“Con ngựa thành Troy”!

Thứ năm, 05/07/2018 09:37

Việc bất kỳ nhà lãnh đạo thế giới nào gặp mặt trực tiếp hầu như đều được xem là điều tốt. Nhưng khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin có kế hoạch gặp nhau, các quan chức Châu Âu cảm thấy hơi lo lắng.

Khi thông tin về cuộc gặp thượng đỉnh giữa ông Putin và ông Trump vào ngày 16-7 tới tại Phần Lan được đưa ra, nhiều người cho rằng, đó chỉ là một cuộc gặp mang tính biểu tượng. Nhưng bối cảnh cho sự kiện này - chỉ vài ngày sau hội nghị thượng đỉnh NATO đầy tranh cãi giữa Mỹ với các đối tác trong liên minh quân sự này ở Brussels - đã làm bùng nổ những cảnh giác về khả năng Tổng thống Trump có thể nhượng bộ Nga.

Công khai chỉ trích NATO, ông Trump đang khiến mối quan hệ căng thẳng giữa Washington và các nước càng tồi tệ hơn nữa. Điều này có thể gây ra vấn đề cho các quốc gia Đông Âu nhỏ hơn giáp biên giới với Nga, những quốc gia mà phụ thuộc nhiều vào sự bảo đảm an ninh từ NATO.

Có thể, các quốc gia trong Liên minh Châu Âu (EU) sẽ “cảm thấy lúng túng” trước bất kỳ tuyên bố nào của ông Trump, vốn có thể làm suy yếu sự hài hòa xuyên Đại Tây Dương về vấn đề Ukraine hoặc về an ninh Châu Âu. Thậm chí, ông Trump tự tạo ra viễn cảnh bản thân mình như là “Con ngựa thành Troy trong NATO” của ông Putin.

Đáng chú ý, Tổng thống Trump dường như rất vui khi được làm việc với một chương trình nghị sự mà người đồng cấp Putin chỉ có thể mường tượng - sự tan rã của NATO. Trong diễn biễn mới nhất, ông Trump gửi thư đến các nhà lãnh đạo của các nước thành viên NATO, bày tỏ sự bất bình của Washington về việc các nước này không tuân thủ những nghĩa vụ tăng chi tiêu quốc phòng. 8 quốc gia Châu Âu nhận được thư của Tổng thống Trump là Bỉ, Italia, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Luxembourg, Na Uy, Hà Lan và Đức.

Thực tế, ông Trump nhiều lần chỉ trích các đồng minh NATO vì không thực hiện cam kết đưa ra năm 2014 là dành 2% GDP cho quốc phòng, đồng thời cáo buộc những nước này đẩy cho Mỹ đảm nhiệm gánh nặng không công bằng trong việc bảo vệ Châu Âu. Mỹ hiện chiếm gần 72% tổng chi tiêu quốc phòng của NATO và mới chỉ có 3 nước Châu Âu đạt mức chi 2% GDP cho quốc phòng là Anh, Hy Lạp và Estonia.

Lo ngại đặt ra rất lớn cho các nước Châu Âu khi mối quan hệ giữa họ với ông Trump càng căng thẳng, nhất là sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, thỏa thuận khí hậu Paris, và thực thi các biện pháp trừng phạt đối với EU. Và rồi, bất kỳ lực ma sát nào khác nữa, dù nhỏ hay lớn, cũng sẽ khiến liên minh Châu Âu-Mỹ thêm lung lay.

THANH VĂN