Chuyện bên ngoài Mỹ Sơn
Cận thánh địa Mỹ Sơn ngàn năm bí ẩn tồn tại một tảng đá lớn nằm trơ trọi giữa cánh đồng hun hút gió cùng một cái ao được nhiều người cho rằng có liên quan đến thánh địa Mỹ Sơn. Điều kỳ lạ là, tảng đá trông giống như có bàn tay con người chinh phục nhưng không, đá do thiên tạo. Tảng đá và cái ao này còn kéo theo một số câu chuyện đậm sắc màu dân gian...
Đá Dựng. |
Làm gạch, để lại ao?
Gắn với thánh địa Mỹ Sơn, còn có nhiều câu chuyện truyền thuyết xoay quanh về sự ra đời của nó. Theo các nhà nghiên cứu, địa hình thung lũng Mỹ Sơn (xã Duy Phú, H. Duy Xuyên, Quảng Nam) lọt thỏm giữa bốn bề đồi núi trập trùng, đặc biệt núi thiêng Hòn Đền án ngữ phía nam và sông Thu Bồn vắt dọc phía bắc... tạo nên một không gian yên tĩnh, đầy vẻ trang nghiêm, tách biệt với thế giới bên ngoài, nên vào thế kỷ thứ IV, đại vương Chămpa Bhadravarman, tức Phạm Hồ Đạt đã chọn thung lũng Mỹ Sơn để xây tháp thờ cúng thần và vua Bhadavara. Đến thế kỷ thứ VII, việc xây dựng các đền, tháp được làm bằng gạch, đá cho đến thế kỷ XIII thì chấm dứt hoàn toàn việc xây dựng thánh địa.
Còn theo một số chuyện dân gian thì ngày xưa, các vua Chămpa luôn quan niệm rằng thung lũng Mỹ Sơn là vùng đất linh thiêng, do đó khi xây dựng các đền tháp ở đây, các vua đã ra lệnh cho dân chúng phải lấy đất từ nơi khác để làm gạch. Tuân lệnh vua, dân làng kéo nhau tới một vùng đất cách thung lũng Mỹ Sơn chừng 3km để làm gạch do đất sét đỏ dẻo quánh, rất sạch, không pha lẫn các tạp chất. Do trải qua hàng trăm năm xây dựng các đền tháp thánh địa Mỹ Sơn, khu đất được lấy làm gạch trở thành một cái ao rất sâu với nhiều tôm cá. Vì ao được bàn tay con người đào lấy đất theo hình vuông nên cái tên gọi Ao Vuông cũng từ đó hình thành. Những người dân sống thưa thớt gần khu đất Ao Vuông dần dần đông đúc hơn và lập nên làng Ao Vuông. Ngày nay, Ao Vuông nằm sát bên con đường nhựa phẳng lì, rợp bóng cây xanh chạy vào thánh địa thuộc thôn Mỹ Sơn. Ao Vuông có diện tích khoảng 10.000m2, sâu từ 5-7m so với mặt đường. Trải qua dòng thời gian, ao do con người của nhiều thế hệ khai phá, canh tác đã làm biến dạng đi rất nhiều.
Một góc Ao Vuông. |
Đá mồ côi
Giữa cánh đồng đội 6, thôn Trung Sơn, xã Duy Phú, cách Ao Vuông chừng 1,5km có một tảng đá nằm ở đó rất lâu đời mang nhiều điều bí ẩn mà đến bây giờ chưa ai có thể lý giải được. Tảng sa thạch màu xám đen có hình dạng gần giống với khối lập phương, mặt trên có kích thước cạnh đông dài 283cm, cạnh bắc dài 275cm, cạnh tây dài 264cm và cạnh nam dài 262cm. Chiều cao của tảng đá được đo từ mặt ruộng lên đỉnh là 190cm, phần âm trong lòng đất bùn chừng hơn 50 cm. Nếu ai có dịp đến đây để quan sát kỹ tảng đá sẽ dễ dàng nhận thấy tảng đá này trừ mặt trên ra thì hoàn toàn không xuất lộ vết tích của việc đục đẽo hoặc dùng các phương tiện để chẻ từ một tảng đá lớn ra thành một khối đá vuông vức. Bốn mặt đá khá bằng phẳng, giống như nhân tạo chứ không phải tự nhiên.
Cái tên Đá Dựng chẳng biết có lúc nào và cũng từ tảng đá này đã kéo theo một vài câu chuyện được truyền từ đời này sang đời khác. Có người bảo rằng đây là phần lõi đá còn lại sau khi một số tảng đá khác được lấy đi để xây thánh địa Mỹ Sơn. Giả thuyết này xem ra bất hợp lý bởi cả cánh đồng rộng lớn của thôn Trung Sơn bằng phẳng, không hề xuất hiện một dấu tích nào của vùng đất pha trộn với núi đá hoặc các tảng đá khác. Chỉ có một mình tảng Đá Dựng nhô lên giữa cánh đồng chứ không hề có tảng đá thứ hai nên nó còn có tên gọi khác là đá Mồ Côi. Hơn nữa, cả khu di tích thánh địa Mỹ Sơn chỉ có một ngôi đền được xây bằng sa thạch dang dở. Các viên đá được xây dựng đền nhỏ hơn nhiều so với tảng Đá Dựng. Chính vì vậy nên lại có ý kiến cho rằng tảng đá được di chuyển từ nơi khác đến đây. Người xưa dùng tảng đá này đặt giữa cánh đồng để làm bàn thờ tế trời, cầu mong thần trời cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tốt tươi, cuộc sống nông dân thêm phần no đủ, vì mặt trên cùng của tảng đá thể hiện sự đục, chạm của con người. Tuy nhiên, đó mới chỉ là những câu "trả lời" tạm thời về tảng đá của nhân gian chứ chưa có một căn cứ nào về khoa học.
Còn truyền thuyết kể rằng ngày xưa ở vùng rừng núi Mỹ Sơn có cặp vợ chồng nông dân nghèo, sức khỏe phi thường. Đôi vợ chồng nọ có tên là ông Đùng, bà Đùng. Để giúp vua Chăm xây đền, họ gánh hai tảng đá từ hướng bắc rồi sải đôi chân thật dài để bước qua sông Thu Bồn vào Mỹ Sơn thì chẳng may chiếc đòn gánh bị gãy, một tảng rơi xuống cánh đồng của thôn Trung Sơn, tảng còn lại rớt xuống cánh đồng bên H. Đại Lộc. Dấu chân của ông Đùng, bà Đùng đi tới đâu cũng tạo ra ao, hồ và Ao Vuông cũng là "dấu chân" của họ chứ không phải do lấy đất làm gạch tạo ra.
Cũng như thánh địa Mỹ Sơn, Ao Vuông, Đá Dựng chắc sẽ còn ẩn chứa nhiều điều bí mật mà con người đương đại chưa thể khám hết, là điểm thưởng ngoạn lý thú của nhiều người.
THÁI MỸ