Crimea “đòi về” với Nga

Thứ sáu, 07/03/2014 12:12

(Cadn.com.vn) - Trong khi các nước phương Tây sốt vó vì Crimea trước những động thái của Moscow, người dân ở đây vẫn “bình chân như vại”, bởi dường như họ muốn  sáp nhập về Nga.

Quốc hội Crimea ngày 6-3 đã bỏ phiếu nhất trí trở thành một phần lãnh thổ thuộc Liên bang Nga, động thái chắc chắn làm leo thang cuộc đối đầu Đông – Tây trên bán đảo của Ukraine này.

Mọi việc vẫn không có dấu hiệu lắng dịu khi Ngoại trưởng Nga Lavrov từ chối gặp gỡ người đồng cấp Ukraine cũng như khởi động một “nhóm liên lạc” để tìm kiếm một giải pháp cho cuộc khủng hoảng tại bàn đàm phán ở Paris. Nguyên nhân được ông Lavrov lý giải là do nỗ lực hành động của “các đối tác của nước này” đối với cuộc khủng hoảng Ukraine thông qua thể chế dân chủ Tổ chức an ninh và hợp tác Châu Âu (OSCE) và liên minh quân sự NATO đang không trợ giúp cho sự hợp tác và đối thoại.

“Chảo lửa” này càng nóng sau khi một phái viên cấp cao của LHQ được cho là bị một đám đông ủng hộ Nga đe dọa và bị buộc phải quay trở lại máy bay và rời khỏi Crimea ngay trong ngày 5-3.

Cuộc sống của người dân Crimea vẫn diễn ra bình thường bất chấp sự có mặt
của lực lượng thân Nga trên đường phố. Ảnh: Reuters

QUỐC HỘI CRIMEA ĐỒNG Ý SÁP NHẬP NGA

“Quốc hội đồng ý sáp nhập vào Liên bang Nga với các quyền của một chủ thể trực thuộc Liên bang Nga”, Reuters dẫn văn bản của Quốc hội Crimea cho biết. Chính quyền thân Moscow cũng yêu cầu Tổng thống Nga Vladimir Putin xem xét đề nghị này và tuyên bố, việc này sẽ được đưa ra trưng cầu ý dân vào ngày 16-3 tới.

Quốc hội Crimea cho biết, cử tri sẽ được hỏi 2 câu: Crimea có muốn tiếp tục là một phần của Ukraine hay muốn sáp nhập vào Nga. “Vì có những mối đe dọa liên tục từ chính phủ bất hợp pháp Ukraine hiện nay, chúng ta cần đi một con đường khác nhau”, Phó Chủ tịch Quốc hội Crimea Sergei Tsekov nói với phóng viên bên ngoài Tòa nhà Quốc hội tại thủ phủ Simferopol. “Tôi nghĩ rằng, người dân sẽ muốn sáp nhập vào Nga. Điều đó sẽ thoải mái hơn nhiều”, ông nói thêm.

RIA Novosti ngay sau đó dẫn lời người phát ngôn điện Kremlin cho biết, Tổng thống Putin nhóm họp bất thường với Hội đồng An ninh để thảo luận tình hình Ukraine và cả đề nghị bất ngờ từ khu tự trị này. Nguồn tin không cung cấp thêm chi tiết, song trước đó, ông chủ Điện Kremlin từng tuyên bố, “Nga không xem xét sáp nhập Crimea, nhưng người dân ở đây có thể tự quyết định tương lai của họ”.

Tuy nhiên, chính phủ tạm quyền Ukraine ra tuyên bố cuộc trưng cầu dân ý này là “bất hợp pháp” và mở cuộc điều tra hình sự đối với Thủ tướng Crimea Sergei Askyonov, người vừa được Quốc hội bổ nhiệm vào tuần trước.

CĂNG THẲNG GIA TĂNG

Giới phân tích cho rằng, động thái bất ngờ tại Crimea, nơi có đa số người gốc Nga sinh sống và hiện đặt dưới sự kiểm soát của lực lượng thân Nga, đang đẩy cuộc khủng hoảng Ukraine lên nấc thang mới.

Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh Liên minh Châu Âu (EU) tổ chức họp Hội nghị Thượng đỉnh khẩn cấp để xem xét cách phản ứng trước việc Nga triển khai lực lượng ở Crimea. Một số thành viên, đặc biệt là các quốc gia Đông Âu, muốn trừng phạt cứng rắn, trong khi những nước khác, dẫn đầu là Đức lại tìm kiếm hòa giải. Thủ tướng Anh David Cameron hy vọng, trong liên minh với Thụy Điển, Ba Lan và các nước Đông Âu khác, ông có thể thuyết phục các đồng nghiệp rằng, Tổng thống Nga Vladimir Putin cần phải trả giá cho việc “chiếm đóng” Crimea. Theo đó, EU sẽ đình chỉ hiệp định song phương với Nga về visa du lịch miễn phí và vấn đề năng lượng.

Lập trường Trung Quốc về cuộc khủng hoảng Ukraine

Trung Quốc ngày 6-3 kêu gọi tôn trọng và quan tâm đến những quyền hợp pháp của toàn bộ các nhóm thiểu số ở Ukraine.
Theo Tân Hoa Xã, khi được hỏi lập trường của Trung Quốc về cuộc khủng hoảng ở Ukraine, ông Tần Cương nhắc lại, Bắc Kinh ủng hộ giải quyết khủng hoảng thông qua các kênh chính trị và ngoại giao. Trước đó, ông Tần Cương tuyên bố, Trung Quốc luôn tuân thủ nguyên tắc không can thiệp vào vấn đề nội bộ của bất kỳ quốc gia nào và tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine.

Trước thềm cuộc họp, EU cũng thể hiện rõ lập trường cứng rắn khi đóng băng tài sản của Tổng thống bị phế truất Viktor Yanukovich và 17 quan chức khác, trong đó có cựu Thủ tướng Mykola Azarov, do tình nghi những người này vi phạm nhân quyền và sử dụng sai mục đích ngân sách nhà nước. Quyết định trên được áp dụng trong lãnh thổ EU. Trong danh sách trên còn có tên cựu giám đốc cơ quan an ninh Ukraine, một cựu tổng công tố, một cựu bộ trưởng nội vụ và một cựu bộ trưởng tư pháp.  Trong khi đó, Kiev cũng khởi kiện hình sự đối với Đô đốc Alexander Vikto, chỉ huy Hạm đội Biển Đen của Nga vì “phạm các tội ác trên lãnh thổ Ukraine”. Tuy nhiên, Bộ chỉ huy Hạm đội Biển Đen cho rằng, phát biểu trên của Ukraine “hoàn toàn vô lý” và Moscow quen với “những cáo buộc lố bịch của Kiev”.

Tuy nhiên, theo nguồn tin từ Reuters, các nhà lãnh đạo EU kết thúc cuộc họp mà không đưa ra biện pháp trừng phạt nào nhằm vào Moscow bởi nhóm của Thủ tướng Đức Angela Merkel vẫn ưu tiên thúc đẩy hòa giải. Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jose Manuel Barroso cho biết trên Twitter: “Chúng tôi đứng trên lập trường đoàn kết về vấn đề Ukraine”.

Khả Anh