Nhân kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển (23-10-1961 – 23-10-2021):

Chuyện về Tàu không số C235

Thứ bảy, 23/10/2021 15:23

Đường Hồ Chí Minh trên biển và Đoàn tàu không số với bao kỳ tích, đã đi vào lịch sử dân tộc ta như một chiến công huyền thoại, một biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng của dân tộc ta trong thời đại Hồ Chí Minh. Nhân dịp kỷ niệm 60 năm Đường Hồ Chí Minh trên biển, về công tác tại xã Ninh Vân (thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa), tôi cùng đồng đội đến dâng hương Di tích lịch sử Địa điểm lưu niệm Tàu C235 và được nghe các cựu chiến binh (CCB) nơi đây kể lại câu chuyện cảm động về con tàu này ở bến Hòn Hèo. 

5 thủy thủ còn sống sót của Tàu C235 (từ trái sang phải) Nguyễn Văn Phong, Lê Duy Mai, Vũ Long An, Lâm Quang Tuyến, Hà Minh Thật.   (Ảnh tư liệu)

Bản hùng ca trên biển

Ngày 27-2-1968, Tàu C235 do Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh chỉ huy được lệnh xuất phát tiếp tế đạn dược cho chiến trường Khu 5. Đây là con tàu có vận tốc khá lớn (khoảng hơn 30 hải lý/giờ), chở 14 tấn vũ khí và 21 cán bộ, chiến sĩ. Sau 2 ngày đêm hành quân trên hải phận quốc tế, khoảng 18 giờ ngày 29-2, tàu chuyển hướng vào vùng biển Nha Trang liền bị máy bay trinh sát của địch nhòm ngó, quần lượn. Nhận định tàu ta đã bị lộ nên thuyền trưởng cho anh em ngụy trang cẩn thận, chờ đêm tối chuyển hướng vào bờ, chuẩn bị thả hàng, sẵn sàng chiến đấu. Đến 20 giờ, các tàu tuần dương của địch được báo động, chuẩn bị siết chặt vòng vây hòng bắt sống tàu ta. Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh cho phát tín hiệu gọi bến. Sau mấy lần chớp đèn ra hiệu nhưng bến không trả lời, thuyền trưởng lệnh cho tàu tắt hết đèn, áp sát vào bờ để thả vũ khí (đã đóng trong bao ni lông).

Khoảng 2 giờ 30 ngày 1-3, kho hàng trên tàu được chuyển gần xong, từ ngoài khơi tàu địch lầm lũi tiến vào, 3 tàu lớn vòng ngoài, 4 tàu nhỏ vòng trong tạo thành thế bao vây khép kín. Trên không, địch huy động máy bay lên thẳng vũ trang yểm trợ, thả pháo sáng rực cả bầu trời. Chúng bắt đầu cho nổ súng xối xả để thị uy. Trong tình thế hiểm nghèo, Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh vẫn bình tĩnh cho tàu tiến vào gần bờ hơn nữa. Cuộc chiến giữa ta và địch diễn ra ngày càng quyết liệt, chỉ khoảng 20 phút mà nhiều đồng chí của ta đã bị thương và hy sinh, Thuyền trưởng Phan Vinh cũng bị thương ở đầu. Khi biết không thể thoát khỏi vòng vây của địch, anh hội ý với Chính trị viên Nguyễn Tương và quyết định cho nổ tàu để không lọt vào tay địch. Khi tàu cách bờ khoảng 100m, Thuyền trưởng Phan Vinh cho tất cả anh em bơi vào bờ trước, còn anh và thợ máy Ngô Văn Thứ ở lại để đấu nối kíp nổ và trực tiếp điểm hỏa khối thuốc nổ hủy tàu. Khi anh em vào gần tới bờ thì một cột lửa bùng lên kèm theo tiếng nổ dữ dội chấn động cả vùng biển, hất tung một nửa thân Tàu C235 lên triền núi gần đó. Trong cuộc chiến không cân sức này, 14/21 cán bộ, chiến sĩ Tàu C235 đã anh dũng hy sinh.

Sự hy sinh của anh đã trở thành bất tử. Tháng 8-1970, Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh được tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Hiện nay, tên anh đã thành tên một hòn đảo trong quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa), một trường trung học cơ sở ở Ninh Hòa, một đường phố ở Nha Trang cũng đã mang tên người anh hùng Nguyễn Phan Vinh… 

CCB Phạm Thị Hường bên Bia ghi công 14 liệt sĩ Tàu C235.

Đón các thủy thủ ở bến Hòn Hèo

Những ngày sau đó, quân địch tiếp tục đổ quân lùng sục khắp núi Hòn Hèo để truy bắt các thành viên Tàu C235. Cán bộ, chiến sĩ còn sống đã trải qua những ngày rất gian khổ bởi thiếu lương thực và nước uống, trong khi địch vẫn truy lùng gắt gao. Các anh phải ăn ốc sên sống, liếm nước đọng trên lá rừng. Đến khi sức cùng, lực kiệt, gần như tắt hết hy vọng thì gặp được du kích ở bến. 

