Con đường nào cho điện ảnh Việt Nam?

Thứ hai, 27/11/2017 09:00

Trong khuôn khổ chương trình Liên hoan phim Việt Nam (LHPVN) lần thứ XX được tổ chức tại Đà Nẵng, ban tổ chức liên hoan phim đã tổ chức hai buổi hội thảo để bàn cách nâng tầm và đưa phim Việt đến với khu vực và thế giới.

Các đạo diễn và nhà nghiên cứu điện ảnh trao đổi trong hội thảo Con đường đưa điện ảnh ASEAN ra thế giới.

Vui, buồn phim Việt

Tại hội thảo "LHPVN trong sự nghiệp phát triển điện ảnh dân tộc", nhiều nhà nghiên cứu, biên kịch đã thẳng thắn nói lên những bất cập trong việc phát triển điện ảnh nước nhà hiện nay. Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát cho rằng, khâu sản xuất phim của Việt Nam hiện có hai mặt chìm nổi. "Số lượng phim tham dự LHPVN lần này có hai hiện tượng nổi bật. Đầu tiên phải kể đến hiện tượng buồn, khi lần đầu tiên trong lịch sử điện ảnh Việt Nam vắng bóng hoàn toàn các tác phẩm được sản xuất tại các hãng phim lớn của Nhà nước như Hãng phim truyện Việt Nam, Hãng phim Giải phóng. Những kỳ liên hoan trước, các hãng phim này thường có tác phẩm chất lượng, phim được giải cao, các đạo diễn, diễn viên cũng rất xuất sắc. Những lần LHP gần đây thì những tác phẩm như vậy thưa dần, mà nguyên nhân chủ yếu là nguồn ngân sách nhà nước không còn đáp ứng đủ cho nhu cầu sản xuất của các hãng phim, đến LHPVN lần thứ XX này thì ngừng hẳn. Đây quả là điều rất đáng buồn và không thể không suy nghĩ", nhà biên kịch Hồng Ngát trăn trở.

Bù lại sự thiếu hụt phim của các hãng lớn, LHPVN lần này có số lượng phim tham gia rất lớn của các hãng tư nhân. Theo bà Hồng Ngát, nếu nhìn vào số lượng phim được sản xuất hàng năm của các hãng tư nhân thì thấy đó là một tín hiệu đáng mừng. Đáng mừng ở chỗ rất nhiều nhà sản xuất tư nhân đã quan tâm đến lĩnh vực điện ảnh, dám bỏ vốn vào lĩnh vực may ít, rủi nhiều này. Vì thế, rất nhiều đạo diễn trẻ có cơ hội thử sức, ngày càng khẳng định được tay nghề. Tuy nhiên, chất lượng của nghệ thuật là điều khiến cho nhiều người lo lắng. "Hiện tượng có rất nhiều hãng tư nhân tham gia làm phim theo tôi nên mừng một nửa, một nửa còn lại là lo âu. Bởi không ít người chưa am tường về điện ảnh cũng nhảy vào làm phim, điều này ắt dẫn đến sự ra đời của những sản phẩm non tay nghề, nông cạn ý tưởng và hời hợt giản đơn. Trong khi, những người được học hành bài bản thì không có điều kiện để làm phim. Đó là sự bỏ phí chất xám đáng tiếc. Tôi ước gì hai mặt của vấn đề này phối hợp với nhau để tập trung cho một tác phẩm điện ảnh thì số lượng phim sẽ song hành cùng chất lượng", nhà biên kịch Hồng Ngát trăn trở.

