Nga - Mỹ gỡ bế tắc Crimea

Thứ năm, 06/03/2014 09:40

(Cadn.com.vn) - Bất chấp sự khác biệt, Mỹ-Nga ngày 5-3 tổ chức đàm phán làm dịu căng thẳng ở Ukraine.

Cuộc gặp gỡ hiếm hoi diễn ra tại thủ đô Paris của Pháp, giữa Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và người đồng cấp Mỹ John Kerry cùng với sự tham dự của toàn bộ 3 nước ủy viên thường trực HĐBA LHQ khác: Anh, Pháp, Trung Quốc.

Đây là cuộc đàm phán trực tiếp Nga-Mỹ lần đầu tiên kể từ khi khủng hoảng Crimea bùng nổ, diễn ra sau một hội nghị ở thủ đô Paris, vốn ban đầu là nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng tị nạn Syria. Bên cạnh đó, NATO và Nga cũng có kế hoạch tổ chức đàm phán song phương ở Brussels (Bỉ) giữa lúc xuất hiện quan ngại rằng, đối đầu giữa lực lượng Nga và binh sĩ Ukraine ở Crimea có thể châm ngòi bạo lực khiến Moscow có thể can thiệp vào khu vực này.

Việc các bên đồng ý tổ chức đàm phán làm dịu căng thẳng khiến thị trường thế giới phản ứng tích cực.

Tàu chiến Nga được cho là nhìn thấy ở cảng Sevastopol thuộc Crimea. Ảnh: AFP

NGA THỀ NGĂN CHẶN ĐỔ MÁU Ở UKRAINE

Trả lời họp báo tại thủ đô Madrid của Tây Ban Nha trước khi đến Paris, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov thề sẽ ngăn chặn đổ máu ở Ukraine, trong đó có các cuộc tấn công nhằm vào công dân Nga.

“Chúng tôi không cho phép đổ máu, không cho phép các nỗ lực đe dọa tính mạng và hạnh phúc của những người Nga sinh sống ở Ukraine”, vị thủ lĩnh ngoại giao khẳng định. Cũng giống như Tổng thống Putin, ông Lavrov khẳng định nhóm vũ trang được triển khai ở Crimea không phải binh sĩ của Nga, đồng thời nhấn mạnh, các nhân viên Hải quân Nga (thuộc Hạm đội biển Đen) đang ở những vị trí thông thường. Vì thế, “Điện Kremlin không thể ra lệnh cho các nhóm vũ trang thân Nga tại khu vực Crimea ở Ukraine quay lại căn cứ của họ vì các “lực lượng phòng vệ” này không chịu sự điều khiển của Moscow.

Trái với những chỉ trích của Mỹ và phương Tây, Ngoại trưởng Nga nhất trí cho rằng, chính quyền khu tự trị Crimea và chính quyền Kiev cần có sự đồng thuận trong việc chấp nhận để các giám sát viên quốc tế tiếp cận. Và trong ngày 5-3, AFP cho biết, 15 quốc gia thành viên Tổ chức an ninh và hợp tác Châu Âu (OSCE) nhất trí cử các quan sát viên quân sự đến Ukraine theo đề nghị của chính quyền sở tại. Tuy nhiên, nguồn tin không tiết lộ chi tiết về số người sẽ tham gia phái bộ, cũng như thời gian bắt đầu thực thi sứ mệnh và địa điểm triển khai ở quốc gia từng thuộc Liên Xô cũ này.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, chắc chắn sẽ không phải là khu vực Crimea vì khu tự trị này chưa gật đầu đồng ý.

NGA CÓ LỢI ÍCH CHÍNH ĐÁNG Ở UKRAINE?

Rõ ràng, Nga có các lợi ích chính đáng ở Ukraine. Chính Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng phải thừa nhận điều này, mặc dù cho rằng, điều đó không thể cho phép Tổng thống Putin có quyền can thiệp quân sự vào quốc gia Đông Âu này.