Năm nay đã 74 tuổi nhưng ký ức của CCB Phạm Thị Hường, từng là cán bộ Trạm xá căn cứ  Hòn Hèo, không hề phai nhòa theo thời gian. Giọng bồi hồi xúc động, bà kể: “Đầu tháng 3-1968, chúng tôi thấy trên biển có pháo sáng bắn lên, rồi nhiều tiếng súng nổ. Gần sáng có một tiếng nổ rất lớn. Biết tàu ta vào đã gặp địch, chúng tôi được lệnh tỏa đi tìm anh em thủy thủ. Lúc ấy trực thăng địch đổ quân bao vây vùng Hòn Hèo. Chúng đông lắm, có cả lính Đại Hàn. Ngoài biển thì tàu chiến, trên núi thì bộ binh, đạn vãi ra như mưa. Mải chạy càn, tôi bị lạc đơn vị, mấy ngày lang thang trong rừng. Đói cũng có nhưng cái khát còn đáng sợ hơn, phải hứng từng giọt nước mưa nơi khe đá rỉ xuống. Một đêm tôi thiếp đi ngay bên con suối cạn. Lúc tỉnh dậy trời tờ mờ sáng, thấy lính Đại Hàn gần đến mức nhìn rõ cả nốt tàn nhang trên mặt một tên trong số đó. Vỏ đồ hộp chúng ném ra, rơi ngay bên cạnh. Còn nước còn tát. Tôi rón rén lùi xa khu vực nguy hiểm. Ba ngày sau lần về chỗ đóng quân cũ của đơn vị. Lán trại đã bị đốt trụi. Rất lâu sau có tiếng động lạ, lắng nghe một lúc thì nhận ra người cùng đơn vị, chúng tôi ôm nhau nghẹn lời. Địch rút, chúng tôi lần xuống bến, đoán có thủy thủ còn kẹt ở đâu đó, đơn vị phân công chốt giữ trên từng đoạn đường mòn. Quả nhiên mấy hôm sau tìm được 5 anh thủy thủ còn sống nhưng kiệt sức vì rời tàu đã hơn 10 ngày”.

CCB Nguyễn Bá Cường, chồng của bà Hường, khi ấy là y tá Trạm xá căn cứ Hòn Hèo đã trực tiếp chăm sóc các chiến sĩ Tàu C235, kể tiếp: “Khi du kích đưa các thủy thủ về trạm xá, các anh chỉ còn da bọc xương, hai hốc mắt trũng sâu vì nhịn đói, nhịn khát nhiều ngày. Toàn bộ lương thực, thực phẩm đều đã bị địch đốt sạch, tất cả phải sống nhờ vào khoai mài. Ban đầu khoai mài còn nhiều, chúng tôi luộc cho các anh ăn, về sau đào được ít quá nên phải chuyển sang nấu cháo”. Không có mùng, đêm đến muỗi đốt chi chít, đập không xuể. Thấy thế bà Hường lượm dù pháo sáng khâu cho mỗi người một cái bao để chui vào ngủ. Hôm chia tay, anh Lâm Quang Tuyến, một thành viên Tàu C235, nói: “Bọn anh xin cái bao này để làm kỷ niệm không bao giờ quên”. Những người ở lại rưng rưng nước mắt, bịn rịn chia tay các thủy thủ. Thế là sau một thời gian được điều trị và phục hồi sức khỏe, 5 thành viên Tàu không số đã vượt núi, băng qua đại ngàn Trường Sơn trở lại miền Bắc tiếp tục nhận nhiệm vụ mới. 

Đến năm 1978, 10 năm sau ngày chia tay, anh Tuyến bấy giờ công tác tại Nha Trang, đã trở về Ninh Phước tìm gặp những đồng đội xưa. Ôn chuyện quá khứ, ai cũng kể vanh vách, không quên một chi tiết nào. Rồi các anh thủy thủ khác: Mai, Phong, Thật, An trong hành trình về chiến trường xưa, đã tìm bằng được vợ chồng ông Cường bà Hường để nhớ mãi những năm tháng không thể nào quên ấy. Tháng 10-2011, bà Hường vinh dự được mời ra Hải Phòng gặp mặt các CCB tàu không số nhân kỷ niệm 50 năm thành lập tuyến đường huyền thoại - Đường Hồ Chí Minh trên biển.

Tưởng nhớ sự chiến đấu và anh dũng hy sinh của các cán bộ, chiến sĩ Tàu C235, năm 1993, Lữ đoàn 125 Hải quân đã cùng chính quyền địa phương xây dựng Bia tưởng niệm 14 cán bộ, chiến sĩ tại mũi Bà Nam, xã Ninh Vân, thị xã Ninh Hòa. Ngày 26-4-2014, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành quyết định xếp hạng Địa điểm lưu niệm Tàu C235 (đường Hồ Chí Minh trên biển) là Di tích lịch sử Quốc gia. CCB Phạm Thị Hường sau này từng làm Bí thư chi bộ Xí nghiệp muối và chồng bà là Bí thư Huyện ủy Ninh Hòa đã gom góp ủng hộ gần trăm triệu đồng xây thêm nhà thờ để nắng mưa vẫn nhang khói được cho các liệt sĩ.

Trong lịch sử đường Hồ Chí Minh trên biển, trận hải chiến trên biển Hòn Hèo của Tàu C235 là một trong những trang sử chói lọi nhất. Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh và 13 đồng đội đã nằm lại tại xã đảo dưới chân núi Hòn Hèo, nhưng bản hùng ca về tinh thần yêu nước, tinh thần chiến đấu bảo vệ Tổ quốc của các chiến sĩ tàu không số vẫn còn vang vọng mãi trong lòng các thế hệ hôm qua, hôm nay và mai sau.   

NGỌC DIỆP