Cơ hội mới cho tơ lụa Quảng Nam
Festival Tơ lụa thổ cẩm Việt Nam - Thế giới tại Làng lụa Hội An (tỉnh Quảng Nam) đã khép lại, và mở ra những cơ hội mới đối với ngành sản xuất tơ lụa Quảng Nam chỉ mới bắt đầu. Sau kỳ lễ hội, với mục tiêu chào đón những nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước tham gia các dự án mới cho ngành sản xuất tơ lụa tại Việt Nam nói chung và Quảng Nam nói riêng, lễ hội đã làm cầu nối giúp Quảng Nam "gặt hái" thêm nhiều thành công mới.
Du khách tham quan tơ lụa truyền thống tại làng lụa Hội An. |
Hợp tác quốc tế
Trong 3 ngày diễn ra lễ hội, thành viên Hiệp hội Tơ lụa thế giới, lãnh đạo các tập đoàn sản xuất tơ lụa lớn của thế giới, trong nước, các nhà thiết kế, các nghệ nhân đã tích cực tham gia các hoạt động phong phú của lễ hội.
Đặc biệt, các đoàn đã tham quan không gian Văn hóa Tơ lụa trên Dòng sông lụa Quảng Nam, từ Làng lụa Hội An, làng lụa Mã Châu, đi trên sông Thu Bồn nơi hai ven bờ đang trồng dâu, tham quan nhiều điểm trồng dâu, ươm tơ... Tại đây, thành viên Hiệp hội Tơ lụa Thế giới đều đánh giá cao khả năng hợp tác giữa ngành sản xuất tơ lụa Việt Nam và các nước thành viên của hiệp hội. Đó là con đường mở ra sự trao đổi công nghệ tiên tiến, đầu ra cho sản phẩm tơ lụa Việt Nam cùng với khả năng hợp tác đầu tư vào khôi phục sản xuất ươm tơ dệt lụa tại Quảng Nam với những mô hình mới.
Trong khuôn khổ Festival Văn hóa tơ lụa và thổ cẩm lần thứ V tại Làng lụa Hội An, ông Wantanabe - Đại diện Hiệp hội dệt may tơ lụa Nishijin Tokyo Nhật Bản cho biết, sẽ hợp tác với Cty CP Tơ lụa Quảng Nam trong các hoạt động nhằm quảng bá văn hóa lụa và phát triển sản xuất tại Quảng Nam. Theo đó, tháng 10-2019, Hiệp hội Nishijin sẽ tổ chức hoạt động giới thiệu lịch sử văn hóa quốc phục Nhật Bản kimono; đồng thời thực hiện hợp tác chuyển giao công nghệ và trứng tằm giống, huấn luyện chuyên gia về kỹ thuật ươm tơ... Theo ông Wantanabe, với kinh nghiệm 50 năm trong ngành sản xuất tơ lụa tại Kyoto - Nhật Bản và là người bạn lớn gắn bó với sự phát triển những năm qua của mô hình Làng lụa Hội An, ông nhận thấy Quảng Nam có cơ hội rất lớn trong khôi phục, sản xuất nghề dâu tằm.
Đây là vùng đất được "trời phú" cho những bãi bồi màu mỡ, người dân có kinh nghiệm trong trồng dâu nuôi tằm. Điều Quảng Nam cần làm lúc này là xây dựng lại chuỗi giá trị cho nghề dâu tằm mà mở đầu là tìm ra nguồn trứng tằm tốt. Và Nhật Bản sẽ hỗ trợ Quảng Nam trong việc này. Ông Wantanabe cũng khẳng định đây là hoạt động hợp tác quốc tế khởi đầu cho hành trình khôi phục sản xuất dâu tằm tại Quảng Nam.
Khôi phục nguồn giống tằm
Trong khuôn khổ Hội thảo ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất dâu tằm tại lễ hội, nhiều báo cáo tham luận của các chuyên gia trong và ngoài nước trình bày đã tập trung trao đổi, chia sẻ nhiều vấn đề về thực trạng và nhu cầu phát triển tơ lụa hiện nay, đặc biệt là việc áp dụng khoa học công nghệ trong quá trình trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa.
Trong đó tập trung vào mục tiêu đổi mới công nghệ cho ngành sản xuất tơ tằm, kết nối hợp tác giữa các đô thị lớn có ngành tơ lụa phát triển, nhằm tăng năng suất và sản lượng, tạo động lực cho nông dân gắn bó với nghề trồng dâu nuôi tằm, tạo vùng nguyên liệu bền vững cho ngành hàng tơ lụa phát triển thịnh vượng. Ngoài các đề xuất liên quan đến khoa học công nghệ, hội thảo cũng có nhiều ý kiến của các chuyên gia đề nghị chính quyền các cấp tạo cơ chế cho người dân ở vùng trồng nguyên liệu có điều kiện vay vốn, mở rộng diện tích trồng trọt, đầu tư cơ sở vật chất để cải thiện công suất khai thác sản phẩm tơ tằm tại chỗ, cung cấp cho các đầu mối tiêu thụ, tạo thu nhập ổn định cho người dân.
Theo ông Đặng Vĩnh Thọ - Chủ tịch Hiệp hội Dâu tằm tơ Việt Nam, trong quá trình sản xuất dâu tằm tơ, trứng giống tằm đóng vai trò quan trọng, chất lượng trứng giống không tốt sẽ ảnh hưởng xấu đến kết quả lứa tằm và thu nhập của nông dân, đồng thời ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất và chất lượng kén. Hiện cả nước có 3 trung tâm nghiên cứu, sản xuất giống tằm, công suất thiết kế đạt khoảng 200.000 hộp trứng tằm/năm. Nhưng theo ông Thọ, những nghiên cứu về giống chưa đạt độ chín về ứng dụng trong thực tế nên người dân vẫn tiếp tục dùng hàng nhập tiểu ngạch và chấp nhận những rủi ro.
Hiểu được vấn đề này, ông Lê Thái Vũ - Chủ tịch HĐQT Cty CP Tơ lụa Quảng Nam cho biết, Cty đã đưa về Gò Nổi (vùng trồng dâu lớn của Quảng Nam) những máy móc hiện đại như máy cắt dâu, máy gõ kén. Mục tiêu trong thời gian sắp tới đó là tất cả quy trình sản xuất trứng giống sau này đều được chuyển giao về để người dân trực tiếp sản xuất. Tức là từ việc trồng dâu, nuôi tằm, sản xuất trứng giống, ươm tơ dệt lụa đến hoàn thiện sản phẩm sau này đều sẽ dùng đến khoa học công nghệ từ máy móc thiết bị hiện đại đến dòng ươm tơ tự động. Doanh nghiệp sẽ chịu trách nhiệm chuyển giao đến hợp tác xã và người dân.
ĐỒNG DAO