Điều đó lý giải nguyên nhân vì sao giới phân tích quân sự cho rằng, “Nga khó có thể rút lực lượng đang nắm quyền kiểm soát tại bán đảo Crimea”. AP ngày 5-3 dẫn lời ông Michael McFaul, người từng là đại sứ của Tổng thống Obama tại Nga nhận định, động thái này buộc Mỹ và các đồng minh Châu Âu mở chiến lược dài hơn nữa nhằm thuyết phục Tổng thống Putin không tiến quân đến những nơi khác của Ukraine. Đây là kịch bản đáng lo ngại đối với ông chủ Nhà Trắng, người vẫn đang chịu nhiều áp lực phải chứng tỏ mình có ảnh hưởng đối với ông chủ Điện Kremlin trong cuộc xung đột Đông và Tây nghiêm trọng nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Hiện tại, Moscow vẫn chưa có bất kỳ động thái dụng binh hay rút binh nào dù các lực lượng thân Nga vẫn kiểm soát Crimea, chiếm thêm 2 tiểu đoàn phòng thủ tên lửa của Ukraine tại khu vực này.

Nhưng rồi, nếu Nga rời khỏi Ukraine và tránh leo thang can thiệp quân sự, câu hỏi đặt ra là tương lai bán đảo Crimea sẽ như thế nào khi nơi đây có đến 60% dân số tự nhận mình là người Nga. Liệu Mỹ và các đồng minh Châu Âu, có thể phải mặc nhiên chấp nhận điều đó hoặc tìm cách để lôi kéo Crimea hướng Tây. Và nếu như vậy, cái giá phải trả là gì?

EU DỌA TRỪNG PHẠT, NGA CẢNH BÁO ĐÁP TRẢ

Liên minh Châu Âu (EU) sẽ xem xét biện pháp trừng phạt Nga nếu không có động thái hạ nhiệt ở Crimea, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius ngày 5-3 cho biết. Các biện pháp trừng phạt có thể sẽ được đưa ra thảo luận khi các nhà lãnh đạo EU gặp nhau vào hôm nay (6-3).

CNN dẫn lời Ngoại trưởng Fabius nói rằng, các biện pháp trừng phạt có thể bao gồm hạn chế cấp thị thực, phong tỏa tài sản của các cá nhân và thảo luận về các mối quan hệ kinh tế với Nga. Ngoại trưởng Fabius cũng bày tỏ mong đợi Moscow sẽ sớm thông báo về việc có triển vọng cho việc tiến hành đối thoại với nhóm liên lạc, ám chỉ tới đề xuất thành lập “một nhóm liên lạc” bao gồm các đại diện chủ chốt trong cuộc khủng hoảng Ukraine. Tình hình càng căng thẳng khi các quan chức chính quyền Obama vẫn đang thúc đẩy hơn nữa các kế hoạch trừng phạt Điện Kremlin.

Theo một quan chức Mỹ, ông Obama sẽ không tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G-8 tại Sochi vào tháng 6 tới trừ khi có sự thay đổi của Moscow trong cuộc khủng hoảng Ukraine. Tổng thống Obama cũng thảo luận với người đồng cấp Putin về cái gọi là “đường phụ” cho Nga, theo đó nước này rút các lực lượng ở Crimea về căn cứ và cho phép các thanh sát viên quốc tế giúp đảm bảo quyền lợi của cộng đồng gốc Nga tại khu vực này.

Điện Kremlin ngay sau đó đe dọa đáp trả mạnh mẽ nếu bị EU trừng phạt. Theo RIA Novosti, các nhà lập pháp Nga đang soạn thảo một đạo luật, vốn sẽ cho phép Điện Kremlin tịch thu tài sản của các Cty Mỹ và Châu Âu nếu phải đối mặt với lệnh trừng phạt.

Khả Anh

CRIMEA BÁC ĐÀM PHÁN VỚI CHÍNH PHỦ UKRAINE

Chính quyền khu tự trị Crimea ngày 5-3 bác bỏ đàm phán với chính phủ mới của Ukraine tại thủ đô Kiev.

“Chúng tôi không xem chính phủ mới là chính phủ hợp pháp, đó là vấn đề chính”, RIA Novosti dẫn lời Thủ tướng Sergei Aksyonov nói trên Đài phát thanh Latvia Baltcom. Ngay sau đó, Thủ tướng Aksyonov yêu cầu Nga hỗ trợ an ninh tại bán đảo có đa số người Nga sinh sống này vì lo ngại có thể bị tấn công. Crimea, với 2 triệu dân, luôn chứng tỏ sự ủng hộ Nga và chống lại chính phủ tạm quyền Kiev. Crimea có kế hoạch tổ chức bỏ phiếu trưng cầu dân ý quy chế tương lai của bán đảo này trong tháng 3, với yêu cầu quyền tự chủ lớn hơn và thậm chí có thể đòi ly khai.