Còn nhà nghiên cứu phê bình điện ảnh Tô Hoàng thì cho rằng, không thể lấy phim thương mại hôm nay để làm đại diện cho điện ảnh dân tộc. "Chúng ta không thể buộc tư nhân làm những phim có tính chất tuyên truyền, điều đó phải do các hãng phim nhà nước thực hiện nhưng rất tiếc khi nguồn kinh phí để thực hiện phim chính thống hiện nay quá ít. Anh em trong nghề chúng tôi có một cái tủi như thế này, khi 1km đường cao tốc có thể đầu tư đến hàng trăm tỷ đồng, mà nếu số tiền ấy được đầu tư vào làm phim thì sẽ có nhiều phim chất lượng nhưng chẳng ai đầu tư số tiền ấy. Vì sao điện ảnh Hàn Quốc phát triển? Là vì họ có chính sách của nhà nước về điện ảnh. Tuy nhiên, Việt Nam chúng ta thì chưa có điều đó", ông Hoàng nói.

Nâng cao chất lượng phim

Tại hội thảo, các chuyên gia cũng trăn trở về chất lượng của phim. Ông Đỗ Duy Anh-Phó Cục trưởng Cục điện ảnh Việt Nam cho rằng, đưa nền điện ảnh Việt Nam và khu vực ASEAN ra thế giới thì sức sống điện ảnh khu vực sẽ vươn tầm. Ông Anh đưa ra ví dụ, ở Việt Nam hiện nay, hàng năm đưa từ 20-30 bộ phim tham gia liên hoan phim tại một số nước như Đức, Mỹ... Mặc dù cố gắng, nhưng chúng ta chưa gặt hái được nhiều thành tích vì chưa có tác phẩm có chất lượng.  Việt Nam có 628 phòng chiếu phim, hơn 95 nghìn chỗ ngồi. Trong đó, phòng chiếu thuộc doanh nghiệp nước ngoài quản lý chiếm tỷ lệ khá cao. Tuy nhiên, lượng phim Việt Nam sản xuất hiện nay chỉ đáp ứng 25% nhu cầu (khoảng hơn 40 phim/năm), nên phải nhập khẩu khoảng 200 bộ phim/năm.

"Để đưa phim Việt Nam nói riêng, khu vực ASEAN nói chung ra thế giới cần phải có những giải pháp cụ thể, trong đó cần phải hợp tác. Khi đã hợp tác, chúng ta sẽ có những tác phẩm chất lượng cao", ông Đỗ Duy Anh đề xuất.  Còn ông Jacek Bromsky, Chủ tịch Hội điện ảnh Ba Lan cho biết, để điện ảnh phát triển không thể không có sự hỗ trợ của chính quyền nhà nước. "Điện ảnh Ba Lan chiếm 35% thị trường Châu Âu, chỉ sau Pháp. Những năm qua, điện ảnh nước nhà luôn có sự đồng hành của chính phủ. Ngoài ra, Ba Lan cũng đã hợp tác mạnh mẽ với nhiều quốc gia có nền điện ảnh phát triển, với mong muốn đưa nền điện ảnh quốc gia phát triển khắp thế giới", ông Jacek Bromsky chia sẻ. Ông Jacek Bromsky cũng cho rằng, muốn đưa một tác phẩm ra thế giới, người làm phim cần phải làm những bộ phim mà người khác chưa làm được và là một bộ phim khán giả cần. Có như vậy điện ảnh mới vươn tầm.

Bà Ngô Phương Lan-Cục trưởng Cục Điện ảnh cho rằng, điện ảnh nước nhà đang từng bước đổi mới và hội nhập với khu vực, thế giới. Từ khẩu hiệu "Vì Tổ quốc - vì chủ nghĩ xã hội" ở LHPVN lần I và II, đến LHP lần thứ X là "Vì nền điện ảnh Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc", đến LHPVN lần thứ XX này lại có chủ để "Xây dựng nền công nghiệp điện ảnh hiện đại và nhân văn". "Điều đó cho thấy điện ảnh Việt Nam dần từng bước hội nhập với khu vực và thế giới. Chúng ta cởi mở trong sáng tác điện ảnh, tuy nhiên phim phải mang tính nhân văn và phục vụ nhân dân", bà Lan nhấn mạnh.

HOÀNG ANH