu tình Ukraine lại nổ súng vào cảnh sát ở khu vực giữa Quảng trường Độc lập và Tòa nhà Quốc hội, nhen nhóm lo ngại về đợt xung đột đẫm máu khác. Tính riêng trong ngày 20-2, có ít nhất 70 người chết, trở thành ngày đẫm máu nhất Ukraine kể từ sau sự tan rã của Liên Xô. Phe đối lập cho rằng, ít nhất 100 người chết. Con số trên trang mạng của Bộ Y tế thì ít hơn. Theo Bộ này, tổng cộng 77 người thiệt mạng khi bạo lực bùng phát từ ngày 18 đến 22-2.
Khói vẫn bốc lên tại Quảng trường Độc lập ở Kiev ngày 21-2. Ảnh: Reuters |
TRANH CÃI THỎA THUẬN “NGỪNG CHIẾN”
Reuters dẫn nguồn tin Cơ quan báo chí Văn phòng Tổng thống Ukraine ngày 21-2 cho biết, thỏa thuận sơ bộ này đạt được sau cuộc đàm phán thâu đêm giữa Tổng thống Viktor Yanukovich, đại diện phe đối lập và 3 bộ trưởng EU.
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Pháp - phe trung gian Liên minh Châu Âu (EU) - khẳng định “vẫn chưa có thỏa thuận cuối cùng” trong khi phe đối lập Ukraine vẫn im lặng. Trong khi phía Ba Lan cho biết, các cuộc đàm phán sẽ được nối lại vào 12 giờ (17 giờ Việt Nam), Truyền hình Ukraine đưa tin, thỏa thuận này đã được ký vào thời điểm này. Theo nguồn tin, thỏa thuận bao gồm việc sửa đổi hiến pháp, thành lập chính phủ liên minh và bầu cử tổng thống sớm vào tháng 12 tới. Giới phân tích nhận định, thỏa thuận sẽ dẫn đến việc Ukraine khôi phục bản hiến pháp năm 2004 trong vòng 48 tiếng và thành lập chính phủ liên minh trong vòng 10 ngày.
Những người biểu tình, cắm trại trong 3 tháng trên Quảng trường Độc lập ở Kiev, yêu cầu ông Yanukovich từ chức và bầu cử sớm. Thỏa thuận trên cho thấy, Tổng thống, người châm ngòi cho cuộc biểu tình khi hủy bỏ hiệp ước với EU và ủng hộ mối quan hệ chặt chẽ với Nga, đã có một số nhượng bộ (dù vẫn bác yêu cầu từ chức). Tuy nhiên, người ta vẫn nghi ngờ về tính hiệu quả của những thỏa thuận như thế này. Các cuộc đàm phán gần đây thành công nhưng lại chấm dứt trong thảm họa.
CỘNG ĐỒNG QUỐC TẾ XUNG ĐỘT
Khi 3 phái viên EU, gồm ngoại trưởng Pháp, Đức và Ba Lan, đang có mặt tại Kiev vì hòa bình Ukraine, nguyên thủ quốc gia từ phương Tây và Nga đã gọi điện cho nhau. Thủ tướng Anh David Cameron nói chuyện với Tổng thống Nga Vladimir Putin; Tổng thống Mỹ Barack Obama hội đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel.
NGHỊ SĨ UKRAINE ẨU ĐẢ Một vụ ẩu đả kinh hoàng xảy ra giữa các nghị sĩ tại Quốc hội Ukraine ngày 21-2. Vụ việc xảy ra sau khi Chủ tịch Quốc hội Volodymyr Rybak tuyên bố tạm dừng tranh luận về khả năng thông qua nghị quyết giảm bớt quyền hành của Tổng thống Yanukovich. |
Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng gọi điện cho Tổng thống Yanukovich, người liên lạc với ông Putin và Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon. Trong cuộc nói chuyện này, ông Biden cảnh báo Tổng thống Yanukovich, “Mỹ sẵn sàng áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với những quan chức chịu trách nhiệm ra lệnh cho quân đội nổ súng vào người biểu tình”. Còn Điện Kremlin hiện tuyên bố sẽ gửi đại sứ hòa giải đến Ukraine theo yêu cầu của ông Yanukovich để đàm phán với phe đối lập.
Trong khi đó, để đối phó với Kiev, EU nhất trí áp đặt lệnh cấm đi lại và phong tỏa tài sản đối với những người Ukraine “có bàn tay vấy máu”. Tuy nhiên, một quan chức ngoại giao EU nói rằng, số người bị liệt vào danh sách “sẽ phụ thuộc vào các diễn biến trên thực địa” và quan chức này khẳng định đã có một cam kết chính trị đối với các biện pháp trừng phạt được các ngoại trưởng EU nhất trí. EU cũng nhất trí đình chỉ việc xuất khẩu trang thiết bị chống bạo động cho Kiev.
Sự “quan tâm” của cộng đồng quốc tế đối với những diễn biến ở Ukraine đang cho thấy một sự leo thang căng thẳng đáng lo ngại ở quốc gia vốn bị phân chia trong hai thế cực: thân Nga và thân phương Tây.
Khả Anh